Ông Biden: Trừng phạt Dòng chảy phương Bắc 2 là ‘phản tác dụng’ trong quan hệ với châu Âu

Thanh Tú - 26/05/2021 21:37 (GMT+7)

(VNF) - Tổng thống Mỹ Joe Biden lo ngại việc trừng phạt các công ty châu Âu tham gia dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) sẽ gây phản tác dụng trong quan hệ với các đồng minh châu Âu.

VNF
Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

“Tôi đã phản đối Dòng chảy phương Bắc 2 ngay từ đầu nhưng nó gần như đã hoàn thành vào thời điểm tôi nhậm chức. Do đó, việc ban hành các lệnh trừng phạt vào thời điểm hiện tại sẽ gây phản tác dụng trong mối quan hệ với châu Âu’’, Tổng thống Joe Biden phát biểu với phóng viên ngày 25/5.

Tuyên bố của ông Biden được đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây tuyên bố gỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào những công ty của châu Âu tham gia dự án Dòng chảy phương Bắc 2.

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hồi tháng 3 cảnh báo các tổ chức liên quan đến việc xây dựng đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc phải ngay lập tức rút khỏi dự án này nếu không sẽ phải đối mặt với lệnh trừng phạt của Mỹ.

Tuy nhiên, chính quyền Mỹ mới đây đã tuyên bố sẽ miễn áp đặt trừng phạt lên một công ty lớn thi công dự án là Nord Stream 2 AG, được đăng ký là một công ty Thụy Sĩ nhưng có công ty mẹ là tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga. Giám đốc điều hành của công ty này, là công dân Đức, cũng sẽ được miễn áp dụng trừng phạt của Mỹ.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã hoan nghênh đây là “bước đi hòa giải.”

Một nguồn thạo tin cho biết chính quyền Tổng thống Biden cho rằng việc dừng dự án Dòng chảy phương Bắc 2 không đáng để đánh đổi quan hệ với Đức bởi hai nước có thể hợp tác với nhau để cùng giải quyết nhiều vấn đề an ninh quốc gia.

Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 25/5 cho biết bà dự kiến sẽ có các cuộc trao đổi tiếp theo với Mỹ về dự án Dòng chảy phương Bắc 2 sau khi Mỹ miễn áp dụng các biện pháp trừng phạt với Nord Stream 2 AG.

Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án hợp tác giữa tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga cùng các công ty châu Âu là Uniper và Wintershall. Tuyến đường ống dẫn khí đốt từ Nga qua biển Baltic đến Đức với chiều dài 1.234km được xây dựng với công suất 55 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm với tổng số tiền đầu tư ước tính khoảng 11 tỷ USD.

Việc triển khai dự án Dòng chảy phương Bắc 2 vấp phải sự phản đối của một vài quốc gia, trong đó Mỹ là quốc gia phản đối mạnh mẽ nhất do lo ngại dự án này sẽ khiến châu Âu bị phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga, đồng thời ảnh hưởng tới tham vọng xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng của Washington sang khu vực.

Trong khi đó, Đức khẳng định, dự án này là dự án kinh tế thuần túy, mang lại lợi ích cho châu Âu. Chính phủ Đức cho rằng việc Mỹ trừng phạt dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 là "sự xâm phạm chủ quyền châu Âu".

Tính tới thời điểm hiện tại, đa số các công ty tham gia vào dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đã bị trừng phạt hoặc bị cảnh báo sẽ chịu lệnh cấm vận từ Mỹ.

Đến nay, 95% dự án đã được hoàn thành và chỉ còn một đoạn đường ống dài khoảng 120km ở vùng biển sâu ngoài khơi Đan Mạch và khoảng 28km trong vùng biển của Đức.

Xem thêm >> Bị kiện vì gọi SARS-CoV-2 là ‘virus Trung Quốc’, ông Trump khẳng định ‘tôi đã đúng’

Theo RT
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.