Thế giới tuần qua

Ông Donald Trump bị bắn, tổng đình công chưa từng có tại Samsung

Minh Ý - 14/07/2024 14:06 (GMT+7)

(VNF) - Trong ngày cuối cùng của tuần, sự kiện ứng viên Tổng thống Mỹ Donald Trump bị bắn đã trở thành tâm điểm quan tâm của giới tin tức.

Ông Donald Trump bị bắn khi đang vận động tranh cử

Tối 13/7, cựu Tổng thống Donald Trump đã bị bắn vào tai trong một cuộc vận động tranh cử tại Butler, Pennsylvania, một tiểu bang nằm ở phía đông bắc Mỹ.

Ông Trump, 78 tuổi, vừa bắt đầu bài phát biểu của mình thì tiếng súng vang lên. Ông ôm lấy tai phải, sau đó quỳ xuống phía sau bục phát biểu trước khi các mật vụ vây quanh và che chắn cho ông. Ứng viên tổng thống sau đó được đưa tới một chiếc SUV màu đen.

"Tôi đã bị bắn một viên đạn xuyên qua phần trên của tai phải. Tôi đã bị chảy rất nhiều máu", ông Trump sau đó chia sẻ trên nền tảng Truth Social của mình.

Kẻ nổ súng đã chết, một người tham dự cuộc biểu tình đã thiệt mạng và hai khán giả khác bị thương, Sở Mật vụ cho biết trong tuyên bố sau đó. Vụ việc đang được điều tra như một nỗ lực ám sát ứng viên Tổng thống.

Vụ nổ súng xảy ra chưa đầy bốn tháng trước cuộc bầu cử ngày 5/11, khi ông Trump sẽ có cuộc tái đấu bầu cử với Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden.

Các đảng viên Cộng hòa và Dân chủ hàng đầu đã nhanh chóng lên án bạo lực.

Ông Biden - đối thủ của ông Trump, được cho là đã tạm dừng các sự kiện công khai, cho biết hành động này "đáng kinh tởm" và tuyên bố "Không có chỗ cho loại bạo lực này ở Mỹ".

Đây là vụ xả súng đầu tiên nhằm vào một Tổng thống Mỹ hoặc ứng cử viên của các đảng lớn kể từ vụ ám sát hụt Tổng thống Cộng hòa Ronald Reagan năm 1981.

Hình ảnh hiện trường vụ ông Trump bị bắn.

Tổng đình công chưa từng có tại Samsung

Bắt đầu từ ngày 8/7, khoảng 6.500 thành viên của công đoàn lớn nhất Samsung - Liên đoàn Công nhân Samsung Electronics (NSEU) - đã bắt đầu cuộc đình công dự kiến kéo dài 3 ngày.

NSEU cho biết họ có 30.000 thành viên công đoàn, chiếm một phần tư lực lượng lao động của công ty Hàn Quốc này. Liên đoàn này yêu cầu Samsung tôn trọng các hoạt động lao động, cải thiện tiền thưởng và tăng trợ cấp ngày lễ.

Cuộc đình công này đánh dấu cuộc tổng đình công "không làm việc, không trả lương" đầu tiên trong lịch sử 55 năm của Samsung. Các yêu cầu chính bao gồm tăng lương cho 855 thành viên công đoàn không đồng ý với mức tăng lương cơ bản do ban quản lý đề xuất (5,1%), cải thiện hệ thống Khuyến khích hiệu suất chung (OPI), thực hiện lời hứa về chế độ nghỉ phép có lương và bồi thường cho các thành viên công đoàn về những tổn thất kinh tế phát sinh trong các cuộc đình công không lương.

NSEU đã hạ thấp yêu cầu tăng lương của mình để phù hợp với yêu cầu của Samsung. Mức 5,6% mà họ đang kêu gọi hiện nay đã giảm so với mức 6,5% mà công đoàn đã yêu cầu trong những tháng gần đây. Bản thân con số này đã giảm so với mức 8,1% mà họ đã kêu gọi công khai khi các cuộc đàm phán đầu tiên bị đổ vỡ vào tháng 2.

Tuy nhiên tới ngày 10/7, NSEU đã tuyên bố "cuộc đình công kéo dài vô thời hạn" vì công ty không tỏ ra sẵn sàng tham gia đàm phán sau giai đoạn đầu tiên của cuộc đình công.

Công đoàn tuyên bố rằng những diễn biến gần đây đã thúc đẩy thành công các thành viên công đoàn và hơn 25.000 thành viên trước đây không tham gia cuộc đình công sẽ không còn do dự nữa.

Ông Son Woo-mok, người đứng đầu Liên đoàn Công nhân Samsung Electronics (NSEU), ngày 11/7 cho hay ông đã nhận được báo cáo về sự gián đoạn đáng kể tại các nhà máy sau khi nhân viên ngừng làm việc. Nhưng ông không ước tính có bao nhiêu công nhân cuối cùng có thể tham gia một cuộc tổng đình công.

Một hình ảnh trong cuộc đình công của các nhân viên Samsung.

Nhiều thị trường chứng khoán lập kỷ lục

Trong tuần vừa qua, thị trường chứng khoán Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ đều thiết lập những kỷ lục mới, được thúc đẩy từ niềm tin Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể sớm cắt giảm lãi suất và sự phát triển của các cổ phiếu chip.

Tại Mỹ, phiên giao dịch ngày 12/7 chứng kiến chỉ số Dow Jones chốt phiên ở trên mức 40.000 điểm. Cụ thể, Dow Jones tăng 247,15 điểm (tương đương 0,62%) lên 40.000,90 điểm. Chỉ số này có thời điểm trong phiên giao dịch đã tăng lên mức cao mọi thời đại mới là 40.257,24 điểm. Đây là lần đầu tiên Dow Jones tái lập mốc 40.000 điểm kể từ tháng 5.

Chỉ số S&P 500 tăng 0,55% và kết thúc phiên giao dịch ở mức 5.615,35 điểm. Trước đó, cũng trong phiên giao dịch ngày 12/7, chỉ số này đã thiết lập mức cao nhất mọi thời đại là 5.655,56 điểm.

Tại Nhật Bản, kết thúc phiên 11/7, thị trường chứng khoán Nhật Bản đã kết thúc ở mức cao kỷ lục mới.

Cụ thể, chỉ số Nikkei Stock Average 225 đóng cửa tăng 392,03 điểm, tương đương 0,94%, lên mức 42.224,02. Trước đó, mở đầu phiên 11/7, chỉ số này cũng tăng hơn 1% lên trên mức 42.000 điểm và đánh dấu lần đầu Nikkei 225 đạt được cột mốc này.

Chỉ số Topix đóng cửa tăng 19,97 điểm, tương đương 0,69% lên mức 2.929,17, đây cũng là đỉnh cao mới.

Tại Ấn Độ, phiên giao dịch cuối tuần ngày 12/7 cũng chứng kiến chỉ số Nifty 50 tăng 0,77% ở mức 24.502,15. Nifty đạt mức cao nhất mọi thời đại là 24.592,20 trong phiên giao dịch.

Chỉ số Sensex cũng đạt mức cao đóng cửa mới là 80.519,34 với mức tăng 622 điểm, tương đương 0,78%. Trước đó, trong phiên giao dịch, chỉ số này cũng đạt mức cao mọi thời đại là 80.893,51 điểm.

Đồng yên tăng giá làm dấy nghi vấn BOJ can thiệp

Ngày 11/7, khi giá đồng USD giảm sau dữ liệu lạm phát tại Mỹ, đồng yên được giao dịch ở mức 157 yên/USD. Trước đó, đồng tiền Nhật Bản giao dịch quanh mức 161 yên/USD - mức thấp nhất trong vòng 38 năm.

Mức tăng khoảng 3% của đồng yên so với USD, được coi là mức tăng mạnh nhất trong hơn 2 năm trở lại đây, cũng làm dấy lên nghi ngờ về việc Ngân hàng Nhật Bản đã lặng lẽ can thiệp vào thị trường ngoại hối.

Dữ liệu hoạt động hàng ngày từ BOJ vào ngày 12/7 cho thấy ngân hàng trung ương này đã chi từ 3.370 - 3.570 tỷ yên (21,1 - 22 tỷ USD) để mua đồng yên, chưa đầy 3 tháng sau lần can thiệp vào thị trường gần nhất.

Trước đó, vào cuối tháng 5, Nhật Bản đã xác nhận lần can thiệp tiền tệ đầu tiên kể từ năm 2022 với khoản chi tiêu 62 tỷ USD. Bộ Tài chính tuyên bố vào thời điểm đó rằng Nhật Bản đã can thiệp tiền tệ từ ngày 26/4 đến ngày 29/5.

WHO cảnh báo bùng phát H5N1

Ngày 12/7, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra cảnh báo nghiêm trọng về nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm H5N1, sau khi Mỹ đã báo cáo trường hợp thứ tư nhiễm virus cúm gia cầm H5N1 ở người sau khi tiếp xúc với bò sữa bị nhiễm bệnh, trong khi Campuchia báo cáo hai trường hợp ở trẻ em tiếp xúc với gà chết.

WHO kêu gọi tất cả các quốc gia tăng cường giám sát và báo cáo các ca cúm ở động vật và người, đồng thời kêu gọi các nước chia sẻ mẫu và giải trình tự gene.

Ngoài ra, tổ chức này còn khuyến nghị cần có các biện pháp để bảo vệ tốt hơn cho những người chăn nuôi có thể tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh và tăng cường nghiên cứu về cúm gia cầm.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết hiện chưa có trường hợp lây truyền từ người sang người nào được báo cáo, do đó WHO vẫn đánh giá rủi ro đối với công chúng nói chung là thấp. Tuy nhiên, khả năng đánh giá và quản lý rủi ro đó của WHO vẫn còn kém hiệu quả do sự hạn chế trong việc giám sát đối với virus cúm ở động vật trên toàn cầu.

Bị bắn vào tai, máu đầy mặt, ông Trump vẫn đứng lên giơ cao nắm đấm

Bị bắn vào tai, máu đầy mặt, ông Trump vẫn đứng lên giơ cao nắm đấm

Video
(VNF) - Cựu Tổng thống Donald Trump bị thương do trúng đạn khi đang vận động tranh cử.
Cùng chuyên mục
Tin khác