Ông già khó tính Nguyễn Quốc Hiệp kể chuyện khởi nghiệp ở tuổi nghỉ hưu
Giang Sơn -
25/12/2017 19:21 (GMT+7)
Làm thế nào lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước về hưu thích ứng được môi trường tư nhân?
Khởi nghiệp ở tuổi 60
Lẽ ra ở cái tuổi "tri thiên mệnh", ông Nguyễn Quốc Hiệp có thể an nhàn vui hưởng tuổi già cùng con cháu. Giờ đã ngoài 70 nhưng nếu gọi là "ông già" thì có cái gì đó "sai sai", bởi năng lượng làm việc của ông thì đến cánh thanh niên còn phải nể phục.
Mà chẳng phải bây giờ, cách đây tròn 10 năm, chỉ một thời gian ngắn sau khi nhận quyết định nghỉ hưu sau mấy chục năm cống hiến cho Nhà nước, ông Hiệp ngay lập tức dấn thân khởi nghiệp. Nhưng lần này, ông không theo nghiệp cũ là thi công xây dựng mà lập Công ty đầu tư bất động sản GP. Invest.
Dường như số phận ông thường gắn liền với những công ty khởi đầu bằng số không tròn trĩnh, như với Vinaconex ông là 1 trong 4 người sáng lập, rồi tiếp quản Constrexim lúc ngập trong nợ nần. Khi ông rời Vinaconex và Constrexim, cả 2 đều trở thành những nhà thầu xây dựng có tiếng.
Nhưng khi ông cùng các cổ đông thành lập GP. Invest, thời thế đã khác, vị thế của ông cũng khác. Ông không còn là "sếp" của một doanh nghiệp Nhà nước đầy quyền uy và ông bắt đầu sự nghiệp mới ở tuổi nghỉ hưu. Lĩnh vực bất động sản cũng đầy rẫy nhưng thủ tục phức tạp được ông ví như "sửa một cái nhà vệ sinh cũng phải xin phép" mà công ty ông đã phải lên Sở Xây dựng rồi xuống quận không biết bao lần mới có được giấy phép xây dựng cho một dự án mới.
Nhưng thách thức lớn nhất đối với những người như ông vốn có thâm niên hàng chục năm làm việc trong doanh nghiệp Nhà nước với cơ chế vận hành xơ cứng là làm sao thích ứng được với cơ chế thị trường cạnh tranh rất khốc liệt. Cùng thời với ông, rất nhiều chủ tịch, tổng giám đốc công ty Nhà nước khi nghỉ hưu cũng lập doanh nghiệp tư nhân nhưng chẳng mấy ai thực sự thành công.
Nhìn lại để thấy người thuyền trưởng của GP. Invest đã vững tay chèo như thế nào để đưa công ty từ chỗ không trụ sở, không cơ sở vật chất, không dự án sau 10 năm trở thành một thương hiệu uy tín trên thị trường bất động sản. Giờ ông Hiệp là Chủ tịch HĐQT của công ty với tổng tài sản hơn 2.000 tỷ đồng, đồng thời đã bán hết và bàn giao 2.063 căn hộ cho khách hàng.
Tổ hợp căn hộ Tràng An Complex với 878 căn hộ là dự án thứ 3 GP. Invest hoàn thành tại Hà Nội.
Tôi không bao giờ lẫn lộn giữa cái chung và cái riêng
Trải nghiệm hơn 40 năm làm Nhà nước với chức danh Phó tổng giám đốc Vinaconex rồi Tổng giám đốc Constrexim và 10 năm làm tư nhân đủ để ông thấy được sự khác biệt của hai cơ chế này. Khi được hỏi: "Từ tổng giám đốc một công ty Nhà nước sang lãnh đạo một doanh nghiệp tư nhân, ông ấy cái nào khó hơn?", ông trả lời có vẻ nước đôi: "Vừa dễ hơn, vừa khó hơn."
Quả thực, nếu dễ thì không đến nỗi có người từng là anh hùng lao động thời làm công ty Nhà nước hoặc từng là vụ trưởng lại thất bại khi điều hành doanh nghiệp tư nhân lúc về hưu. Tưởng chừng những kinh nghiệm làm việc trong Nhà nước có thể ứng dụng khi làm doanh nghiệp tư nhân nhưng thực tế không phải vậy.
Ông Hiệp khẳng định rằng, làm lãnh đạo công ty có gốc gác Nhà nước vẫn có những thuận lợi nhất định. Ví như, dù không ai nói ra nhưng các công ty thuộc Hà Nội quản lý thường được ưu ái hơn một cách vô hình, như có quỹ đất sẵn từ xưa mà không phải tìm kiếm như doanh nghiệp tư nhân. Hoặc những công ty thuộc Bộ Xây dựng mà vẫn còn vốn Nhà nước thì khi lên xin thẩm định thiết kế hay xây dựng dễ hơn các công ty bên ngoài.
Nhưng doanh nghiệp Nhà nước lại vấp phải rào cản là cơ chế sử dụng đồng vốn còn xơ cứng, có những nguyên tắc bất thành văn mà bản thân người làm lãnh đạo bị bó chân bó tay. Khi sang làm công ty tư nhân, việc sử dụng vốn linh hoạt hơn, không phải trình bẩm cấp trên mà có quyền quyết định.
Nhưng không phải vì thế mà lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân có thể làm bừa, làm ẩu, vì nó liên quan đến túi tiền của chính mình và của cả cổ đông. Bản tính của ông Hiệp là dù có làm Nhà nước hay làm tư nhân thì ông vẫn "cực kỳ nghiêm chỉnh".
Là người điều hành, ông có quyền ký những quyết định tiền tỷ mà không phải hỏi ai. "Nếu tham lam, vơ vét thì không bao giờ mình được kính trọng. Được một ít tiền nhưng mình mất đi cái lớn hơn vô cùng là danh dự, uy tín bao nhiêu năm mình mới có được. Vì thế, nó như ăn vào máu thịt là mình không bao giờ lẫn lộn giữa cái chung và cái riêng", ông nói.
Mà không phải bây giờ khi làm doanh nghiệp tư nhân ông mới nhận được sự yên tâm, tin tưởng tuyệt đối của các cổ đông khi đưa ra các quyết định. Ngay từ hồi còn làm doanh nghiệp Nhà nước, ông cũng tuyệt nhiên không để lại điều tiếng gì. Dù làm ở đâu, tính cách ông vẫn vậy: chỉn chu, minh bạch và đàng hoàng. Ông thừa nhận, tính cách đó cũng như khả năng kinh doanh của ông là do gen di truyền từ mẹ ông. Cẩn thận, nghiêm túc, chặt chẽ từ cái nhỏ nhất là những đức tính mà ông đã học được từ mẹ hồi ông còn nhỏ.
Tôi là một người nghiêm túc vào loại hàng đầu
Hầu như trong cuộc trò chuyện nào với giới truyền thông ông Hiệp cũng nhắc đến mẹ mình với sự ngưỡng vọng. "Đến bây giờ tôi vẫn nói bà cụ là người cực kỳ sắc sảo, cực kỳ nhanh nhẹn, quyết đoán và là người buôn bán rất giỏi từ thời Pháp thuộc".
Thời đó không có máy tính, điện thoại, nhưng bà nhớ rất giỏi và làm việc rất chỉn chu, rành mạch. Cứ mỗi một tuần bà viết các việc cần làm lên một tờ giấy và làm xong việc nào thì gạch đi việc đó. Một cách làm đơn giản nhưng thành thói quen và chỉn chu nên bà có thể điều phối kinh doanh rất nhiều mặt hàng khác nhau.
Những hình ảnh đó ăn sâu vào trong trí nhớ và ảnh hưởng đến cách làm của ông Hiệp mà chính ông tự nhận là khi còn làm tổng giám đốc doanh nghiệp Nhà nước: "Tôi là một người nghiêm túc vào loại hàng đầu".
Nói như vậy không có nghĩa ông khăng khăng đi theo lối mòn. Cơ chế vận hành của doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân khác nhau, nếu ông cứ bảo thủ thì khó có thể thích nghi. Mà đối với những người đã có tuổi, lại ngồi lâu năm trong cơ chế Nhà nước thì thay đổi không hề dễ dàng. Nhưng ông luôn học hỏi, dù đã có nhiều năm kinh nghiệm nhưng ông vẫn không ngừng học hỏi cả cái cũ và cái mới, nhờ đó thích ứng được với môi trường mới.
Ông Hiệp còn là Chủ tịch Hiệp hội Quản lý và Bảo trì toà nhà Việt Nam. Trong ảnh là ông đang tham dự một hội nghị về quản lý và bảo trì toà nhà tại Tokyo năm ngoái.
"Tôi là một trong số rất ít người tuổi không phải là ít nhưng lại hòa nhập và chuyển hóa theo cơ chế thị trường. Không phải hòa nhập theo nghĩa xấu mà mình vẫn là mình và mình thích nghi với cơ chế thị trường cạnh tranh một cách lành mạnh mà không cần dùng đến ‘mác’ Nhà nước", ông Hiệp tự tin khẳng định.
Ông nhìn nhận, chính nguyên tắc thị trường đã tạo ra sức mạnh cho các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Chẳng hạn, trong lĩnh vực bất động sản, khó ai bây giờ có thể cạnh tranh với Vingroup. Nhưng không cần phải nói tới Vingroup mà ngay cả như GP. Invest cũng có thể tự tin cạnh tranh sòng phẳng, thậm chí ưu thế hơn những ‘ông lớn’ Nhà nước một thời như HUD hay Vinaconex.
Không chỉ trong lĩnh vực bất động sản mà cả trong lĩnh vực thầu xây dựng thì những doanh nghiệp Nhà nước đình đám một thời như Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, Tổng công ty Sông Đà hay Vinaconex hiện nay lép vế trước những doanh nghiệp tư nhân như Coteccons, Hoà Bình và Delta.
"Điều đó nói lên cơ chế hoạt động đã kìm hãm các doanh nghiệp Nhà nước không phát triển được. Mấu chốt của điều đó là tiền không phải của họ nên họ sẽ không có trách nhiệm với nó, còn tư nhân là tiền của tôi nên nếu mất, tôi sẽ lo lắng và ảnh hưởng đến các cổ đông. Chính vì thế có thể nói, cơ chế tạo ra sự sắc sảo trong cạnh tranh và đây chính là nguyên tắc thị trường", ông Hiệp chia sẻ.
Đối với tôi, dự án là đứa con tinh thần
Thay đổi để thích nghi nhưng tính cách của ông vẫn thế. Đứng đầu doanh nghiệp với tài sản hàng nghìn tỷ đồng nhưng ông vẫn tỉ mẩn từng chi tiết nhỏ, xem xét từ chiếc công tắc điện trước khi chọn mua cái nào tốt hơn, đem gỗ lát sàn về ngâm thử trong nước xem có bị biến dạng hay không. Ông khó tính đến mức, nhà mẫu dự án căn hộ Tràng An Complex phải đập đi làm lại mấy lần ông mới ưng ý.
Khi được hỏi: "Đã làm nhiều dự án lớn rồi mà vẫn để ý chi tiết vặt như vậy thì ông có quá cầu toàn không?", ông khẳng định đó không phải là việc vặt. "Với tôi, dự án như đứa con tinh thần. Người mua nhà sẽ không nhớ nhà thầu là ai, mà chỉ biết do GP.Invest làm chủ đầu tư, hay dân dã hơn là nhà do ông Hiệp xây dựng. Vì thế, uy tín và danh dự của công ty, của chính tôi gắn liền với chất lượng sản phẩm, nên càng tỉ mỉ thì chất lượng xây dựng càng tốt".
Ông cũng thú thực: "Tôi là người chỉn chu, cẩn thận và có thể nói là khó tính." Vì thế, Dự án Tràng An Complex làm rất chặt chẽ, tỉ mỉ từng tí và các nhà thầu đều ghi nhận. Nếu vật tư tìm mua không có thì ông yêu cầu phải đổi vật tư cùng đẳng cấp và trình mẫu để kiểm tra và nghiệm thu rồi mới sử dụng. Ông tự tin là chủ đầu tư có biện pháp quản lý chất lượng chặt chẽ và ông nắm dự án như lòng bàn tay. "Tôi làm hết trách nhiệm của chủ đầu tư để khách hàng yên tâm, không phàn nàn".
Lạ ở chỗ, dù có nhiều năm kinh nghiệm làm nhà thầu xây dựng nhưng ông không tiếp tục nghề cũ mà đi đầu tư bất động sản lúc về già. "Xây dựng là nghề ăn no vác nặng", ông nói. Ông Hiệp nhận thấy, nghề xây dựng vô cùng vất vả và hiệu quả thấp, nếu không mất mát, thua thiệt thì lợi nhuận chỉ khoảng 4-5%. Còn nếu đầu tư bất động sản vào lúc thị trường đang lên hay mua đất lúc rẻ thì lợi nhuận có thể gấp nhiều lần xây dựng.
Nhưng, nếu xây dựng chỉ đơn thuần là nhận thầu, quản lý công trình, đổ bê tông, xây tường thì đầu tư bất động sản đau đầu hơn nhiều: phải xem thiết kế thế nào cho chuẩn để bán được hàng, rồi quản lý thế nào để chuẩn tiến độ, chiến lược kinh doanh và tiếp thị thế nào cho hợp lý? Vấn đề đầu tiên và khó nhất trong đầu tư bất động sản trong mắt ông Hiệp lại là quyết định đầu tư. "Nghĩa là xem chỗ này có nên đầu tư hay không, mà đầu tư thì xây cái gì. Điều đó đòi hỏi phải có tư duy và người làm bất động sản giỏi hay không là phải giải quyết được bài toán đó", ông Hiệp giải thích.
Ông Hiệp chăm chút từng chi tiết của dự án Tràng An Complex trước khi bàn giao nhà cho khách hàng.
Để ra được quyết định đầu tư không hề đơn giản. "Quyết định đầu tư đúng đòi hỏi có sự quyết liệt, tri thức, khả năng phân tích, tư duy sắc sảo và cả sự dũng cảm", ông Hiệp nhấn mạnh. Đối với dự án bất động sản có vốn đầu tư hàng nghìn tỷ, nếu thất bại thì công ty sẽ không còn gì, còn khi thành công thì mọi người đều rất phấn khích, nhưng ít người biết rằng khi ra quyết định đầu tư là cả sự dũng cảm, quyết liệt và có cả sự lo lắng.
Nếu làm xây dựng, tốt thì cũng được 4-5%, còn ít thì cũng còn 1%, thậm chí nếu nợ xấu thì cũng không chết ngay, chứ còn đầu tư bất động sản mà dự án không bán được thì doanh nghiệp sẽ chết ngay. Đó là chính là điểm khác biệt mà ông Hiệp đúc rút được khi chuyển từ vai trò là nhà thầu xây dựng sang đầu tư bất động sản.
Sang lĩnh vực kinh doanh mới, có nhiều thời điểm ông Hiệp đối diện với những quyết định khó khăn. Ngay từ khi thành lập GP. Invest vào năm 2007, ông Hiệp đã có quan điểm là nếu đầu tư bất động sản ở Hà Nội thì chỉ đầu tư từ Vành đai 3 trở vào trung tâm thành phố, còn ngoài Vành đai 3 thì không.
Nhớ lại thời đó, thị trường bất động sản bùng nổ, nhà nhà đầu tư bất động sản, cứ chỗ nào có đất là lập dự án. GP. Invest cũng được Hà Nội đồng ý cho lập dự án đầu tư dự án nhà ở 20ha ở Đức Thượng, huyện Hoài Đức. Công ty mới thành lập nên có dự án như thế không khác gì "trời cho". Nhưng ông Hiệp dứt khoát không lấy.
Nhiều người cũng đặt câu hỏi sao lại bỏ qua cơ hội ngàn vàng như vậy, bởi nhiều dự án khác ở Hoài Đức đang bán đắt như tôm tươi. Ông Hiệp lại cho rằng, những khu vực hạ tầng, tiện ích không có thì khó có thể kinh doanh được. Giờ đây, chứng kiến nhiều dự án "chết lâm sàng" ở khu vực tỉnh Hà Tây cũ vì không có thanh khoản, nằm "đắp chiếu", ông Hiệp cũng thấy may mắn vì đã quyết định đúng.
Lãi ít bán nhiều còn hơn là lãi nhiều bán ít
Nhưng đầu tư bất động sản không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Dự án đầu tay của GP. Invest tại 170 Đê La Thành tung ra đúng vào lúc thị trường sốt nóng, nhưng sau đó thị trường tụt dốc. Và khi đầu tư dự án tiếp theo là Nam Đô Complex thì thị trường rơi vào khủng hoảng, các doanh nghiệp cực kỳ khó khăn, một số đã phải rút lui, nhiều dự án dừng thi công.
GP. Invest lúc đó cũng đứng trước sự lựa chọn khó khăn: nếu đầu tư cả 2 toà nhà một lúc thì bán thế nào hay chỉ đầu tư một toà để giảm thiểu rủi ro? Nhưng ông Hiệp cương quyết: nếu chỉ đầu tư một toà nhà thì sẽ khuôn viên dự án không hoàn chỉnh, trang thiết bị, hạ tầng, tầng hầm thông giữa 2 toà cũng không thể nửa vời.
Vì thế, thay vì trì hoãn như nhiều dự án khác, ông Hiệp quyết định sẽ triển khai thật nhanh cả dự án để thời gian đọng vốn trong xây dựng cơ bản ngắn nhất và vốn vay chịu tiền lãi ít nhất. Quyết tâm vậy nên dự án hoàn thành trước tiến độ 3-4 tháng so với cam kết.
Nhưng một lần nữa, ông Hiệp lại gặp phải vấn đề nan giải: giữ giá để có lợi nhuận lớn hay giảm giá để bán nhanh hơn? Nhận thấy khu vực này phù hợp với những khách hàng có thu nhập trung bình, những người có nhu cầu nhà ở bức thiết và người ngoại tỉnh làm việc ở Hà Nội, nên giá bán chỉ ở mức trung bình nhưng chất lượng tương đối tốt nên nếu bán với giá 30 triệu đồng/m2 thì sẽ khó tìm được người mua. Vì thế, ông Hiệp chấp nhận giảm giá xuống còn 22-23 triệu đồng/m2.
Khi đề xuất phương án giảm giá cho cả người đã mua, trong chính công ty cũng có ý kiến trái chiều vì lợi nhuận sẽ ít đi, nhưng ông Hiệp giữ quan điểm "khách hàng mua trước là người đồng hành và gửi gắm niềm tin vào mình nên nếu giảm cho người mới mà không giảm cho người cũ thì không hợp tình. Làm ăn đàng hoàng mới bền được". Nhờ đó Nam Đô Complex bán hết hơn 860 căn hộ vào đầu năm 2014.
Ông Hiệp nhìn nhận, đầu tư bất động sản như làm dâu trăm họ, trong xây dựng không thể tránh khỏi sai sót và khách hàng có nhiều ý kiến khác nhau. Để thoả mãn khách hàng, doanh nghiệp phải lắng nghe, biết cân đối và hài hoà lợi ích doanh nghiệp và khách hàng và đôi khi doanh nghiệp phải biết chấp nhận thiệt hơn về phía mình.
Như tại Dự án Nam Đô Complex, khi cư dân phàn nàn về chất lượng nước, ông cho đầu tư thêm 4 tỷ đồng để lắp đặt máy lọc nước. Một nhóm cư dân cũng thắc mắc về thiết kế của Dự án Tràng An Complex thời điểm nhận nhà. Nhưng ông Hiệp khẳng định, công ty luôn làm đúng theo thiết kế được duyệt chứ chẳng dại gì làm sai để mất uy tín. Đến bây giờ thì hầu như tất cả mọi cư dân đều hài lòng về cuộc sống tại đây.
Ở cái tuổi đáng lẽ ngồi hưởng an nhàn nhưng ông Hiệp vẫn hăng say làm việc. Có những thời điểm thập tử nhất sinh như hồi phải mổ khối u não tận bên Mỹ đúng vào lúc khởi công Dự án Tràng An Complex, nhưng vừa phục hồi sức khoẻ là ông lại lao vào công việc.
Ngay sau khi hoàn thành Dự án Tràng An Complex, ông tiếp tục dẫn dắt GP. Invest đầu tư dự án biệt thự và nhà liền kề tại 67A Trương Định và Chung cư 32 tầng tại số 9 Phạm Văn Đồng. Nhưng ông Hiệp xác định, GP. Invest không thần tốc để trở thành một tập đoàn mà làm đến đâu chắc đến đó.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone