Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) vừa công bố nghị quyết bầu Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc mới.
Theo đó, ông Jonathan Hạnh Nguyễn giữ chức Chủ tịch HĐQT SASCO kể từ ngày 20/4/2017 cho đến hết thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2015 - 2019.
Ông Jonathan Hạnh Nguyễn được đề cử tham gia HĐQT SASCO từ tháng 4/2016. Vợ ông Hạnh, bà Lê Hồng Thủy Tiên, hiện giữ chức vụ Tổng giám đốc Công ty TNHH XNK Liên Thái Bình Dương (IPP Group), cũng là thành viên HĐQT SASCO kể từ cuối năm 2014 khi doanh nghiệp này tiến hành cổ phần hóa.
Vợ chồng ông Johnathan Hạnh Nguyễn và bà Lê Hồng Thủy Tiên.
Hiện tại, nhóm các công ty liên quan đến vợ chồng ông Hạnh Nguyễn gồm IPP Group, ACFC và DAFC sở hữu tổng cộng 43,7% cổ phần của SASCO. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – ACV vẫn là cổ đông lớn nhất sở hữu 49,8% cổ phần.
SASCO hiện là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thương mại tại sân bay lớn nhất cả nước với các nguồn thu chính gồm: kinh doanh hàng miễn thuế, dịch vụ phòng khách sân bay, bán lẻ tại trung tâm thương mại…
Năm 2016, tổng doanh thu của SASCO đạt 2.275 tỷ đồng, lợi nhuận gộp cả năm 2016 là 887 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của SASCO năm 2016 là 234 tỷ đồng.
Doanh thu của SASCO năm 2016 tới từ hoạt động kinh doanh hàng miễn thuế (48%), kinh doanh bán lẻ và hàng hóa khác (27%), và kinh doanh dịch vụ (25%).
SASCO là đơn vị độc quyền khai thác kinh doanh Tân Sơn Nhất.
Bắt đầu sự nghiệp tại Việt Nam vào những năm 1990, doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn phất lên nhờ kinh doanh đa ngành, trong đó nổi bật là các cửa hàng miễn thuế tại sân bay, cửa khẩu.
Tập đoàn Liên Thái Bình Dương do ông làm Chủ tịch cũng là đơn vị đầu tiên đưa những tên tuổi lớn của thế giới như Chanel, Louis Vuitton, Burberry, Salvatore Ferragamo, Cartier... tới các cửa hàng miễn thuế tại sân bay Tân Sơn Nhất, rồi vào đến trung tâm Sài Gòn.
Nhưng tên tuổi của doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn chỉ được phủ sóng các kênh truyền thông khi IPP trở thành đơn vị đầu tư vào Tràng Tiền Plaza.
Số tiền mà ông chủ IPP bỏ ra để làm mới vẻ ngoài của Tràng Tiền, cũng như sở hữu 20 gian hàng tại đây, ước tính vượt qua con số 2.000 tỷ đồng.
IPP Group hiện còn là cổ đông lớn nhất sở hữu 30% cổ phần của Công ty Cổ phần Nhà ga Quốc tế Cam Ranh (CRTC) – chủ đầu tư Nhà ga hành khách quốc tế tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh. Các cổ đông còn lại của dự án này gồm có Vietjet, ACV, Công ty Yên Khánh…
IPP Group cũng từng đặt vấn đề trở thành cổ đông chiến lược của ACV nhưng chưa thành công.