Ông Nguyễn Văn Thanh làm Tổng giám đốc EVNHCMC

Bảo Duy - 20/07/2020 14:32 (GMT+7)

(VNF) - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Thanh giữ chức vụ Thành viên Hội đồng Thành viên, Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực TP. HCM (EVNHCMC); đồng thời ký hợp đồng người đại diện với ông Nguyễn Văn Thanh.

VNF
Ông Dương Quang Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN (bên trái) đã thay mặt EVN chúc mừng ông Nguyễn Văn Thanh.

Theo đó, ông Nguyễn Văn Thanh - Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy, Phó Tổng giám đốc EVNHCMC giữ chức vụ Thành viên Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc EVNHCMC từ ngày 16/7/2020, nhiệm kỳ 5 năm.

Ông Nguyễn Văn Thanh sinh năm 1967, Thạc sỹ khoa học kỹ thuật (chuyên ngành Hệ thống điện và mạng điện), cử nhân quản trị kinh doanh, cao cấp lý luận chính trị, ngoại ngữ tiếng Nga và tiếng Anh. Hiện ông đang là Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc EVNHCMC.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất được EVN công bố trước đó, năm 2019, tập đoàn này ghi nhận 394.889 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 17% so với năm 2018. Tuy nhiên, sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp lại giảm 4%, đạt 51.037 tỷ đồng.

Trong năm, EVN cũng ghi nhận 3.973 tỷ đồng doanh thu tài chính, tăng 8,5%; cùng với đó là 498 tỷ đồng từ công ty liên doanh, liên kết, giảm 13%.

Về chi phí, năm qua, chi phí bán hàng của tập đoàn này đạt 7.134 tỷ đồng, tăng 6,3%; chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 13.635 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,5%.

Đáng chú ý, chi phí tài chính trong năm giảm tới 23%, tương đương trên 6.500 tỷ đồng (chủ yếu do giảm lỗ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện), về mức 22.495 tỷ đồng.

Kết thúc năm 2019, EVN đạt lợi nhuận trước thuế gần 12.500 tỷ đồng, tăng tới 38% so với năm 2018.

Tính đến cuối năm, tổng tài sản hợp nhất của EVN đạt trên 721.000 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,1% sau một năm. Đáng chú ý, khoản mục tiền và các khoản tương đương tiền của EVN tăng 7% lên trên 53.600 tỷ đồng. Đặc biệt, các khoản đầu tư ngắn hạn nắm giữ đến ngày đáo hạn lên tới trên 61.500 tỷ đồng, tăng tới 56%.

Như vậy, tổng các khoản tiền, tương đương tiền và các khoản đầu tư ngắn hạn nắm giữ đến ngày đáo hạn cuối năm 2019 lên đến trên 115.000 tỷ đồng, tăng mạnh 28% sau một năm, tương đương tăng gần 25.000 tỷ đồng. Thông thường, phần lớn các khoản này là tiền gửi ngân hàng, bao gồm tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn đến 3 tháng và tiền gửi có kỳ hạn từ trên 3 tháng đến 1 năm.

Cùng chuyên mục
Tin khác