Để hơn 115.000 tỷ đồng 'nhàn rỗi', EVN có đang lãng phí nguồn lực tài chính?

P.Dung - 27/06/2020 07:29 (GMT+7)

Dù đang nắm trong tay nguồn lực tài chính khủng nhưng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn báo có số lỗ tài chính lớn liên tiếp qua các năm. Phải chăng EVN đang lãng phí nguồn lực tài chính?

VNF
Kiểm tra thiết bị trạm và công trình đường dây 500kV. Nguồn: EVN

Nắm tiềm lực khủng vẫn lỗ tài chính, EVN quản trị yếu kém

Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, tiền và các khoản tương đương tiền tại thời điểm 31/12/2019 là 53,6 nghìn tỷ đồng.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính của tập đoàn, tiền bao gồm tiền mặt tại quỹ và tiền gửi ngân hàng; các khoản tương đương tiền phản ánh các khoản đầu tư ngắn hạn có thời gian thu hồi hoặc đáo hạn không quá 3 tháng.

Bên cạnh đó, đầu tư tài chính ngắn hạn (tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn) tăng rất mạnh vào cuối năm 2019. Theo đó, tại thời điểm cuối năm 2019, EVN có 61,5 nghìn tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn, tăng gần 156% so với trước. 

Khoản tiền, tương đương tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn của EVN đang chiếm tới 16,6% tổng tài sản. So sánh với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn hiện nay, khoản đầu tư tài chính chỉ chiếm từ 2-3% so với tổng tài sản.

Trong khi có khoản tài chính khủng lên tới 115.000 tỷ đồng thì EVN lại đang vay và nợ thuê tài chính lên tới 398.000 tỷ đồng, trong đó vay và thuê nợ ngắn hạn là hơn 41.000 tỷ đồng, vay và nợ thuế tài chính dài hạn lên tới hơn 357.000 tỷ đồng. Số vay và nợ thuê tài chính đang chiếm tới trên 50% tổng tài sản của cả tập đoàn. 

Điều đáng nói thêm là, trong khi khoản đầu tư tài chính ngắn hạn rất lớn ở thời điểm cuối năm 2019 thì doanh thu tài chính của cả năm lại không mấy thay đổi so với năm 2018, chỉ dừng lại ở con số 3,9 nghìn tỷ đồng (năm 2018 là 3,6 nghìn tỷ đồng). Trong khi đó, chi phí tài chính của EVN lên tới 22.000 tỷ đồng. Điều này dẫn đến thực tế, lỗ thuần từ hoạt động tài chính của EVN ở mức cao kỷ lục, hơn 18.000 tỷ đồng.

Câu hỏi đặt ra là tại sao EVN, với nguồn lực tài chính khổng lồ (tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, đầu tư tài chính ngắn hạn tăng mạnh, đạt hơn 115.000 tỷ đồng nhàn rỗi ở thời điểm 31/12/2019), nhưng EVN lại có kết quả thu thuần từ hoạt động tài chính lỗ ngày một lớn, trong bối cảnh thị trường lãi suất không tăng năm 2019?

Theo một chuyên gia tài chính, EVN đang quản trị tài chính quá yếu kém. Nếu EVN cơ cấu lại danh mục đầu tư, quản lý tốt hơn dòng tiền, kế hoạch vay trả nợ của cả tập đoàn, EVN sử dụng tốt hơn, tối ưu hóa các nguồn lực tài chính, EVN sẽ tiết giảm được hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỉ đồng chi phí tài chính cho Tập đoàn.

Chuyện cũ lặp lại?

Trước đó năm 2019, phóng viên cũng đã có bài viết “đặt dấu hỏi” về số tiền hơn 42.000 tỷ đồng của EVN gửi không kỳ hạn tại ngân hàng. Sau bài viết, EVN lên tiếng cho rằng: “Số dư tiền gửi mà phóng viên nêu được tổng hợp từ báo cáo tài chính của các đơn vị thành viên bao gồm các đơn vị sản xuất, truyền tải, phân phối và dịch vụ phụ trợ.

So với số dư nợ ngắn hạn tại cùng thời điểm trả của EVN (hơn 106.000 tỷ đồng) thì quá nhỏ chưa đủ để sử dụng cho trả nợ ngay các nhà cung cấp nhiên liệu (khí, than), bán điện…(55.000 tỷ đồng) và trả nợ ngân hàng đến hạn (22.000 tỷ đồng). Do nhu cầu vốn cho đầu tư và sản xuất kinh doanh quá lớn nên với số dư tiền gửi trên mới giúp cho EVN và các đơn vị thành viên hoàn thành nhiệm vụ được giao”.

EVN cũng đưa ra mô tả về cơ cấu tổ chức với “hàng chục đơn vị cấp 2 và hàng trăm đơn vị cấp 3, cấp 4” và cho rằng, mỗi đơn vị phải duy trì một số dư tiền gửi phục vụ cho công việc thường xuyên và xử lý đột xuất.

Về nội dung giải thích của EVN, chuyên gia tài chính trên cho rằng, lý giải của EVN là không thuyết phục. Việc mô tả bộ máy đồ sộ, cồng kềnh, phân tán là thể hiện rõ khả năng yếu kém trong quản trị điều hành của EVN, đặc biệt là quản trị tài chính, dòng tiền của cả tập đoàn. Thực tế, khoảng 1/2 nguồn lực tài chính nêu trên đang được quản lý tập trung ngay tại Công ty mẹ - Tập đoàn Điện lực. Phần còn lại mới phân tán tại các công ty con. 

Về giải thích của EVN năm ngoái cho rằng, con số 42.000 tỷ đồng là “nhỏ bé” so với số dư nợ của họ. Vị chuyên gia này cho biết, nó không phải là con số nhỏ bé, nó gần bằng 1% GDP của Việt Nam, lớn hơn cả vốn điều lệ của ngân hàng lớn nhất Việt Nam (khoảng 40.000 tỷ đồng).

Thiết nghĩ, EVN cần thay đổi cung cách quản lý, tập trung vào quản lý tốt hơn về tài chính, về quản trị dòng tiền để tối ưu hóa các nguồn lực tài chính. Không thể cứ cần tiền làm dự án thì vay, có tiền thì gửi ngắn hạn thiếu trách nhiệm như vậy. Cải tổ mô thức quản lý, tạo sức ép cho việc cải thiện hiệu quả đối với EVN là việc Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước cần thực hiện để chúng ta có một Tập đoàn EVN không còn nhiều tai tiếng như thời gian vừa qua. 

Đây là vấn đề lớn, EVN cần nghiêm túc nghiên cứu, đánh giá và rà soát lại để hoàn thiện hơn bởi còn nhớ, khi thảo luận về sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2012, nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã đồng quan điểm nhận định: “Lãng phí còn tệ hại hơn tham nhũng, tiêu cực”. 

Khi rất nhiều điểm trong thông tin tài chính, tình hình hoạt động của EVN vẫn là dấu hỏi thì việc Thanh tra Chính phủ vẫn chưa công bố kết luận thanh tra giá điện lại càng khiến cho dư luận băn khoăn. 

Theo dự kiến ban đầu, kết quả thanh tra giá điện sẽ được công bố sau 45 ngày công bố quyết định thanh tra (quyết định thanh tra được Thanh tra Chính phủ công bố ngày 24/5/2019, theo yêu cầu của Thủ tướng).

Tuy nhiên, sau đó, Thanh tra Chính phủ đề nghị lùi thời hạn công bố kết quả thanh tra giá điện đến quý III/2019 và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Đến thời điểm hiện tại - quý II/2020, tức là đã chậm 6 tháng, Thanh tra Chính phủ vẫn chưa công bố kết quả thanh tra.  

Theo Lao động
Cùng chuyên mục
Tin khác