Ông Putin lên án ‘động thái hiếu chiến’ của NATO, cảnh báo sẽ đáp trả thích đáng

Minh Đăng - 20/07/2018 08:13 (GMT+7)

(VNF) - “Chúng tôi sẽ đáp trả thích đáng các hành động gây hấn có thể tạo ra mối đe dọa trực tiếp tới Nga”, Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong cuộc họp với các đại sứ và đại diện ngoại giao của Nga ngày 19/7, đề cập tới âm mưu bành trướng của Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) thời gian gần đây.

VNF
Ông Putin lên án ‘động thái hiếu chiến’ của NATO, cảnh báo sẽ đáp trả thích đáng.

“Các đối tác của chúng tôi, những người muốn gia tăng căng thẳng, đang tìm cách đưa Ukraine và Georgia vào quỹ đạo quân sự của liên minh (NATO). Họ nên xem xét những hậu quả có thể xảy ra nếu theo đuổi chính sách vô trách nhiệm như vậy”, ông Putin nhấn mạnh.

Theo ông Putin, chìa khóa để bảo đảm an ninh và sự ổn định tại châu Âu nằm ở việc tăng cường hợp tác và khôi phục lòng tin, “thay vì thành lập thêm các căn cứ quân sự mới và xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự của NATO ở gần biên giới Nga như đang diễn ra hiện nay”.

NATO muốn kết nạp thêm hai thành viên là Ukraine và Georgia.

Theo người đứng đầu điện Kremlin, Nga và NATO cần có một chương trình nghị sự tích cực mới nhằm tìm ra "tiếng nói chung" hơn là ở trong thế đối đầu.

Moscow vẫn thường cáo buộc NATO viện cớ lo ngại khả năng Nga gây hấn để tăng cường hiện diện quân sự tại Đông Âu, bao gồm việc gia tăng lực lượng quân sự tại các nước Baltic, Ba Lan, Romania và Bulgaria.

Trước đó, trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Fox News, ông Putin cũng cảnh bảo rằng nước Nga sẽ có những phản ứng “cực kỳ tiêu cực” nếu NATO kết nạp hai quốc gia láng giềng của Nga là Georgia và Ukraine vào liên minh quân sự này.

Moscow luôn trong trạng thái sẵn sàng đối phó và đáp trả NATO.

"Chúng tôi luôn lo ngại kể từ khi NATO liên tiếp bành trướng các cơ sở hạ tầng quân sự và vũ khí về phía chúng tôi đồng thời tăng số lượng quân đóng ở những khu vực mà đáng ra họ không nên ở đó", Tổng thống Putin cho biết đồng thời nói thêm rằng lực lượng quân sự của NATO đóng ở các khu vực nói trên đã tăng thêm 10.000 người.

Căng thẳng giữa Nga và phương Tây bùng phát sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. NATO liên tục đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia. NATO thậm chí đang triển khai các lực lượng hàng nghìn quân đến đóng tại các khu vực sát với biên giới Nga.

Việc NATO tiến sát đến biên giới Nga đi ngược lại những cam kết mà liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đưa ra trong Dự luật Nga-NATO. Dự luật này quy định liên minh quân sự phương Tây không được phép triển khai một số lượng binh lính đáng kể đến lãnh thổ của các nước thành viên NATO mới nằm sát Nga.

Ảnh vệ tinh về quá trình cải tạo cơ sở chứa vũ khí ở Kaliningrad.

Trong tháng 2, quan chức Mỹ và châu Âu bày tỏ sự lo ngại về việc quân sự hóa của Nga ở khu vực Baltic, sau khi Moscow triển khai tên lửa Iskander đến Kaliningrad.

Một quan chức quốc phòng Mỹ ở châu Âu nói rằng vị trí của tên lửa vào thời điểm đó là “động thái nguy hiểm nhất mà chúng ta từng thấy”. Một tháng sau, trong Thông điệp Liên bang, Tổng thống Nga Vladimir Putin tiết lộ loại tên lửa “bất khả chiến bại” mà ông mô tả sẽ làm cho hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO trở nên vô dụng.

Xem thêm >> Sau sự cố 'nói nhầm', ông Trump lại 'chĩa mũi nhọn' vào ông Putin

Cùng chuyên mục
Tin khác