Ông Trump dọa áp thuế 100% với BRICS, Nga – Trung cảnh báo rắn

Thanh Tú - 03/12/2024 10:45 (GMT+7)

(VNF) - Điện Kremlin ngày 2/12 cho biết bất kỳ nỗ lực nào của Mỹ nhằm buộc các nước sử dụng đồng USD đều sẽ phản tác dụng sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ áp thuế đối với các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu (BRICS) nếu họ tạo ra đồng tiền riêng của mình.

Ông Trump doạ tung đòn thuế quan

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vào cuối tuần qua đã yêu cầu các nước thành viên BRICS cam kết không tạo ra một loại tiền tệ mới hoặc hỗ trợ một loại tiền tệ khác có thể thay thế đồng USD, nếu không họ sẽ phải đối mặt với mức thuế quan 100%.

Nhóm BRIC không có đồng tiền chung, nhưng các cuộc thảo luận lâu dài về chủ đề này đã đạt được một số động lực sau khi phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga vì cuộc chiến ở Ukraine.

Ông Trump đe dọa áp thuế 100% với các nước BRICS.

Khi được hỏi về bình luận của ông Trump, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, ngày 2/12 cho biết đồng USD đang mất đi sức hấp dẫn như một loại tiền tệ dự trữ đối với nhiều quốc gia, một xu hướng mà ông cho là đang diễn ra nhanh chóng.

"Ngày càng nhiều quốc gia chuyển sang sử dụng đồng nội tệ trong hoạt động thương mại và kinh tế đối ngoại", ông Peskov nói với các phóng viên.

"Nếu Mỹ sử dụng vũ lực, như họ nói là vũ lực kinh tế, để buộc các quốc gia sử dụng đồng USD, điều này sẽ càng làm tăng cường xu hướng chuyển sang sử dụng tiền tệ quốc gia trong thương mại quốc tế", ông Peskov nhấn mạnh thêm.

Về phía Trung Quốc, nước này cũng đã chỉ trích Mỹ vì làm mất ổn định nền tài chính toàn cầu và sử dụng sự thống trị của đồng USD như một vũ khí địa chính trị.

Ông Liu Pengyu, người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ, nói với Newsweek rằng: "Mỹ từ lâu đã sử dụng quyền bá chủ đồng USD của mình để chuyển hướng khủng hoảng, lan truyền lạm phát của Mỹ sang các khu vực khác trên thế giới và biến nó trở thành một công cụ địa chính trị, gây tổn hại đến sự ổn định kinh tế và tài chính quốc tế, đồng thời phá vỡ trật tự quốc tế”.

Trong khi đó, theo ông Liu, BRICS luôn thúc đẩy hợp tác kinh tế và hệ thống tài chính "toàn diện và công bằng hơn".

Kế hoạch tiền tệ của BRICS đã phát triển như thế nào?

Nhóm BRICS, ban đầu bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, chiếm một phần đáng kể trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Nhóm này đại diện cho hơn 40% dân số toàn cầu và 31,5% GDP thế giới theo sức mua tương đương, cao hơn 30% của G7, theo báo cáo năm 2023 của công ty nghiên cứu kinh tế Anh Acorn Macro Consulting.

BRICS mở rộng vào năm 2023, bổ sung Ethiopia, Ai Cập, Iran và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất. Arab Saudi cũng đã được mời nhưng vẫn chưa chính thức gia nhập nhóm. Argentina đã từ chối lời mời.

Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 16 diễn ra tại thành phố Kazan, Nga.

Ý tưởng tạo ra một loại tiền tệ BRICS lần đầu tiên được đưa ra ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khi cơn sốt bất động sản ở Mỹ và các quy định kém gần như đã làm sụp đổ toàn bộ hệ thống ngân hàng toàn cầu.

Tại hội nghị thượng đỉnh BRICS năm ngoái ở Nam Phi, khối này đã nhất trí nghiên cứu khả năng tạo ra một loại tiền tệ chung để giảm thiểu rủi ro liên quan đến đồng USD, mặc dù các nhà lãnh đạo BRICS lưu ý rằng có thể sẽ mất nhiều năm để hiện thực hóa điều này.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiến xa hơn trong hội nghị thượng đỉnh BRICS gần đây nhất ở Kasan vào tháng 10 khi đề xuất một hệ thống thanh toán quốc tế dựa trên blockchain, được thiết kế để tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Kế hoạch của ông Putin không nhận được nhiều sự hưởng ứng như kỳ vọng, nhưng các nhà lãnh đạo BRICS đã đồng ý tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động thương mại bằng đồng nội tệ, giảm sự phụ thuộc vào đồng USD.

Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Brazil Luiz Inacio Lula da Silva là những người ủng hộ mạnh mẽ nhất cho đồng tiền mới. Mặc dù Trung Quốc chưa bày tỏ quan điểm rõ ràng, Bắc Kinh đã ủng hộ các sáng kiến ​​nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng USD. Trong khi đó, Ấn Độ thận trọng hơn nhiều về ý tưởng này.

Dù vậy, nhiều nhà phân tích vẫn còn hoài nghi về khả năng thay thế đồng USD của BRICS.

Đầu năm nay, tổ chức tư vấn Atlantic Council có trụ sở tại Washington, DC cho biết đồng USD chiếm 58% dự trữ ngoại hối toàn cầu, cao gần gấp 3 so với 20% của đồng euro.

Mặc dù Trung Quốc thúc đẩy việc sử dụng rộng rãi hơn đồng nhân dân tệ nhưng đồng tiền này chỉ chiếm 2,3% dự trữ ngoại hối vào cuối năm 2023, giảm so với mức đỉnh điểm là 2,8% của năm trước.

Hầu hết các nhà kinh tế đều đồng ý rằng hệ thống tài chính do đồng USD thống trị mang lại cho Mỹ những lợi thế kinh tế to lớn, bao gồm chi phí đi vay thấp hơn, khả năng duy trì thâm hụt tài chính lớn hơn và sự ổn định của tỷ giá hối đoái, cùng nhiều lợi thế khác.

Đồng USD là loại tiền tệ chính được sử dụng để định giá các mặt hàng như dầu và vàng, và tính ổn định của nó khiến các nhà đầu tư thường ưu tiên tích trữ trong thời điểm bất ổn.

Sự thống trị của đồng USD thực tế đã được củng cố trong thời gian gần đây, nhờ vào nền kinh tế Mỹ mạnh mẽ, chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn và rủi ro địa chính trị gia tăng, ngay cả khi sự phân mảnh kinh tế đã thúc đẩy các nước BRICS chuyển từ đồng USD sang các loại tiền tệ khác.

Theo Reuters, News Week
Hành động mới của TT Trump: Nỗi lo về chiến tranh thương mại toàn cầu

Hành động mới của TT Trump: Nỗi lo về chiến tranh thương mại toàn cầu

Tài chính quốc tế
(VNF) - Nỗi lo về một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu đã gia tăng sau khi ông Donald Trump đe dọa sẽ áp thuế 100% đối với các quốc gia trong nhóm BRICS nếu họ tạo ra một loại tiền tệ mới để cạnh tranh với đồng USD.
Cùng chuyên mục
Tin khác