Đồng rúp suy yếu: ‘Con dao hai lưỡi’ với kinh tế Nga

Bích Hợp - 01/12/2024 09:15 (GMT+7)

(VNF) - Đồng rúp của Nga đang mất giá so với các loại tiền tệ khác, gây khó khăn cho nỗ lực của Điện Kremlin nhằm kiểm soát lạm phát tiêu dùng, ngay cả khi nước này đang làm nền kinh tế quá nóng bằng chi tiêu cho cuộc chiến tại Ukraine.

Vào ngày 29/11, đồng nội tệ Nga được giao dịch với tỷ lệ 109 rúp đổi 1 USD, nghĩa là 1 rúp có giá trị ít hơn một xu theo giá USD. Với tỷ giá đó, đồng rúp đã phục hồi từ mức thấp kỷ lục 114 rúp đổi 1 USD vào đầu tuần.

Đồng rúp cũng có sự sụt giảm tương tự so với đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, loại tiền này phần lớn thay thế USD và euro trong giao dịch thương mại nước ngoài sau khi các lệnh trừng phạt do các đồng minh phương Tây của Ukraine áp đặt khiến Nga phải cắt đứt hầu hết các giao dịch với các công ty và ngân hàng phương Tây.

Những người Nga được phỏng vấn trên đường phố tại Moscow vào ngày 29/11 đã đón nhận sự suy giảm này một cách bình thản.

Muscovite Yekaterina cho biết cô vừa thanh toán trước một phần cho một kỳ nghỉ ở Ai Cập, đồng thời nói thêm rằng "Tôi lo lắng không biết số tiền còn lại sẽ là bao nhiêu". Nhưng cô nói thêm: "Có lẽ điều này chỉ liên quan đến chúng tôi, những người thích du lịch. Nhưng đối với nền kinh tế Nga thì không đến nỗi tệ. Du lịch nội địa, ngành công nghiệp trong nước đang phát triển".

Một người đàn ông khác có tên Semyon, thậm chí còn ít quan tâm hơn: “Lương của tôi tính bằng rúp, tôi nộp thuế bằng rúp, tôi mua ô tô bằng rúp và mua đồ tạp hóa bằng rúp. Tôi cần USD để làm gì, hãy giải thích cho tôi biết nhé.”

Điện Kremlin đang đứng trước nhiều vấn đề nan giải khi chi tiêu của chính phủ cho chiến sự khiến các nhà máy hoạt động với tốc độ cao nhất và nền kinh tế tăng trưởng mạnh hơn nhiều so với dự kiến ​​do lệnh trừng phạt.

Tỷ lệ lạm phát hàng năm của Nga ở ngưỡng 8,5% vào tháng 10 đã khiến Ngân hàng trung ương Nga tăng lãi suất chuẩn lên mức 21% để làm chậm việc vay và chi tiêu. Điều đó đã dẫn đến khiếu nại từ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi chi phí tín dụng cao và thúc đẩy dự đoán từ các nhà kinh tế rằng tín dụng chặt chẽ cuối cùng sẽ làm chậm nền kinh tế.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết sự suy giảm gần đây "không chỉ liên quan đến quá trình lạm phát mà còn liên quan đến các khoản thanh toán cho ngân sách, giá dầu và nhiều yếu tố mang tính mùa vụ".

“Do đó, nhìn chung, theo tôi, tình hình đang được kiểm soát và chắc chắn không có lý do gì để hoảng sợ", ông Putin khẳng định.

Tuy nhiên, ông Janis Kluge, chuyên gia về kinh tế Nga tại Viện An ninh và Các vấn đề quốc tế Đức ở Berlin, cho biết đồng rúp và lạm phát vẫn là những mối quan tâm chính của Điện Kremlin.

Theo ông Kluge, đồng rúp mất giá có nghĩa là theo thời gian, người Nga sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho hàng nhập khẩu, đặc biệt là ô tô, đồ gia dụng và đồ điện tử sản xuất tại Trung Quốc - hiện là đối tác thương mại chính của Nga.

Có nhiều lý do đằng sau sự sụt giảm gần đây của đồng rúp từ mức cao tới 85 rúp đổi 1 USD vào tháng 8. Giá dầu, mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của Nga, đã suy yếu; các nhà đầu tư nước ngoài không còn có thể mua các khoản đầu tư bằng đồng rúp nữa, và tỷ lệ lạm phát của Nga có nghĩa là đồng tiền của nước này có xu hướng mất giá so với đồng tiền của các đối tác thương mại.

Một yếu tố quan trọng gần đây là lệnh trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ đối với ngân hàng Gazprombank của Nga. Vì ngân hàng này là kênh dẫn cho khách hàng đối với hoạt động thương mại dầu khí tự nhiên còn lại của Nga tại châu Âu, nên lệnh trừng phạt đã chặn một nguồn thu nhập nước ngoài và gia tăng áp lực lên đồng rúp. Một câu hỏi lớn là khi nào và liệu Nga có thể tìm ra giải pháp thay thế cho vấn đề đó hay không.

Nhiều nhà kinh tế cho rằng đồng rúp yếu hơn không phải là điều tồi tệ đối với Điện Kremlin, vì nó làm tăng thu nhập xuất khẩu dầu khí theo giá trị rúp.

"Hiện tại, ngân hàng trung ương đang quản lý tỷ giá tốt nhất có thể sau cú sốc từ lệnh trừng phạt Gazprombank", ông Chris Weafer, CEO của Macro-Advisory Ltd. cho biết.

Vì không có giao dịch thị trường mở nào đối với đồng rúp tại Moscow hoặc bất kỳ sàn giao dịch nào khác do lệnh trừng phạt, nên tỷ giá được ngân hàng trung ương thiết lập dựa trên ước tính của mình về các yêu cầu thương mại.

Theo ông Weafer, thị trường hiện nay hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của ngân hàng trung ương và họ ấn định tỷ giá vào mỗi buổi tối dựa trên dòng tiền chảy vào từ các nhà xuất khẩu Nga và nhu cầu về ngoại hối từ các công ty muốn mua hàng hóa.

“Tuy nhiên, việc Gazprombank được thêm vào lệnh trừng phạt là một yếu tố gây sốc. Họ đã quyết định rằng hành động tốt nhất trong ngắn hạn là để đồng rúp yếu đi. Và đó là vì nó giúp ích đáng kể cho bộ tài chính", vị CEO nhận định.

Ông Weafer cho rằng Ngân hàng trung ương Nga sẽ phải cân bằng giữa lạm phát và các mối lo ngại về ngân sách và đưa ra mức lãi suất phù hợp nhất với hoàn cảnh. Một cách để thực hiện điều đó là yêu cầu các nhà xuất khẩu đổi nhiều hơn thu nhập ngoại tệ của họ sang rúp. "Họ sẽ phải kết hợp tất cả các yếu tố đó lại với nhau và đưa ra mức lãi suất mà họ tin là tối ưu", ông Weafer nhận định.

Theo AP
Ông Putin trấn an ‘không có gì hoảng sợ’ khi đồng rúp lao dốc

Ông Putin trấn an ‘không có gì hoảng sợ’ khi đồng rúp lao dốc

Tài chính quốc tế
(VNF) - Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng không cần phải hoảng sợ về việc đồng rúp mất giá và rằng sự biến động của đồng tiền này bị ảnh hưởng bởi các khoản thanh toán ngân sách và sự thay đổi theo mùa.
Cùng chuyên mục
Tin khác