Ông Trump tính mua đảo lớn nhất thế giới, cựu Thủ tướng Đan Mạch nói ‘chỉ là trò đùa’

Minh Đăng - 16/08/2019 18:35 (GMT+7)

(VNF) - Cựu Thủ tướng Đan Mạch Löcke Rasmussen cho rằng ý tưởng mua đảo Greenland của Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ là trò đùa ngày Cá tháng Tư.

VNF
Hai nguồn tin giấu tên của CNN ngày 15/8 cho biết Tổng thống Donald Trump nhiều lần bày tỏ ý định mua đảo Greenland.

Trước đó, hai nguồn tin giấu tên của CNN ngày 15/8 cho biết Tổng thống Donald Trump nhiều lần bày tỏ ý định mua đảo Greenland và đội ngũ luật sư Nhà Trắng đang xem xét khả năng này.

Tờ Wall Street Journal (WSJ) cũng dẫn các nguồn tin thông thạo vấn đề cho hay ông Trump đã nêu phương án mua đảo Greenland trong các cuộc họp và bữa tối, đặt câu hỏi với các trợ lý và lắng nghe nghiêm túc về khả năng và lợi thế của việc sở hữu hòn đảo.

Cũng theo WSJ, Tổng thống Trump từng nói với các cộng sự của mình về việc ai đó đã nói với ông rằng Đan Mạch đang gặp rắc rối về tài chính đối với Greenland, và khuyên ông nên xem xét mua lại hòn đảo.

"Người này tin rằng Tổng thống quan tâm đến ý tưởng này vì tài nguyên thiên nhiên của hòn đảo, và bởi vì nó sẽ mang lại cho ông một di sản giống như việc sáp nhập Alaska vào Mỹ của cựu Tổng thống Dwight Eisenhower", bài báo giải thích.

Tuy nhiên, đội ngũ trợ lý của ông Trump được cho là không thể thống nhất ý kiến về vấn đề này, khi một số người ca ngợi đây là chiến lược kinh tế bền vững, nhưng những người khác lại coi đó là ý muốn nhất thời của Tổng thống.

Phản ứng trước thông tin này, chia sẻ trên trang cá nhân Twitter ngày 15/8, cựu Thủ tướng Đan Mạch Lars Löcke Rasmussen cho rằng: “Đây chắc là trò đùa ngày Cá tháng Tư... nhưng có điều không đúng mùa chút nào".

Đại diện của các đảng khác ở Đan Mạch cũng phản bác ý tưởng này, theo tờ Jyllands Posten của Đan Mạch.

Với dân số khoảng 56.000 người, Greenland là một quốc gia tự trị của Đan Mạch, nghĩa là Chính phủ Greenland xử lý hầu hết các vấn đề nội bộ nước này, trong khi Copenhagen quản lý chính sách đối ngoại và an ninh.

Mặc dù Greenland có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, nhưng nước này vẫn phụ thuộc vào 591 triệu USD trợ cấp từ Đan Mạch mỗi năm, chiếm khoảng 60% ngân sách hàng năm.

Greenland có Căn cứ Không quân Thule, căn cứ xa nhất ở phía Bắc của quân đội Mỹ. Căn cứ này nằm trên vòng cực Bắc khoảng 1.200 km và được xây dựng trong năm 1951. Hệ thống radar và trạm thông tin tạo thành hệ thống cảnh báo tên lửa đạn đạo sớm có phạm vi hàng chục ngàn km và có thể cảnh báo về tên lửa liên lục địa .

Chính phủ Mỹ dưới thời tổng thống Harry Truman (1945-1953) được cho là từng có ý định mua lại đảo Greenland vào năm 1946. Năm 1867, ngoại trưởng William Seward cũng bày tỏ quan tâm đến việc mua hòn đảo.

Ông chủ Nhà Trắng dự kiến ​​sẽ thực hiện chuyến thăm đầu tiên tới Đan Mạch vào đầu tháng tới, tuy nhiên chuyến đi được Tạp chí Phố Wall khẳng định là không liên quan đến Greenland.

Xem thêm >> Tài sản 500 người giàu nhất thế giới ‘bốc hơi’ 118 tỷ USD chỉ trong 2 tuần

Theo Sputnik
Cùng chuyên mục
Tin khác