Ảnh: Quang Phúc - Lê Tiên

"Trong chiến lược sắp tới Việt Nam cần lựa chọn những tọa độ phát triển quan trọng để hỗ trợ, qua đó giúp nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng" - PGS.TS Trần Đình Thiên trả lời phỏng vấn riêng của VietnamFinance.

01

Đại dịch Covid 19 đã tác động một cách sâu sắc đến nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam. Từ góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

Ảnh: Quang Phúc

Phải nhìn nhận đại dịch như là một tình huống bất thường trong thời đại. Cần thấy được đại dịch Covid lây nhanh là do tiến trình toàn cầu hóa. Về mặt sinh học, không có con virus nào đi nhanh như thế. Tuy là sản phẩm tự nhiên nhưng lại được toàn cầu hóa đẩy nhanh, hôm trước mới ở Vũ Hán, hôm sau đã sang Milan, New York, lan khắp thế giới… Đây là yếu tố thời đại của dịch bệnh chứ không còn đơn thuần là dịch bệnh tự nhiên nữa.

Điển hình như Trung Quốc, năm nay các doanh nghiệp lớn của họ về địa ốc, công nghệ… đều gặp khó khăn thậm chí nền kinh tế thiếu điện, thế mà dự báo vẫn tăng trưởng 7,5%. Loài người đã kịp sinh ra công cụ để liên kết, thoát khỏi không gian vật lý hữu hạn để tham gia vào không gian số vô tận. Chúng ta thấy rằng nước nào ứng dụng công nghệ mạnh mẽ thì chống dịch hiệu quả, lẽ ra chống dịch phải dựa trên công nghệ, còn chống dịch theo kiểu “đuổi bắt” thì không còn hiệu quả nữa.

 

02

Ông đánh giá thế nào về tình hình kinh tế Việt Nam hiện tại và theo ông, cần làm gì để đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo phát triển?

Việt Nam trong một thời gian rất dài chưa có quý nào tăng trưởng âm, vậy mà quý III/2021 này tăng trưởng âm là rất nghiêm trọng. Tăng trưởng âm là một biến cố bất thường, nhưng lúc bất thường mới nhìn thấy được vấn đề nội tại của chúng ta, năng lực và chiêu thức đối phó của chúng ta. Hai năm dịch Covid có đặc điểm, năm ngoái chưa quá khốc liệt nên năm nay vẫn mong tăng trưởng gấp đôi năm ngoái, nhưng năm nay khó hơn năm ngoái thì dựa vào đâu để tăng trưởng cao?

Lúc này phải nhận diện được những điểm yếu của nền kinh tế mà con số thống kê thuần túy chưa phản ánh hết được. Qua theo dõi chúng tôi nhận thấy thời gian qua, nền kinh tế đối mặt với một số vấn đề lớn.

Trước hết là vấn đề lưu thông hàng hóa, tắc lưu thông là “chết” mà vừa rồi là tắc. Chúng ta lo cho an toàn cá nhân là đúng nhưng cũng đòi hỏi giải pháp để an toàn cho nền kinh tế. Tư duy kinh tế thị trường là phải "thông", phải "mở", phải đảm bảo cho các luồng hàng hóa lưu thông nếu "đóng" như hiện nay rất nguy hiểm.

Ảnh: Quang Phúc - Lê Tiên

Trong lưu thông có vấn đề lưu thông lao động. Việc làm chính sách đối với lao động, bảo vệ nguồn lực lao động là phải tính đến việc này. Lưu thông nguồn lực lao động là rất quan trọng vì nó là một nguồn lực của nền kinh tế. Tăng trưởng của khu vực Nam Bộ phụ thuộc rất nhiều vào lao động di cư, không bảo vệ được nguồn lực lao động thì không bảo vệ được nền kinh tế.

Vấn đề thứ hai là lưu thông dòng tiền. Kinh tế thị trường là tiền và hàng, tiền là máu của nền kinh tế. Tiền phải được bơm vào thường xuyên, nếu không bảo đảm được thì nền kinh tế bị tắc. Về tổng thể, nền kinh tế Việt Nam hai năm qua vẫn tạm ổn, không căng thẳng như đợt dịch thứ tư này. Nhưng qua đó cũng cho thấy cách điều hành nặng về tư duy hành chính không còn phù hợp với kinh tế thị trường trong bối cảnh hiện nay. Nhận diện được vấn đề để chúng ta có cách hành xử phù hợp hơn trong thời gian tới.

03

Vậy theo ông, giải pháp cho giai đoạn tới là gì?

Chúng ta cần tập trung cho ba nhóm giải pháp chính. Một là bảo đảm an toàn cho xã hội là điều kiện cần, có nghĩa là đủ vắc xin, thuốc chữa bệnh, hệ thống y tế và trang thiết bị đi kèm… Về cơ bản vấn đề này nhìn chung đang tốt lên, tạo được niềm tin xã hội. Tuy nhiên, khi chưa thể lo đủ được cho cả nước thì phải biết chọn các tọa độ ưu tiên để nền kinh tế thoát khỏi những điểm ngoặt “sinh tử”, ví dụ phải ưu tiên cho các địa phương như Long An, Đồng Nai, Bình Dương… Những “điểm mở” của nền kinh tế phải được ưu tiên cả nguồn lực và chính sách, ví dụ ngành hàng không phải đảm bảo, đến và đi phải an toàn. Rồi chính sách mở cửa, chẳng hạn với Phú Quốc thế nào. Mình Phú Quốc chưa phải là quá quan trọng, nhưng mở cửa Phú Quốc là tiền đề để mở cửa những nơi khác, ví dụ Nha Trang, Đà Nẵng thế nào… là những vấn đề đang được đặt ra.

Ảnh: Lê Tiên

Hai là cần giải ngân đầu tư công mạnh hơn, phải bơm máu cho nền kinh tế qua các dự án công, thấm vào nền kinh tế nhất là khối tư nhân. Ví dụ một con đường sẽ kéo theo xi măng sắt thép, thậm chí dịch vụ cung cấp thực phẩm cho công nhân… đều được hưởng lợi. Chính phủ cần tăng hiệu năng quản lý để làm nhanh, đúng lúc đúng chỗ, tránh sai sót. Tăng đầu tư công lúc này cũng cần kéo theo một quá trình cải cách thể chế, lúc này là lúc cần thu gọn thủ tục, đỡ thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Đây là cơ hội của nhà nước trong việc cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư công.

Ảnh: Quang Phúc

Ba là vấn đề thông suốt luồng xanh cho lưu thông hàng hóa, đây là vấn đề đã rõ. Nguyên tắc chung là địa phương không được ra quyết định đi ngược lại lợi ích chung, lợi ích sống còn của quốc gia. Nếu các địa phương tiếp tục hành xử theo kiểu tự phát, cát cứ địa phương, làng xã thì không ổn. Chính phủ cần phải đảm bảo nguyên tắc tối thiểu của kinh tế thị trường, luật lệ để lưu thông hàng hóa phải thống nhất quốc gia, chứ không phải mỗi nơi một kiểu.

Bốn là lưu thông lao động, phục hồi nguồn lực lao động. Người lao động đã ra khỏi nông thôn thì cũng không còn nhiều cơ hội ở quê nhà nữa, cần trở lại làm việc, do đó cần giải pháp để di chuyển lao động trở lại, mà trước hết là giải quyết vấn đề tâm lý và giải quyết điều kiện sống cơ bản. Chính quyền địa phương cũng cần với các doanh nghiệp phải bàn xem nhu cầu và các điều kiện để bảo đảm cho lao động trở lại.

 

Năm là dòng tiền, cần đảm bảo được nguồn “máu” tiếp tế cho doanh nghiệp. Các điều kiện để được tiếp tục vay vốn là khó khăn hơn, muốn vay như bình thường không dễ khi ngân hàng cũng cần đảm bảo sự an toàn của họ, không thể “tất tay” được. Phải chấp nhận nới lỏng điều kiện cho vay với những doanh nghiệp không đủ điều kiện vay nhưng vẫn có thể hoạt động sản xuất tốt. Cần những tổ đặc nhiệm của chính quyền, hiệp hội doanh nghiệp đi tìm hiểu, đánh giá và lựa chọn doanh nghiệp để ưu tiên cho vay vốn. Cần tiếp cận trên tinh thần cứu nền kinh tế trong trạng thái bất thường.

 

04

Đối với những lĩnh vực đặc thù như hàng không, du lịch, thiệt hại là quá nặng, chính phủ có cần những gói hỗ trợ mang tính “đặc cách” không?

Chúng ta cần chọn ra các tọa độ tăng trưởng để hỗ trợ. Tọa độ ở đây được hiểu là các trung tâm tăng trưởng hoặc các chuỗi ngành quan trọng. Cứu ở đây không phải cứu tập đoàn nào mà là cứu cái chuỗi liên quan, không cứu thì ảnh hưởng cả chuỗi đó. Cứu được đầu chuỗi thì giúp khai thông, tạo đà cho cả chuỗi vì nền kinh tế chung chứ không vì tập đoàn cụ thể nào. Hàng không và du lịch là ngành cần được hỗ trợ vì đó là tọa độ, là một nút quan trọng của phát triển. Hàng không đã có màn trình diễn tốt trong khoảng một thập kỷ gần đây, trỗi dậy được, tranh thủ được cơ hội thì hoàn toàn có thể trở thành một thế lực của hàng không thế giới khi nhu cầu thị trường bùng nổ trở lại.