(VNF) - Theo ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM, trong năm 2018, toàn thành phố có 3.283 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài được chấp thuận thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần góp vốn của doanh nghiệp trong nước, với tổng vốn góp đăng ký tương đương 5,99 tỷ USD.
Thông tin trên vừa được ông Lê Thanh Liêm chia sẻ tại "Hội nghị Tham vấn định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách về đầu tư nước ngoài trong bối cảnh mới".
Ông Liêm cho biết, Luật Đầu tư năm 2014 ra đời đã thúc đẩy xu hướng M&A trong đầu tư nước ngoài tại TP. HCM. Năm 2018, vốn đầu tư nước ngoài cam kết vào TP. HCM đạt 7,63 tỷ USD, tăng 15,59% so với năm 2017. Toàn thành phố có đến 3.283 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài được chấp thuận thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần góp vốn của doanh nghiệp trong nước, với tổng vốn góp đăng ký tương đương 5,99 tỷ USD.
Trong khi đó, cùng kỳ, cả nước có 6.496 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 9,89 tỷ USD, tăng 59,8% so với năm 2017 (theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài).
Với kết quả này, TP. HCM đã chiếm đến khoảng 60% tổng vốn nhà đầu tư nước ngoài đầu tư qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần góp vốn của doanh nghiệp trong nước.
"Số lượng và giá trị vốn đầu tư nước ngoài thông qua M&A có sự tăng trưởng liên tục. Nếu như năm 2016 chỉ có khoảng 1,5 tỷ USD được đăng ký đầu tư vào thành phố dưới hình thức này; thì năm 2017 đạt khoảng 3,68 tỷ USD và đến năm 2018, số vốn này đã đạt gần 6 tỷ USD, tức tăng trưởng gấp 4 lần so với kết quả của năm 2016", ông Liêm cho biết.
Theo ông Lê Thanh Liêm, tổng giá trị vốn đầu tư đăng ký thông qua phương thức M&A doanh nghiệp trong nước của nhà đầu tư nước ngoài tại TP. HCM đến nay đã đạt mức trên 10 tỷ USD, chiếm gần 22% tổng vốn đầu tư nước ngoài TP. HCM thu hút được từ năm 1988 đến nay.
Bên cạnh đó, báo cáo của ông Lê Thanh Liêm cũng chỉ ra rằng trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2017, trong cơ cấu kinh tế của thành phố, vốn đầu tư tư nhân chiếm tỷ lệ áp đảo so với vốn FDI. Cụ thể năm 2000, tỷ lệ vốn đầu tư tư nhân và vốn FDI trong cơ cấu kinh tế của thành phố theo ông Liêm là gần như tương đương nhau, lần lượt là 29% và 29,5% thì đến năm 2015, tỷ lệ này là 68,1% và 15,6%, tức vốn đầu tư khu vực FDI chỉ còn tương đương khoảng 1/4 vốn đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân.
Về giá trị tuyệt đối, vốn đầu tư của khu vực tư nhân trên địa bàn thành phố tăng 33 lần từ 7.400 tỷ đồng lên 250.000 tỷ đồng thì vốn đầu tư của khu vực FDI chỉ tăng 7,45 lần, từ 7.600 tỷ đồng lên 56.000 tỷ đồng.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.