Phân quyền, phân cấp thẩm quyền xoá nợ thuế: Đừng để ngành thuế 'vừa đá bóng vừa thổi còi'

Hoàng Hà - 25/11/2018 15:06 (GMT+7)

(VNF) - Theo ông Nguyễn Văn Được, Tổng giám đốc Công ty TNHH dịch vụ tư vấn thuế Trọng Tín, nếu chỉ phân cấp thẩm quyền xoá nợ trong riêng ngành thuế thì chẳng khác nào để ngành thuế "vừa đá bóng vừa thổi còi".

VNF
Ông Nguyễn Văn Được, Tổng giám đốc Công ty TNHH dịch vụ tư vấn thuế Trọng Tín.

Luật Quản lý thuế hiện hành quy định Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền xóa nợ thuế từ 10 tỷ đồng trở lên. Tuy nhiên để cải cách thủ tục hành chính, dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã bổ sung quy định tập trung thẩm quyền xóa nợ cho Bộ trưởng Bộ Tài chính và cơ quan quản lý thuế.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính được xóa nợ từ 5 tỷ đồng trở lên; Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan được xóa nợ từ 1 tỷ đồng đến dưới 5 tỷ đồng.

Dự thảo luật cũng bổ sung quy định phân cấp cho Cục trưởng cục thuế, Cục trưởng cục hải quan được xóa nợ đối với trường hợp nợ dưới 1 tỷ đồng.

Xung quanh dự thảo luật, có ý kiến cho rằng nên giao thẩm quyền xóa nợ thuế cho chính quyền địa phương (tỉnh, huyện) để tránh tình trạng cơ quan quản lý thuế "vừa đá bóng vừa thổi còi", tức là vừa là người thu thuế lại vừa là người có thẩm quyền xóa nợ thuế.

Về vấn đề này, trao đổi với VietnamFinance, ông Nguyễn Văn Được, Tổng giám đốc Công ty TNHH dịch vụ tư vấn thuế Trọng Tín, cho hay việc phân quyền, phân cấp xóa nợ thuế là rất cần thiết. Tuy nhiên ông Được nhấn mạnh không nên chỉ phân cấp thẩm quyền xoá nợ cho ngành thuế, bởi như vậy không khác gì để ngành thuế "vừa đá bóng vừa thổi còi" - vừa quản lý thuế lại vừa xoá nợ thuế. Khi đó sẽ xảy ra trường hợp ngành thuế thiếu tăng cường công tác thu thuế.

"Theo tôi, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thuế và địa phương. Cụ thể là dưới sự đề xuất của cơ quan thuế, địa phương cấp trên thực hiện việc xoá nợ thuế với sự tham mưu của cơ quan tài chính và sự giám sát của HĐND cùng cấp. Như vậy vừa đồng thời đảm bảo tính khách quan và phân cấp tối đa cho chính quyền địa phương, vừa tránh được việc cơ quan quản lý thuế vừa là người thu thuế, vừa là người có thẩm quyền xóa nợ thuế", ông Được nói.

Đối với ý kiến đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu bổ sung quy định về trách nhiệm công vụ đối với người có thẩm quyền xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt, nhằm hạn chế việc lợi dụng, móc ngoặc giữa người nộp thuế và người có thẩm quyền xóa nợ gây thất thu ngân sách nhà nước; đồng thời nâng cao trách nhiệm của người có thẩm quyền trong việc xóa nợ, ông Được khẳng định điều này là rất cần thiết.

Theo ông, những cơ quan có thẩm quyền xoá nợ thuế cần phải liên đới chịu trách nhiệm. “Cơ quan, người có thẩm quyền được phân quyền về việc thực hiện xoá nợ thuế nếu thực hiện không đúng, không đủ thì phải chịu trách nhiệm”, ông Được nhấn mạnh.

Tổng giám đốc Công ty tư vấn thuế Trọng Tín cũng cho rằng dự thảo luật cần phải xây dựng nguyên tắc xoá nợ thuế bao gồm những đối tượng, trường hợp nào được xóa nợ thuế; những cơ quan nào, người nào có thẩm quyền được xoá nợ thuế; xóa ở mức nào và trách nhiệm cụ thể của các bên trong việc xoá nợ thuế. Như vậy mới đảm bảo cho việc theo dõi và quản lý tốt nợ thuế.

Được biết để đảm bảo việc xóa nợ một cách chặt chẽ, đúng người, đúng việc, dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) quy định chỉ xóa nợ đối với các khoản nợ đã thực hiện hết 7 biện pháp cưỡng chế mà không thu được thuế và các khoản nợ này phải có thời hạn trên 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế.

Trao đổi với báo chí mới đây, đại diện Tổng cục Thuế cho biết về thẩm quyền xóa nợ, Luật Quản lý thuế hiện hành chỉ quy định các trường hợp được xóa nợ thuế là người nộp thuế đã chết, mất tích; doanh nghiệp phá sản hoặc đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và các khoản nợ này đã quá 10 năm.

Đồng thời, luật cũng quy định thẩm quyền xoá nợ đối với trường hợp người nộp thuế đã chết, mất tích, doanh nghiệp đã phá sản, hộ gia đình, cá nhân đã bị thu hồi giấy phép và khoản nợ đã quá 10 năm là Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố.

Trường hợp doanh nghiệp nợ thuế quá 10 năm và đã bị thu hồi giấy phép thì thẩm quyền xóa nợ là Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế. Do đó, dự thảo luật sửa đổi lần này chỉ tập trung phân cấp thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Tài chính và Cục trưởng Cục thuế địa phương để giảm bớt các trường hợp sự vụ lên Thủ tướng Chính phủ.

Đối với ý kiến đề nghị giao chính quyền địa phương xóa nợ thuế để đảm bảo khách quan và phân cấp tối đa cho chính quyền địa phương, cơ quan này cho hay sẽ ghi nhận và tiếp tục nghiên cứu để báo cáo Quốc hội về việc phân cấp xử lý xoá nợ đối với doanh nghiệp.

Thời gian qua, dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) được lấy ý kiến từ nhiều chuyên gia, đa số đều đánh giá là dự luật khá đầy đủ và tiến bộ, khi đã bổ sung khá nhiều quyền lợi dành cho người nộp thuế. Nhiều chuyên gia kỳ vọng quy định về thẩm quyền xóa nợ thuế sẽ giúp làm giảm số nợ ảo, tạo điều kiện cho việc theo dõi và quản lý tốt nợ thuế.

Cùng chuyên mục
Tin khác