Pháp và Đức bất đồng trong cải cách khu vực đồng Euro
Nhật Anh -
05/06/2018 14:21 (GMT+7)
(VNF) - Thủ tướng Đức Angela Merkel đã chấm dứt sự im lặng của mình trong cải cách khu vực đồng EUR bằng cách thể hiện sự sẵn lòng tăng cường chia sẻ rủi ro.
Bà Merkel đã công bố tầm nhìn của mình về tương lai của quỹ cứu trợ tài chính dành cho khu vực đồng EUR (ESM) và ngân sách đầu tư để hỗ trợ các nước đồng EUR gặp vấn đề, trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Frankfurter Allgemeine Sonntagszeitung hôm Chủ nhật
Lời bình luận nói trên của bà Merkel được đưa ra một vài tuần trước Hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu. Hội nghị tới đây được rất nhiều nhà lãnh đạo châu Âu, đặc biệt là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, mong chờ bởi Ủy ban châu Âu sẽ thông qua các chính sách cụ thể để cải thiện khu vực đồng EUR. Ông Macron bày tỏ sự quan tâm đặc biệt với đồng EUR, khi trước đó đã từng yêu cầu bổ nhiệm một bộ trưởng tài chính riêng cho khu vực euro-zone.
Nhiều chính trị gia châu Âu đã chỉ trích bà Merkel vì không đưa ra những quan điểm rõ ràng về cải cách đồng EUR – một trong những vấn đề quan trọng của EU trong năm 2018. Constantine Fraser, nhà phân tích châu Âu tại TS Lombard, cho biết: "Đây là nỗ lực đầu tiên của Thủ tướng Merkel trong việc cải cách khu vực đồng EUR".
Những đề xuất được bà Merkel đưa ra bao gồm việc hướng ESM, hiện đang chịu trách nhiệm cho vay đối với các nước gặp khủng hoảng kinh tế, sang tập trung vào việc tăng cường kỷ luật ngân sách. Theo kế hoạch này, ESM sẽ theo dõi từng quốc gia đồng EUR để đảm bảo rằng họ tuân thủ các quy tắc về tài chính – tiền tệ.
Trong khi đó, Ủy ban châu Âu, cùng với chính phủ Pháp, đã đề xuất ESM nên trở thành một công cụ để ngăn chặn các cuộc khủng hoảng tài chính trong tương lai.
Theo quan điểm của bà Merkel, ESM trong tương lai sẽ cung cấp các khoản cho vay dài hạn và ngắn hạn. Trong đó, vay dài hạn chỉ nên được cấp nếu toàn bộ khu vực đồng EUR có nguy cơ bị ảnh hưởng, và trên cơ sở cải cách cơ cấu sâu sắc trong nước nhận. Cho vay ngắn hạn chỉ nên được cấp cho các nước chịu ảnh hưởng bởi yếu tố bên ngoài, chẳng hạn như suy thoái.
Bà Merkel nói rõ rằng ESM vẫn nên là một tổ chức liên chính phủ. Nếu Thủ tướng Đức nhận được sự hỗ trợ cho ý tưởng của mình, thì các chính phủ khác thuộc khối Liên minh sẽ có quyền hạn lớn hơn khi xem xét các khoản cứu trợ trong tương lai.
Đề xuất thứ hai của bà Merkel, cho một ngân sách đầu tư khu vực đồng EUR, dường như ít tham vọng hơn ý tưởng được đưa ra bởi Tổng thống Pháp Macron. Ông là một trong những người muốn xây dựng một công cụ có thể cung cấp kích thích tài chính để đối phó với những cú sốc kinh tế cho khu vực đồng EUR.
Merkel, mặt khác, muốn ngân sách đầu tư của EU dành cho những nước có ít vấn đề kinh tế hơn, nói cách khác để hỗ trợ đổi mới và công nghệ. Các khoản đầu tư như vậy không bao giờ nên vượt quá con số hàng chục tỷ EUR. Cơ chế này sẽ được giám sát bởi các nghị viện châu Âu khác nhau.
"Quan điểm của Paris và Berlin vẫn còn cách xa nhau - và các đề xuất của bà Merkel vẫn còn thiếu so với cấu trúc mà hầu hết các nhà kinh tế cho là cần thiết để khiến cho khu vực đồng EUR mạnh mẽ hơn", Fraser từ TS Lombard cho biết.
Holger Schmieding, một nhà kinh tế tại Berenberg, cho biết: “Paris ca ngợi ý kiến của bà Merkel là một bước tiến quan trọng gần với các mục tiêu mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đặt ra trước đây, nhưng thực tế bà ấy đã không tạo ra nhiều đột phá”.
Các tổ chức châu Âu khác nhau và chính phủ Pháp muốn có một thỏa thuận về cải cách khu vực đồng EUR tại Hội nghị thượng đỉnh tổ chức vào ngày 28/6. Tuy nhiên, sự khác biệt về ý kiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng EUR đặt ra câu hỏi: liệu những cải cách đó có thể tiến xa tới đâu?
Đồng thời, những thay đổi gần đây về chính trị ở Tây Ban Nha và Ý cũng có khả năng phá hỏng bất kỳ thành tựu đáng kể nào về cải cách đồng EUR.
"Việc thành lập chính phủ mới của Ý dường như có khả năng khiến cho Hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 28-29/6 khó đạt được nhiều thành tựu. Có thể mất một thời gian để người Ý tìm thấy vị trí của mình trong các cuộc thảo luận cải cách châu Âu, và cho các nhà lãnh đạo EU khác tìm hiểu nhanh chóng về nội các mới của nước Ý", Schmieding nói.
Còn Fraser cho rằng: "Hội nghị thượng đỉnh tháng 6 có thể được ghi nhận là thời điểm đỉnh điểm trong cuộc tranh luận về khu vực đồng EUR, đặc biệt là đối với Pháp. Tuy nhiên, vì không có một thời hạn chính xác, hoặc một sự hối thúc mạnh mẽ, nên tôi sẽ ngạc nhiên nếu có quyết định đặc biệt ấn tượng nào được thực hiện. "
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone