Công nghệ

Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia: Cần sự vào cuộc của các 'ông lớn'

(VNF) - Việt Nam đang được xem là một trong những nước có tinh thần khởi nghiệp hàng đầu thế giới. Năm 2016, Chính phủ đã khởi động chương trình “Khởi nghiệp quốc gia” và cho đến nay, từ góc độ xây dựng hệ sinh thái lớn cấp quốc gia, phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam diễn ra khá mạnh.

Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia: Cần sự vào cuộc của các 'ông lớn'

Tọa đàm “Thực trạng và giải pháp xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia”.

Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) mới đây đã ra mắt Câu lạc bộ Doanh nhân và Khởi nghiệp Việt Nam (VSBC) và công bố hệ sinh thái Vườn ươm Khởi nghiệp Việt Nam (VSBC HUB). Chương trình diễn ra trong dịp mừng ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 và đặc biệt chào đón Nghị quyết 41-CT/TW của Bộ Chính trị ngày 10/10/2023 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Bên cạnh ra mắt câu lạc bộ, tại sự kiện cũng diễn ra chương trình tọa đàm “Thực trạng và giải pháp xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia”.

Nói về tinh thần khởi nghiệp, TS Võ Trí Thành cho biết Việt Nam đang được xem là một trong những nước có tinh thần khởi nghiệp hàng đầu thế giới. Năm 2016, Chính phủ đã khởi động chương trình “Khởi nghiệp quốc gia” và cho đến nay, từ góc độ xây dựng hệ sinh thái lớn cấp quốc gia, phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam diễn ra khá mạnh.

Tính đến năm 2022, hệ sinh thái của Việt Nam xếp thứ 54/100 hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu và đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á về số lượng thương vụ đầu tư với khoảng 3.800 startup đang hoạt động. Tuy nhiên, đây vừa là ưu điểm lại vừa là nhược điểm khi chất ‘phong trào’ mạnh đến mức chất ‘thực chất’ lại không tương xứng”, ông Thành nhận định.

Chuyên gia Nguyễn Hữu Thái Hòa cũng nhận định rằng: “Hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam hiện đang đi cà niễng. Nếu nói hệ sinh thái khởi nghiệp có 3 chân thì hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam mất 1, 2 chân và đang gãy hoàn toàn chân chất lượng”.

Theo ông Hòa, những nhân tố căn cơ nhất của hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều điểm nghẽn và vấn đề còn vướng mắc. Cho đến nay, mặc dù có khoảng 3.000 – 4.000 startup tại Việt Nam nhưng hầu hết các startup lớn đều sang Singapore do các vấn đề liên quan đến hệ sinh thái khởi nghiệp.

Về vấn đề gọi vốn, vị chuyên gia này nhấn mạnh những vướng mắc về nguồn vốn không phải là câu chuyện mới xảy ra ngày một, ngày hai trong cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam. Trong những năm qua, thị trường biến động cùng suy thoái kinh tế toàn cầu đã gây ra cảnh “mùa đông gọi vốn”, buộc “ông cũ”, “ông mới”, “ông lớn”, “ông nhỏ” trong hệ sinh thái khởi nghiệp rủ nhau đi tìm vốn.

Ông Trương Gia Bảo, Phó chủ tịch VFCA, cho biết: “Để một doanh nghiệp lớn rót tiền đầu tư thì các doanh nghiệp khởi nghiệp phải đáp ứng được nhiều yếu tố. Khác với trước đây, các startup chỉ cần có ý tưởng hay thì đã có thể gọi vốn cả triệu USD, nay họ phải kinh qua nhiều bước chứng minh hơn mới có thể huy động được nguồn vốn”. Ngoài ra, để có thể kêu gọi nguồn quỹ, các doanh nghiệp startup nên tiếp cận với các đơn vị có mạng lưới phù hợp để có thể huy động vốn tốt hơn.

Ông Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương, nhìn nhận: “Khi kinh tế thị trường ngày càng phát triển, startup ngày càng khó khăn vì chưa có hành lang pháp lý cho gọi vốn cộng đồng, cũng chưa có cơ chế PPP trong khởi nghiệp. Hiện 108 quỹ mạo hiểm xác định Việt Nam là mục tiêu. Nhưng câu chuyện gọi vốn vẫn là vấn đề bởi thực tế các startup khởi nghiệp chỉ 5% thành công, 95% là thất bại nên không mấy ai dám cho các startup vay vốn. Để giải quyết vấn đề này, chúng ta cần giải quyết tốt vấn đề kết nối, cần sự tham gia của các ‘ông lớn’, tạo động lực cho những người khác tham gia”.

Tuy nhiên, hiện Việt Nam lại đang có may mắn khi ở những thị trường cũ, các doanh nghiệp startup khó cạnh tranh nhưng ở một thị trường hoàn toàn mới như AI hay blockchain, các startup Việt lại đang chiếm ưu thế. Chỉ trong giai đoạn 2020 – 2021, thị trường blockchain Việt Nam chứng kiến sự xuất hiện của hàng nghìn dự án với số tiền gọi vốn lên tới vài tỷ USD.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp startup nên quan tâm đến các lĩnh vực đang nổi khác như fintech, điện tử, công nghệ… Trên thực tế, đa số doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam đều liên quan đến thương mại điện tử, số hóa, dịch vụ… trong khi các startup liên quan đến công nghệ, sáng tạo,… vẫn còn ít.

Nếu có thể tập trung vào các yếu tố kinh doanh cốt lõi, bài bản, gọi vốn một cách chiến lược và thích ứng kịp thời với những thay đổi và nhu cầu mới của thị trường, các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam được kỳ vọng vẫn có thể biến nguy thành cơ trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, đồng thời phát triển sâu rộng hơn nữa hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia.

"Để được doanh nghiệp lớn rót vốn thì chỉ đưa ra ý tưởng không còn hiệu quả nữa, cái cần là người chủ doanh nghiệp đã làm được gì để họ tin tưởng, họ cần được đảm bảo thu hồi nguồn vốn bỏ ra".

Ông Trương Gia Bảo, Phó chủ tịch VFCA

"Thay vì tập trung vào việc mua vé bán hàng và các câu chuyện sáo rỗng, các doanh nghiệp khởi nghiệp cần tập trung vào chất lượng sản phẩm và sự chuẩn bị cẩn thận".

Chuyên gia Nguyễn Hữu Thái Hoà

Tin mới lên