Diễn đàn VNF

Phát triển kinh tế số: Gỡ nút thắt hạ tầng và thể chế

(VNF) - “Khi nhận thức được rằng kinh tế số là khách quan, là tất yếu không thể đảo ngược thì đừng uốn nắn theo các chuẩn mực cũ mà cần tôn trọng nó. Việc của chính sách là để cho nền kinh tế số tự phát triển một cách an toàn theo quy luật của chính nó và bảo đảm an toàn cho xã hội nói chung”, ông Ngô Vĩnh Bạch Dương cho hay.

Phát triển kinh tế số: Gỡ nút thắt hạ tầng và thể chế

Trong chia sẻ với Tạp chí Đầu tư Tài chính, ông Ngô Vĩnh Bạch Dương, Trưởng phòng Pháp luật Kinh tế, Viện Nhà nước và Pháp luật, cho rằng kinh tế số sẽ là tương lai của nền kinh tế Việt Nam. Theo ông Dương, kinh tế số đang trở thành đặc trưng và xu hướng phát triển quan trọng, được nhiều quốc gia nghiên cứu, ứng dụng và phát triển. Tiềm năng phát triển kinh tế số còn vô cùng rộng lớn và đây được xem là “con đường dẫn đến tương lai của Việt Nam”.

Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế số tại Việt Nam đang gặp phải nhiều rào cản, từ thể chế, chính sách, hạ tầng đến nguồn nhân lực.

- Kinh tế số đang được đánh giá là xu hướng không thể đảo ngược. Một cách đơn giản, theo ông, chúng ta có thể hiểu kinh tế số là gì?

Ông Ngô Vĩnh Bạch Dương: “Kinh tế số” (Digital Economics) là một thuật ngữ mô tả mối quan hệ giữa công nghệ và kinh tế. Nó bao gồm các hoạt động kinh doanh và giao dịch có sử dụng các công nghệ số, bao gồm Internet và các công nghệ liên quan, như blockchain, công nghệ định vị và các công nghệ truyền thông số. Kinh tế số cung cấp nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp và cá nhân để tăng trưởng, tăng hiệu suất và giảm chi phí, đồng thời đảm bảo sự phát triển của các ngành công nghiệp cũng như xã hội.

Vắn tắt có thể hiểu kinh tế số là các hoạt động kinh tế dựa vào công nghệ số với tính cách là “công cụ sản xuất” trong quá trình tạo ra các sản phẩm truyền thống. Đồng thời, hoạt động này cũng có thể tạo ra các sản phẩm mới dưới dạng số, dạng sản phẩm không được sử dụng hay tiêu thụ một cách truyền thống mà là dùng cho chính các hoạt động trên môi trường số.

- Ông đánh giá như thế nào về các chính sách mà nhà nước đã ban hành trong thời gian qua? Liệu các chính sách này đã bắt kịp với sự phát triển của kinh tế số chưa?

Phải khẳng định rằng Việt Nam đã có chính sách đối với kinh tế số. Nó không chỉ là những khẩu hiệu chính trị mà còn là những hành động chính sách cụ thể mà biểu hiện của chúng là các quy định pháp luật. Đó là các quy định về phát triển hạ tầng viễn thông dành cho internet tốc độ cao; quy định về đầu tư và giấy phép cung cấp dịch vụ trên môi trường số; bảo hộ tài sản trí tuệ; kiểm duyệt nội dung thông tin trên môi trường mạng; bảo vệ dữ liệu người dùng; các quy định về thuế; cơ chế thử nghiệm công nghệ tài chính,... đã được ban hành hoặc đang chuẩn bị ban hành.

Về lý thuyết thì thực tiễn luôn đi trước chính sách nhưng trên thực tế, khi xây dựng chính sách, các nhà quản lý cũng đã có những dự báo. Thiết thực hơn, tôi cho rằng cần xem xét các trở ngại mà kinh tế số đang và có thể gặp phải hoặc những rủi ro đối với xã hội nếu để kinh tế số tự vận động, từ đó lựa chọn lập trường hay tư duy về chính sách đối với kinh tế số.

Về tư duy chính sách đối với kinh tế số, đây là việc khó bởi tính mới mẻ của đối tượng. Nhưng khi nhận thức được rằng kinh tế số là khách quan, là tất yếu không thể đảo ngược thì đừng uốn nắn theo các chuẩn mực cũ mà cần tôn trọng nó. Việc của chính sách là để cho nền kinh tế số tự phát triển một cách an toàn theo quy luật của chính nó và bảo đảm an toàn cho xã hội nói chung. Có được lập trường như vậy đã là một khởi đầu mang tính hỗ trợ của chính sách đối với kinh tế số. Tuy nhiên, tính chất mới mẻ của đối tượng cũng làm cho chính sách trở nên lúng túng, chẳng hạn, chúng ta còn chưa rành mạch về vai trò của nền tảng trung gian trong kết nối vận tải, kết nối du lịch dẫn đến nhiều tranh cãi dai dẳng. Hoặc như thông tin người tiêu dùng trên nền tảng số có phải chia sẻ với cơ quan nhà nước theo thời gian thực hay không cũng đã gây tranh luận lớn về tính khả thi cũng như sự cần thiết.

Ông Ngô Vĩnh Bạch Dương

- Bên cạnh những động lực cho sự phát triển, theo ông, trong tương lai, Việt Nam sẽ gặp những thách thức như thế nào trong việc phát triển kinh tế số?

Phát triển kinh tế số không tránh khỏi việc gặp phải những khó khăn và thách thức. Một số khó khăn của kinh tế số có thể bao gồm:

Thứ nhất là thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Kinh tế số đòi hỏi nhiều kỹ năng công nghệ cao, đòi hỏi sự hiểu biết chuyên môn sâu, rộng. Việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao và kỹ năng thích ứng với thay đổi nhanh chóng của công nghệ là một thách thức không nhỏ đối với Việt Nam.

Thứ hai là vấn đề an toàn thông tin. Số lượng dữ liệu được tạo ra và chia sẻ trên mạng ngày càng tăng, điều này đặt ra vấn đề bảo mật thông tin. Sự an toàn và bảo mật thông tin trở thành mối quan tâm hàng đầu với người tiêu dùng và doanh nghiệp. Cần lưu ý rằng hình thành dữ liệu lớn là bắt buộc đối với kinh tế số. Nhưng việc chia sẻ dữ liệu rất phức tạp, không hẳn là chuyện công nghệ bảo mật, mà là bảo đảm quyền riêng tư của chủ thể dữ liệu, không bị lộ lọt các bí mật kinh doanh.

Việc xác định nội dung can thiệp chính sách vừa là chủ để bao trùm nhưng cũng lại rất cụ thể và cần chi tiết. Sự phát triển của kinh tế số có thể làm thay đổi các ngành nghề truyền thống và tạo ra các ngành nghề mới. Xung đột giữa các ngành nghề mới và cũ là một nội dung khó giải quyết, đặc biệt là việc định danh những hoạt động chuyên nghiệp nằm trong chuỗi cung ứng, như trường hợp các nền tảng trung gian trong hoạt động vận tải, cho thuê phòng trong khoảng 10 năm qua đã gây tranh cãi rất nhiều.

Hay những hiện tượng mới mà thực tiễn cũng như học thuật cũng chưa thể có sự thống nhất tuyệt đối, có thể kể đến việc xác định đạo đức của trí tuệ nhân tạo hay trách nhiệm pháp lý của việc ra quyết định tự động bằng trí tuệ nhân tạo. Không làm rõ được nội dung can thiệp chính sách đối với những trường hợp này, có thể dẫn đến việc cản trở sự phát triển của chúng hoặc tạo cơ hội cho chúng phát sinh những hậu quả hết sức cực đoan.

Thứ ba là chi phí đầu tư ban đầu lớn. Phát triển kinh tế số đòi hỏi đầu tư ban đầu lớn về công nghệ và hạ tầng. Việc đầu tư này đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp và đất nước trong việc tìm cách để giải quyết vấn đề tài chính và hợp tác với các đối tác để đầu tư cho phát triển kinh tế số.

- Từ góc nhìn của chuyên gia, theo ông, làm sao để chúng ta có thể hoá giải được những thách thức này?

Chúng ta không thể đợi có đủ điều kiện vật chất cũng như thể chế thì mới phát triển kinh tế số. Chắc chắn là vậy. Về điều kiện vật chất, Nhà nước có thể đứng ra đầu tư cơ sở hạ tầng và cho doanh nghiệp thuê lại, hoặc mua dịch vụ của nhà nước với giá ưu đãi. Trên thực tế, hạ tầng của Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu, vẫn có tình trạng Internet tốc độ cao quá tải, nghẽn mạng. Đường cáp biển duy nhất còn hoạt động thì cũng tới hạn thay thế. Không có Internet thì đừng mơ đến Internet vạn vật (IoT) cũng như kinh tế số.

Về thể chế, tôi không cho rằng nhiều quy định sẽ tốt, nên để thị trường tự vận động. Pháp luật sẽ can thiệp, thậm chí can thiệp mạnh tay đối với các rủi ro thuế, an toàn dữ liệu, an ninh quốc gia và một số lĩnh vực khác. Theo đó, cần đặt các quy định bắt buộc và quy định cấm ở mức đủ để không gây hậu quả cực đoan đối với xã hội. Ngoài các quy định bắt buộc, quy định cấm đó, các doanh nghiệp có quyền tự chủ và tự quyết đối với hoạt động kinh doanh của mình. Kể cả đối với lĩnh vực mà chúng ta đang xây dựng cơ chế thử nghiệm là pháp luật về fintech, cũng không cần nhiều quy phạm hướng dẫn hay quy phạm tùy nghi, chỉ cần đặt một số quy phạm cấm, quy phạm bắt buộc là được.

Tất nhiên, những nội dung liên quan đến nhóm chủ thể được coi là yếu thế như người tiêu dùng, bệnh nhân, học sinh,.. rất cần những quy phạm hướng dẫn để họ hiểu quyền của mình trong quan hệ với các doanh nghiệp. Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là nhóm quy định về an toàn dữ liệu. Việc thu thập, quản lý và chia sẻ phải tuân thủ các nguyên tắc Thực hành thông tin công bằng (FIPPs) và các chủ thể yếu thế cung cấp thông tin cá nhân nói trên cần biết rõ các quyền của mình.

- Để kinh tế số Việt Nam sớm bứt tốc, theo ông, đâu là giải pháp quan trọng nhất?

Chắc chắn vẫn là thể chế. Vốn, hạ tầng có thể vay, thuê nhưng thể chế là thứ làm cho doanh nghiệp được an toàn, được bảo vệ và được tự chủ, tự quyết, tự do sáng tạo trong hoạt động của mình.

Tôi cũng muốn nhấn mạnh lại rằng chủ thể của các quan hệ kinh tế luôn là các doanh nghiệp. Chỉ doanh nghiệp mới tạo ra các sản phẩm của kinh tế số, chứ không phải là nhà nước.
 

Tin mới lên