Thị trường

‘Phát triển ngành dịch vụ là động lực thúc đẩy mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa’

(VNF) - Theo ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, thực tế đã chứng minh, phát triển ngành dịch vụ là động lực quan trọng thúc đẩy thực hiện các mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Ngày 5/8, tại Đà Nẵng, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Thành ủy Đà Nẵng, Đại học Đà Nẵng tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Phát triển ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, cho biết phát triển ngành dịch vụ trong bối cảnh công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH) đã mang lại các giá trị rất to lớn, không chỉ tạo động lực cho kinh tế phát triển mà còn khơi dậy được các tiềm năng, lợi thế và văn hóa của đất nước, con người Việt Nam; đồng thời tạo lập, củng cố sự liên kết giữa các ngành, các lĩnh vực và tác động lan tỏa đến toàn bộ nền kinh tế, góp phần thực hiện mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng phát biểu tại hội thảo.

Vì vậy, hội thảo này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với quá trình xây dựng Đề án "Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng tin tưởng với sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng và công phu của Ban Chỉ đạo, những bài tham luận của các nhà khoa học, chuyên gia và những người làm thực tiễn trên nhiều lĩnh vực khác nhau sẽ đưa ra được những giải pháp, những ý kiến góp ý thiết thực để hoàn thiện được những chủ trương, chính sách về phát triển ngành dịch vụ để phục vụ mục tiêu CNH, HĐH đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tại phiên thảo luận, các diễn giả đưa ra những vấn đề lý luận và thực tiễn mới đặt ra từ quá trình CNH, HĐH đất nước nói chung, vấn đề phát triển các ngành dịch vụ mới nói riêng theo hướng cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển hạ tầng, thúc đẩy chuyển đổi số...

Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Phát triển ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” được tổ chức tại Đà Nẵng, ngày 5/8.

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án nhấn mạnh, thực tế đã chứng minh, phát triển ngành dịch vụ là động lực quan trọng thúc đẩy thực hiện các mục tiêu CNH, HĐH.

“Kết quả đánh giá CNH, HĐH giai đoạn vừa qua đã cho thấy, cùng với sự phát triển chung của nền kinh tế, khu vực dịch vụ đã có bước tăng trưởng đáng kể về quy mô, đóng góp lớn vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Các ngành dịch vụ đã phát triển đa dạng hơn, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của sản xuất và đời sống”, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho hay.

Ông Trần Tuấn Anh nêu dẫn chứng, theo số liệu thống kê tỷ trọng của khu vực dịch vụ trong GDP tăng dần qua các năm, hiện chiếm trên 40% GDP. Thương mại truyền thống tiếp tục phát triển mạnh, Việt Nam đang trở thành một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu, đứng vị trí thứ 6 trong nhóm 30 quốc gia có tiềm năng và mức độ hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ toàn cầu. Thương mại điện tử cùng với các nền tảng thanh toán trực tuyến được ứng dụng rộng rãi và phát triển mạnh mẽ thay thế dần thương mại truyền thống và dần trở thành một kênh phân phối ngày càng quan trọng, đã góp phần thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng, thúc đẩy mua sắm trực tuyến.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội thảo.

Tuy nhiên theo ông Trần Tuấn Anh, bên cạnh những bước phát triển quan trọng của ngành dịch vụ, quá trình phát triển ngành dịch vụ cũng có nhiều vấn đề lớn đặt ra.

Cụ thể, Việt Nam luôn nhập siêu trong các cán cân thương mại dịch vụ, nhất là với dịch vụ có hàm lượng công nghệ và trí thức cao. Một số dịch vụ quan trọng hiện nay còn có tỷ trọng nhỏ như dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm (chiếm 5,37%); khoa học và công nghệ (1,29%); giáo dục và đào tạo (4,03%), thông tin truyền thông (0,68%).

Hệ thống hạ tầng thương mại chưa theo kịp với nhu cầu phát triển, chi phí logistic vẫn chiếm tỷ trọng cao. Một số mô hình kinh tế chia sẻ, mô hình kinh tế nền tảng dựa trên công nghệ số, nền tảng số phát triển nhanh nhưng còn thiếu cơ chế kiểm soát đồng bộ nên gây xâm lấn và phá vỡ kết cấu kinh tế truyền thống.

“Thực tế các tồn tại, hạn chế nêu trên đã đặt ra yêu cầu cần phải đổi mới tư duy về cách tiếp cận mô hình phát triển, đề ra những định hướng, mục tiêu phù hợp, nghiên cứu, đề xuất những nhiệm vụ và giải pháp mới, đột phá, mang tính bao trùm, tổng thể và có tính thực thi cao phù hợp với bối cảnh và yêu cầu phát triển mới”, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.

Triển khai thực hiện chương trình công tác của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Bộ Chính trị giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương xây dựng Đề án "Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trình Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII.

Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Phát triển ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nhằm cung cấp thêm các luận cứ khoa học, cơ sở lý luận, kinh nghiệm quốc tế và một số đề xuất về chủ trương, mô hình, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam góp phần phục vụ xây dựng Đề án.

 

Tin mới lên