Philippines: ‘Nếu Trung Quốc khoan dầu, chúng tôi sẽ hành động’

Minh Đăng - 20/04/2021 11:20 (GMT+7)

(VNF) - Sau khi bị chỉ trích quá mềm mỏng trước Trung Quốc, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte mới đây tuyên bố ông chuẩn bị cử tàu chiến tới Biển Đông để "khẳng định chủ quyền" với các nguồn tài nguyên dầu mỏ và khoảng sản.

VNF
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.

Phát biểu trên truyền hình ngày 19/4, Tổng thống Philippines Duterte nhấn mạnh rằng hiện ông không quan tâm nhiều tới việc đánh bắt cá và tranh chấp về nghề cá không phải vấn đề đủ lớn để tranh cãi với Trung Quốc.

Tuy nhiên, cũng theo ông Duterte, nếu Trung Quốc muốn khoan dầu trên Biển Đông thì Philippine sẽ có phản ứng cứng rắn.

"Nếu Trung Quốc bắt đầu khoan dầu ở đó, tôi sẽ nói với họ đó có phải một phần thỏa thuận của chúng ta không? Nếu không, tôi cũng sẽ khoan dầu ở đó. Nếu họ khoan dầu, đó sẽ là thời điểm chúng tôi nên hành động", ông Duterte nhấn mạnh.

Tổng thống Philippines tuyên bố việc khoan dầu, khai thác tài nguyên tại Biển Đông không phải là một phần trong thoả thuận của ông với Trung Quốc và ông sẽ “cử những con tàu vỏ xám (tàu hải quân) tới để khẳng định chủ quyền".

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Philippines cũng cho rằng sẽ có đổ máu xảy ra nếu thách thức Trung Quốc ở vùng biển gây tranh cãi đồng thời nhấn mạnh thêm rằng Philippines luôn muốn duy trì quan hệ hữu nghị với Trung Quốc.

Đây là bình luận đầu tiên của ông Duterte sau khi hơn 200 trăm tàu Trung Quốc được phát hiện neo đậu thành từng nhóm lớn tại bãi Ba Đầu trong lãnh hải đảo Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hồi tháng 3.

Theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp quốc tế Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), Trung Quốc không có chủ quyền hợp pháp tại các khu vực biển được cho có trữ lượng dầu khí lớn ở Biển Đông. Tuy nhiên, quốc gia này đã đơn phương đưa ra yêu sách phi pháp “đường 9 đoạn” và thuyết “Tứ sa” để đòi chủ quyền với 80% diện tích Biển Đông, trong đó bao phủ lên hầu hết các nơi dự đoán có tiềm năng dầu khí.

Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên, Trung Quốc và Philippines hồi tháng 10 năm ngoái đã đạt được đồng thuận về việc cùng khai thác dầu khí ở Biển Đông.

Theo đó, Tổng thống Duterte đã chấp thuận khuyến nghị của Bộ năng lượng nước này về việc dỡ bỏ các hạn chế đối với sản xuất dầu và khí đốt ở phía đông biển Đông.

Theo Bộ trưởng Năng lượng Philippines Alfonso Cusi, chính phủ ra quyết định dỡ bỏ lệnh cấm “với thiện chí và sự quan tâm đối với các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Philippines và Trung Quốc, công ty Forum Ltd và Tổng công ty Dầu khí Ngoài Khơi Trung Quốc (CNOOC)”.

Ông Cusi cho rằng quyết định dỡ bỏ lệnh cấm sẽ khiến các nhà thầu dịch vụ có nghĩa vụ pháp lý phải góp vốn vào các khu vực theo hợp đồng và thuê các kỹ sư, công nhân kỹ thuật của Philippines.

Theo ước tính của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), Biển Đông có trữ lượng khoảng 11 tỷ thùng dầu và hơn 5.300 tỷ m3 khí đốt.

Tổng công ty Dầu khí Hải dương của Trung Quốc (CNOOC) thì cho rằng Biển Đông có trữ lượng khoảng 125 tỷ thùng và 14.000 tỷ m3 khí đốt tự nhiên.

Cho dù dự đoán về trữ lưỡng dầu khí ở Biển Đông có khác nhau, song tiềm năng về dầu khí ở khu vực này vẫn được đánh giá rất cao, đặc biệt khi dầu mỏ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế các nước liên quan.

Trên thực tế, khai thác và xuất khẩu dầu khí đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của các nước xung quanh Biển Đông.

Xem thêm >> Trung Quốc tuyên bố quốc tế hóa đồng nhân dân tệ không nhằm thay thế USD

Theo SCMP
Cùng chuyên mục
Tin khác