Phố nhà giàu Palisades: Xa hoa hóa tàn tro sau cơn 'bão lửa'

Hoàng Minh - 14/01/2025 09:00 (GMT+7)

(VNF) - Rất nhiều tỷ USD đã hóa tro tàn sau khi vụ cháy rừng tháng 1/2025 thiêu rụi khu phố nhà giàu Palisades ở Los Angeles.

Khu phố Pacific Palisades là biểu tượng của sự giàu có tại Los Angeles. Đây là nơi tập trung của những ngôi nhà xa hoa thuộc sở hữu của tầng lớp thượng lưu hoặc các nhà đầu tư quốc tế.

Tuy nhiên, thảm họa cháy rừng vừa qua đã khiến khu vực thượng lưu này gánh chịu tổn thất kinh tế lớn nhất trong lịch sử, làm thiệt hại hàng tỷ USD, khiến thị trường bất động sản cũng như ngành xây dựng đối mặt với những thách thức nghiêm trọng.

Khung cảnh ngày thường của khu phố thượng lưu Palisades

Giá trị tài sản tại Pacific Palisades

Trước thảm họa, theo báo cáo của Hội đồng Địa ốc Los Angeles, giá trị trung bình của một căn nhà tại Pacific Palisades dao động từ 4 - 7 triệu USD, tùy vào diện tích, vị trí và mức độ xa hoa của các tiện nghi.

Một số biệt thự ven biển có thể đạt mức giá 25 triệu USD trở lên, đặc biệt là những ngôi nhà được xây dựng bằng vật liệu nhập khẩu cao cấp như đá cẩm thạch Ý, gỗ tếch từ Đông Nam Á, và thép không gỉ đặc chế.

The Los Angeles Times đưa tin, toàn khu vực này được định giá khoảng 15 tỷ USD với hơn 80% các căn hộ thuộc sở hữu của tầng lớp thượng lưu hoặc các nhà đầu tư quốc tế.

Các căn nhà tại đây không chỉ đắt vì giá trị đất mà còn vì chi phí xây dựng cao. Nhiều căn nhà được xây dựng từ các vật liệu chịu lửa và có tính thẩm mỹ cao. Chi phí xây dựng một ngôi nhà tại Palisades ước tính khoảng 500–1.200 USD/m², gấp đôi so với mức trung bình của Los Angeles, theo AGC (Associated General Contractors of America), một tổ chức phi lợi nhuận về xây dựng tại Mỹ.

Theo The New York Times, tháng 1/2025, vụ cháy lan rộng trên diện tích 6.500 ha, làm thiêu rụi hơn 1.000 ngôi nhà tại Pacific Palisades, bao gồm nhiều biệt thự cao cấp và tài sản công cộng như công viên và các trung tâm thương mại.

Tổng thiệt hại tài sản ước tính đạt 6 tỷ USD, bao gồm: Khoảng 4,8 tỷ USD nhà ở tư nhân, trong đó có các biệt thự hạng sang của những nhân vật nổi tiếng. Khoảng 700 triệu USD cho công trình công cộng như hệ thống đường xá, cơ sở hạ tầng điện và nước. Ô tô hạng sang, du thuyền và các phương tiện khác bị thiêu rụi với giá trị lên tới 500 triệu USD.

Nhiều ngôi nhà bị xóa sổ ở khu phố Pacific Palisades.

Thảm họa cháy rừng khiến BĐS mất giá

Bên cạnh những nguyên nhân gây xảy ra nhiều vụ cháy rừng ở Mỹ đặc biệt là bang California là El-nino, hạn hán, gió to,... cũng có ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân khiến ngọn lửa bùng lên mạnh hơn, cháy to gây thiệt hại nặng nề hơn là do ở Mỹ phần lớn những ngôi nhà đều được làm bằng gỗ là chính.

Trên trang cá nhân, ông Đỗ Cao Bảo - Đồng sáng lập, thành viên HĐQT tập đoàn FPT phân tích: "Việc làm nhà bằng gỗ ở Mỹ bắt nguồn từ cuối thế kỷ 16 và đầu thế kỷ 17 khi người châu Âu, đặc biệt là người Anh, đến Bắc Mỹ. Nhu cầu xây dựng nhà nhanh chóng trong thời gian ngắn và sự phong phú của rừng ở Mỹ đã khiến gỗ trở thành một lựa chọn số 1 vừa đáp ứng nhu cầu làm nhà nhanh chóng với giá thành rẻ (rẻ hơn nhiều lần gạch và xi măng). Hơn nữa thời thế kỷ 16-17, làm nhà bằng gỗ chỉ cần mỗi cưa, đục và rìu chứ không cần nhiều công cụ phức tạp như làm nhà bằng gạch và xi măng.

Kết quả là ngày nay, hầu hết các ngôi nhà ở Mỹ đều được làm bằng gỗ, trong năm 2022, 94% nhà mới có khung gỗ, 6% khác có khung bê tông và chưa đến nửa phần trăm có khung thép.

Những ngôi nhà toàn bằng gỗ khi gặp lửa sẽ bùng cháy dữ dội. Khi có gió to, chỉ trong tích tắc lửa sẽ lan ra nhà hàng xóm dù ở khoảng cách gần hay ở khoảng cách xa 40-50 mét.

Ngoài ra, ở California, trên các con phố, người ta hay trồng những cây cọ dừa. Các cành lá ở dưới cùng là những cành lá già khô héo tạo thành búi, chúng như một miếng bùi nhùi chỉ chờ có lửa là bắt cháy và khi có gió thì chúng sẽ thổi những ngọn lửa đi rất xa, chuyển đám cháy lan sang những ngôi nhà gỗ và những cây cọ dừa khác.

Vì vậy nguyên nhân lớn nhất chính là những cây cọ dừa và những ngôi nhà bằng gỗ, làm mồi cho những ngọn lửa, nghĩa là nguyên nhân gốc là từ con người".

Một biệt thự ở Malibu (California) - cũng là một khu vực giàu có tương tự Palisades trị giá 9 triệu USD, căn nhà duy nhất còn sót lại sau vụ cháy rừng nhờ dùng bê tông làm cọc, nền nhà bằng đá, tưởng trát vữa và đá, mái nhà dùng vật liệu chống cháy. Bên cạnh là các căn nhà bằng gỗ thì đã bị thiêu rụi.

Cháy rừng không được ghi nhận ở Pacific Palisades trong những thập kỷ gần đây, nhưng 96% bất động sản của khu vực phải đối mặt với nguy cơ cháy rừng trong 30 năm tới, theo công ty nghiên cứu First Street.

Pacific Palisades "có mức độ rủi ro rất lớn" vì nằm giữa các công viên tự nhiên lớn, Jeremy Porter, giám đốc phụ trách nghiên cứu tác động khí hậu từ First Street, giải thích. "Những công viên này có rất nhiều cây cỏ dễ cháy vào mùa khô".

Theo Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ, sau vụ cháy, nhu cầu vật liệu xây dựng tăng mạnh đã đẩy giá các mặt hàng chủ lực lên cao. Tiền công lao động trong ngành xây dựng cũng tăng vọt, với mức trung bình từ 30 USD/giờ lên tới 45 USD/giờ. Nhiều nhà thầu đã phải nhập khẩu lao động từ các bang lân cận để đáp ứng nhu cầu tái thiết.

The Wall Street Journal đưa tin, thảm họa đã khiến giá bất động sản tại Pacific Palisades giảm 10–15%, Dự báo sẽ tiếp tục suy giảm trong vài năm tới, do sự thay đổi về nhận thức của người mua đối với các khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi cháy rừng, đặc biệt ở những khu vực gần rừng hoặc dễ bị cháy. Các biệt thự từng được bán với giá 5 triệu USD nay chỉ còn khoảng 4 triệu USD, do lo ngại về an toàn và khả năng tiếp cận bảo hiểm nhà đất.

Theo Reuters, một số công ty bảo hiểm lớn như State Farm và Allstate đã ngừng cung cấp dịch vụ tại California, làm tăng chi phí bảo hiểm nhà đất lên gấp đôi, thậm chí gấp ba ở những khu vực có nguy cơ cao. Ngành bảo hiểm tại đây có nguy cơ phải tái cấu trúc để đối phó với mức độ rủi ro ngày càng gia tăng.

Ngôi nhà kỳ quặc không ai mua giữa khu phố nhà giàu của Mỹ

Ngôi nhà kỳ quặc không ai mua giữa khu phố nhà giàu của Mỹ

Tài chính quốc tế
(VNF) - Một ngôi nhà độc đáo nằm ở thị trấn giàu có Hillsborough (California), trong khu vực vịnh San Francisco, vẫn không có người mua sau gần một năm rao bán trên thị trường.
Cùng chuyên mục
Tin khác
Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.