Tiêu điểm

Phó thủ tướng: 'SCIC không nên ôm đồm quá nhiều doanh nghiệp địa phương chuyển về'

(VNF) - Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng SCIC “không nên ôm đồm quá nhiều doanh nghiệp địa phương chuyển về, không quản trị được, trong khi lại đang chịu ảnh hưởng của tình hình dịch Covid-19, bán vốn khó, chứng khoán, cổ phiếu dao động, trái phiếu khó phát hành”

Phó thủ tướng: 'SCIC không nên ôm đồm quá nhiều doanh nghiệp địa phương chuyển về'

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình: 'SCIC không nên ôm đồm quá nhiều doanh nghiệp địa phương chuyển về'

Ngày 11/4, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chủ trì cuộc họp đánh giá tình hình hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Theo Phó thủ tướng, SCIC cần hoàn thiện định hướng chiến lược để phát triển cho trúng, cho đúng, nâng cao vị trí, vai trò của mình trong hệ thống doanh nghiệp nhà nước nói riêng, ngành kinh tế của đất nước nói chung. Một mặt, SCIC phải góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội, mặt khác phải kinh doanh có lãi, phát triển được đồng vốn, làm đúng pháp luật.

Đặc biệt, Phó thủ tướng lưu ý SCIC “không nên ôm đồm quá nhiều doanh nghiệp địa phương chuyển về, không quản trị được, trong khi lại đang chịu ảnh hưởng của tình hình dịch Covid-19, bán vốn khó, chứng khoán, cổ phiếu dao động, trái phiếu khó phát hành”.

Theo Phó thủ tướng, SCIC không nên đầu tư quá phân tán, chỉ nên tập trung vào những lĩnh vực trọng yếu, then chốt của nền kinh tế như công nghệ cao, công nghệ thông tin, viễn thông, chế biến thực phẩm, tài chính, xăng dầu, vận tải hàng không, đường sắt.

Do đó, Phó thủ tướng yêu cầu SCIC xác định rõ lĩnh vực nào, ngành nghề nào thực hiện chiến lược phát triển; lĩnh vực nào, ngành nghề nào thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội, không sa vào vụn vặt.

Đề cập công tác thoái vốn, Phó thủ tướng yêu cầu SCIC cần “công bố công khai về chủ trương thoái vốn, mời các đơn vị tư vấn, thẩm định độc lập, định giá đúng giá trị của doanh nghiệp, nếu không dư luận sẽ đặt vấn đề có hay không lợi ích nhóm, dẫn đến việc bị thanh tra, kiểm tra, xử lý sau này”.

Phó thủ tướng cũng yêu cầu SCIC cần xác định định hướng chiến lược để đưa tổng công ty trở thành doanh nghiệp trọng yếu hay “quả đấm mạnh” của nền kinh tế; tham gia vào hệ thống chủ đạo của kinh tế nhà nước một cách có hiệu quả.

Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, Phó thủ tướng lưu ý tổng công ty tạm thời dừng những hoạt động không hữu ích còn những hoạt động thích ứng được thì phải đẩy mạnh và quan trọng là phải có chiến lược đầu tư lâu dài.

Liên quan đến các kiến nghị chuyển giao doanh nghiệp về SCIC, Phó thủ tướng nêu rõ tổng công ty cần chủ động làm việc với các bộ, ngành để chuyển giao theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Về cơ chế bán vốn và cổ phần hóa, Phó thủ tướng giao Bộ Tài chính rà soát, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của SCIC về sửa đổi bổ sung Nghị định 32 và Nghị định 126.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan theo thẩm quyền hướng dẫn hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền về việc cho phép SCIC triển khai xác định giá khởi điểm trên cơ sở ý kiến của tổ chức tư vấn thẩm định giá theo quy định.

Trường hợp bán đấu giá, chào bán cạnh tranh không thành công, Bộ cho phép SCIC áp dụng cơ chế bán vốn đặc thù (hạ giá khởi điểm) quy định tại Nghị định số 151/2013/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của SCIC…

SCIC đã làm ăn như thế nào?

Theo báo cáo của SCIC, đến ngày 8/4, tổng công ty này đang quản lý danh mục gồm 143 doanh nghiệp với giá trị vốn nhà nước là 29.266 tỷ đồng.

Trong năm 2019 và quý I/2020, SCIC tiếp tục tập trung thực hiện các biện pháp quản trị thông qua vai trò cổ đông nhà nước, tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả hoạt động, xử lý tồn tại phát sinh tại các doanh nghiệp trong danh mục, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty có quy mô vốn lớn, mới tiếp nhận có tình hình tài chính phức tạp.

Thông qua vai trò cổ đông, SCIC đã tăng cường công tác quản trị đối với các doanh nghiệp quy mô lớn, có vốn nhà nước chi phối, có vai trò quan trọng trong danh mục của SCIC như: Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk)...

Trong năm 2019, hoạt động của nhiều doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng ổn định. Tổng doanh thu năm 2019 của các doanh nghiệp SCIC có vốn chủ sở hữu ước đạt 122.321 tỷ đổng, tương ứng lợi nhuận sau thuế năm 2019 ước đạt 24.757 tỷ đồng.

Trong đó, một số doanh nghiệp có ước tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu năm 2019 đạt cao như: Công ty TNHH 2 thành viên Đầu tư thương mại Tràng Tiền (90%), Công ty TNHH Khai thác và Chế biến đá An Giang (72%), Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng khoáng sản Bình Thuận (41%), Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (36%), Công ty Tư vấn đầu tư và Đầu tư Việt Nam (35%), Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (29%), Công ty Cổ phần Quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 10 (27%),...

Đối với những doanh nghiệp có nhiều tồn tại, yếu kém, SCIC đã tập trung thực hiện tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động và xử lý dứt điểm tồn tại, điển hình như: Vinaconex, Dược Hậu Giang, Domesco, Thương mại Tràng Tiền, Vietracimex, Nông công nghiệp Hà Trung, Giầy Đông Anh, Bảo Minh, Sứ Hải Dương, XNK Tổng hợp II, Du lịch khách sạn Kim Liên, Constrexim, Nhựa Bình Minh, Liên hiệp Thực phẩm Hà Tây, Nông sản Tân Lâm…

Một số doanh nghiệp sau khi tái cơ cấu, xử lý tồn tại đã triển khai bán vốn thành công mang lại hiệu quả cao cho nhà nước như: Vinaconex, Du lịch khách sạn Kim Liên, Nhựa Bình Minh...

Đáng chú ý, SCIC đã chú trọng xử lý các doanh nghiệp thuộc diện giám sát đặc biệt, định kỳ rà soát, đề xuất hướng xử lý. Nhờ đó, số lượng các doanh nghiệp yếu kém, thuộc diện giám sát đặc biệt theo xếp loại của SCIC trong 5 năm gần đây có xu hướng giảm mạnh, năm 2015 có 49 doanh nghiệp đến năm 2019 còn 25 doanh nghiệp.

SCIC cũng đã tập trung triển khai công tác quản trị, tái cơ cấu tại các tập đoàn, tổng công ty có quy mô lớn mới tiếp nhận như: Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex), Tổng công ty Thép Việt Nam (VnSteel), Tổng công ty Licogi.

SCIC đã xử lý những việc liên quan 2 dự án trong 12 đại dự án thuộc ngành công thương. Cụ thể, SCIC đã thực hiện tái cơ cấu hoạt động Công ty Cổ phần Gang Thép Thái Nguyên (Tisco) và Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (VTM), thực hiện kiểm soát chi phí, tháo gỡ vướng mắc, nâng cao hiệu quả hoạt động các đơn vị này…

Tin mới lên