Phó Thủ tướng: Tiết kiệm chi thường xuyên, không chi cho các nhiệm vụ chưa cấp thiết

Trọng Nghĩa - 28/12/2018 10:33 (GMT+7)

(VNF) - Đó là một trong những quan điểm chỉ đạo được nhấn mạnh tại dự thảo nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện “Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019” (Nghị quyết 01) do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trình bày tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, tổ chức sáng 28/12.

VNF
Phó Thủ tướng: Tiết kiệm chi thường xuyên, không bố trí kinh phí cho các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết năm 2019 được xác định là năm bứt phá để thực hiện thành công kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020.

Với phương châm hành động "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả", Chính phủ đề ra 4 trọng tâm chỉ đạo điều hành. Theo đó, nâng cao năng lực nội tại, khả năng chống chịu của nền kinh tế; củng cố nền tảng vĩ mô, duy trì và khơi thông các động lực tăng trưởng; quyết liệt thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng bộ máy kỷ cương, liêm chính, hành động, phục vụ; tiếp tục tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi. Bên cạnh đó là tập trung hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng xây dựng và thực thi pháp luật; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, công vụ.

Ngoài ra còn phải chú trọng cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy biên chế tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới và tăng cường hiệu quả hoạt động tư pháp.

Theo Phó Thủ tướng, dự thảo nghị quyết đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với 45 nhiệm vụ, giải pháp và 188 nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, tập trung củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế với 6 nhiệm vụ, giải pháp với nội dung trọng tâm là điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, nhất quán mục tiêu xuyên suốt là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Cùng với đó, tăng trưởng tín dụng đi đôi với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; đẩy mạnh bao phủ tín dụng, đẩy lùi tín dụng ”đen”.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu tiết kiệm chi thường xuyên, không bố trí kinh phí cho các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết, đồng thời cân đối nguồn lực để thực hiện đúng lộ trình cải cách chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội theo nghị quyết trung ương.

Chính phủ cũng nhấn mạnh chủ trương cần khơi thông thể chế để tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực xã hội; đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị trong việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; công khai kết quả thực hiện.

Về đầu tư, Phó Thủ tướng lưu ý cần thu hút chọn lọc, có hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài trong tình hình mới; công khai doanh nghiệp đã cổ phần hóa, đủ điều kiện nhưng chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán và xem xét trách nhiệm người đứng đầu.

Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ cũng sẽ tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với các vụ án tham nhũng, thu hồi triệt để tài sản bị thất thoát; kiên quyết xử lý, khắc phục tình trạng "tham nhũng vặt".

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc chú trọng xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Cùng chuyên mục
Tin khác