Bất động sản

Phó thủ tướng yêu cầu hoàn thiện hồ sơ cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu

Sau khi thông xe tuyến đường Hà Nội - Hòa Bình, Chính phủ tiếp tục thúc đẩy dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu với mong muốn thay đổi bộ mặt kinh tế, xã hội vùng Tây Bắc.

Phó thủ tướng yêu cầu hoàn thiện hồ sơ cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu

Tuyến đường Hà Nội - Hòa Bình vừa khánh thành ngày 10/10/2018

Tại cuộc họp về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu tỉnh Sơn La hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án theo hình thức đối tác công tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Phó thủ tướng nhận định các tỉnh Tây Bắc không có điều kiện đầu tư phát triển các loại hình vận tải đường sắt, hàng không… mật độ giao thông đường bộ thấp nhất cả nước. Do đó, việc phát triển hạ tầng giao thông đường bộ là phương án phù hợp nhất trong điều kiện hiện nay.

Thời gian qua, UBND tỉnh Sơn La phối hợp với tỉnh Hòa Bình đã chuẩn bị báo cáo tiền khả thi, kêu gọi đầu tư để thực hiện dự án. Sau gần 3 năm nghiên chuẩn bị, đến nay hồ sơ nghiên cứu tiền khả thi đã được các Bộ, ngành, địa phương liên quan có ý kiến và được Bộ KH&ĐT thẩm định.

Sau khi khánh thành tuyến đường Hà Nội - Hòa Bình, dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu được kỳ vọng tiếp tục cải thiện vấn đề yếu kém về hạ tầng giao thông của vùng Tây Bắc, qua đó giúp các địa phương của vùng này phát triển kinh tế - xã hội. Đây là khu vực khó khăn nhất so với cả nước, hạ tầng kinh tế kém, thời tiết khắc nghiệt, kinh tế chưa phát triển, dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước.

Thời gian tới, Phó thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Sơn La phối hợp Bộ KH&ĐT làm rõ hơn sự cần thiết phải đầu tư dự án để làm động lực phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng Tây Bắc.

Bộ GTVT có nhiệm vụ báo cáo tình hình đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông vùng Tây Bắc so với các vùng trên cả nước để làm cơ sở cho sự cần thiết đầu tư dự án.

Bộ NN&PTNT làm rõ mức độ ảnh hưởng của việc lấy đất lúa, đất trồng rừng phòng hộ và khả năng gây ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất do xây dựng dự án.

Ông Trịnh Đình Dũng cũng nêu ra phương án nhà nước tham gia vốn vào dự án bằng ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, lưu ý đến khả năng tham gia của các ngân hàng thương mại trong việc bố trí vốn để thực hiện dự án.

Tin mới lên