Phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém còn rất chậm

Minh Anh - 23/10/2023 12:39 (GMT+7)

(VNF) - Theo Ủy ban Kinh tế, việc triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 và phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém còn rất chậm.

VNF

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa 15 sáng 23/10, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, năm 2023, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục hồi phục bấp bênh do gặp những “cơn gió ngược”. Trong bối cảnh đó, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, trên cơ sở kết quả của 9 tháng, ước cả năm 2023 có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra.

Dự báo cả năm 2023, tăng trưởng GDP đạt khoảng 5%, dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới; chỉ số giá tiêu dùng bình quân ước tăng 3,5%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra khoảng 4,5%.

Bên cạnh kết quả đạt được, Ủy ban Kinh tế đề nghị quan tâm, tập trung đánh giá kỹ hơn về 5/15 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra (năm 2022 có 2/15 chỉ tiêu không đạt).

Đáng chú ý, việc triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 và phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, còn rất chậm, trong đó có việc phải đánh giá, thẩm định chính xác giá trị tài sản đã qua nhiều năm.

Theo Ủy ban Kinh tế, thị trường tài chính, tiền tệ vẫn còn tiềm ẩn rủi ro; tỷ lệ nợ xấu nội bảng hết tháng 7 đã vượt mức 3% (3,56%). Thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng, tiềm ẩn rủi ro, rất nhiều dự án không thể tiếp tục triển khai, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều tồn tại, hạn chế, tỷ lệ nợ xấu thị trường này tăng.

Ngoài ra, nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn, mặc dù mặt bằng lãi suất huy động, lãi suất cho vay giảm nhưng tăng trưởng tín dụng đến ngày 29/9 chỉ tăng 6,92%.

Trong những tháng cuối năm 2023, Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ưu tiên cho thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); quan tâm thúc đẩy phục hồi và đẩy mạnh các đầu tầu tăng trưởng của nền kinh tế.

Về việc xử lý ngân hàng yếu kém, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 16/10, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, đây là vấn đề hết sức khó khăn, cần có thời gian.

Theo Thống đốc, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt. Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành cũng đã trình, xin chủ trương của cấp có thẩm quyền để tích cực xử lý. Nhưng việc xử lý ngân hàng yếu kém trong điều kiện bình thường đã khó, trong bối cảnh nửa nhiệm kỳ với kinh tế thế giới và trong nước vô cùng khó khăn thì còn khó khăn hơn nữa. "Do vậy, việc xử lý các ngân hàng yếu kém vẫn đang ở trong cái giai đoạn hoàn tất", bà Hồng cho hay.

Trước đó, NHNN đã triển khai các giải pháp xử lý theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền. Chính phủ đã ban hành nghị quyết quyết định chủ trương chuyển giao bắt buộc của 2 ngân hàng mua bắt buộc.

NHNN cho biết, quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng kéo dài do việc tìm kiếm, đàm phán NHTM đủ điều kiện nhận chuyển giao bắt buộc (năng lực tài chính, quản trị, kinh nghiệm cơ cấu TCTD yếu kém) kéo dài khó khăn do phụ thuộc lớn vào việc tự nguyện tham gia của các NHTM và cần thời gian để thuyết phục cổ đông, nhất là cổ đông lớn, cổ đông chiến lược nước ngoài đồng thuận tham gia nhận chuyển giao bắt buộc.

Cùng với đó, cơ chế chính sách, nguồn lực tài chính để xử lý TCTD yếu kém nói chung và để xây dựng phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng mua bắt buộc và Ngân hàng TMCP Đông Á nói riêng còn nhiều bất cập, vướng mắc, thủ tục kéo dài. Việc phối hợp, tham gia ý kiến của các bộ, ngành liên quan còn kéo dài do việc xử lý các ngân hàng yếu kém phức tạp, chưa có tiền lệ.

Ngoài ra, năng lực cán bộ, công chức làm công tác thanh tra, giám sát còn hạn chế trong điều kiện áp lực xử lý khối lượng công việc lớn, phức tạp, yêu cầu khẩn trương về tiến độ (vừa thực hiện công tác thanh tra, giám sát vừa thực hiện công tác cơ cấu lại ngân hàng yếu kém)...

NHNN đang chỉ đạo các bên liên quan thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định tại Luật Các TCTD (đã sửa đổi, bổ sung) để trình Chính phủ phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc đối với 2 ngân hàng này và hoàn thiện phương án, trình Chính phủ quyết định chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với ngân hàng mua bắt buộc còn lại.

Cùng chuyên mục
Tin khác