Phương Tây sắp áp trần giá dầu, Nga tuyên bố kiên quyết không bán
Thanh Tú -
23/11/2022 11:58 (GMT+7)
(VNF) - Nga một lần nữa khẳng định sẽ không cung cấp dầu mỏ hoặc các sản phẩm từ dầu mỏ cho các nước áp giá trần đối với mặt hàng này của Nga trong bối cảnh Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Liên minh châu Âu (EU) đang thảo luận về mức giá trần áp lên dầu mỏ Nga và dự kiến sẽ công bố trong ngày 24/11.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak mới đây khẳng định rằng việc áp giá trần là hành động can thiệp chưa từng có vào các nguyên tắc thị trường của thị trường dầu mỏ, có thể dẫn đến giảm đầu tư, giảm nguồn cung và thiếu hụt các loại hàng hóa khác.
Theo vị quan chức Nga, nước này không có kế hoạch cung cấp dầu mỏ hoặc các sản phẩm từ dầu mỏ cho các nước áp giá trần đối với mặt hàng này của Nga. Thay vào đó, Moscow sẽ xem xét lại nguồn cung cho các đối tác định hướng thị trường hoặc cắt giảm sản lượng.
Ở động thái liên quan, một quan chức cấp cao của Bộ Tài Chính Mỹ ngày 22/11 cho hay G7 và EU đang thảo luận về mức giá trần sẽ áp dụng với dầu Nga, dự kiến công bố vào ngày 24/11.
Đây sẽ là cơ sở cho lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 5/12. Theo đó, EU sẽ cấm các công ty vận chuyển hoặc cung cấp bảo hiểm cho các lô hàng dầu Nga được bán trên mức giá cố định.
Mục đích của động thái này nhằm khiến nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ của Nga sẽ giảm đi đáng kể, góp phần ổn định thị trường năng lượng toàn cầu và gây khó khăn cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine, quan chức Mỹ cho hay.
Quan chức này nhấn mạnh thêm rằng Nga sẽ khó đưa ra động thái trả đũa chính sách mới bởi "bất kỳ hành động tăng giá nào đều sẽ có tác động đến khách hàng mới của Nga và những khách hàng như Ấn Độ, Trung Quốc, những đối tượng mà Nga muốn tiếp tục là khách hàng dầu mỏ trong tương lai".
Cũng theo quan chức cấp cao của Bộ Tài Chính Mỹ, giá trần có thể sẽ được xem xét hằng quý hoặc nửa năm một lần chứ không điều chỉnh mỗi tuần hay mỗi tháng như ý tưởng ban đầu do nhu cầu đảm bảo sự chắc chắn và ổn định cho thị trường nên.
Đức, nền kinh tế lớn nhất EU, vừa lên tiếng cảnh báo nước này có nguy cơ thiếu dầu khi lệnh cấm nhập khẩu dầu thô Nga của EU có hiệu lực. Đây là một dấu hiệu nữa cho thấy sự gián đoạn mà cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu tiếp tục tàn phá nền kinh tế lớn nhất lục địa này.
Nhằm ứng phó trước tình hình hiện tại, Chính phủ Đức đã đề cập chi tiết các nỗ lực nhằm đa dạng hóa các nhà máy lọc dầu khỏi việc nhập khẩu dầu của Nga. Dù vậy, họ vẫn lo ngại lệnh cấm vận có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng cho nền kinh tế miền Đông nước Đức.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.