Phương Tây tháo chạy, Nga chào đón những 'ông chủ' mới từ Trung Quốc

Minh Ý - 13/01/2024 05:04 (GMT+7)

(VNF) - Trong khi các công ty phương Tây "lũ lượt" rời Nga kể từ khi chiến sự Ukraine xảy ra, thì số lượng công ty ở Nga có đồng sở hữu là người Trung Quốc và các nước thuộc Liên Xô cũ đã tăng mạnh.

VNF
Nhiều công ty mới thành lập ở Nga có đồng sáng lập từ Trung Quốc và Liên Xô cũ.

Theo trang Vedomosti, trong năm 2022 và 10 tháng đầu năm 2023, tổng cộng, 9.600 công ty có chi nhánh nước ngoài đã rời Nga. Tuy nhiên, trong cùng kỳ, số lượng công ty mới ở Nga với những người đồng sáng lập từ các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ và Trung Quốc đã tăng vọt.

Cụ thể, các công ty có người đồng sáng lập từ các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ bao gồm Belarus, Kyrgyzstan và Kazakhstan chiếm 59% tổng số công ty mới thành lập hoạt động tại Nga vào năm 2023, theo Vedomosti. Các công ty có người đồng sáng lập từ Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ lần lượt chiếm 3% và 2% số công ty đăng ký mới trong khung thời gian đó.

Các công ty có người đồng sáng lập đến từ Trung Quốc chiếm 25% – tương đương 1.500 công ty mới ở Nga trong 10 tháng đầu năm 2023.

Bất chấp căng thẳng giữa Nga và phương Tây về cuộc chiến ở Ukraine, khoảng 3% công ty đăng ký ở Nga năm ngoái đến từ các quốc gia mà Điện Kremlin cho là "không thân thiện", mức giảm rất lớn so với 14% số công ty mới đăng ký vào năm 2021.

Tuy nhiên, cũng theo Vedomosti, tổng cộng có 116.400 pháp nhân có sự tham gia của nước ngoài đã được đăng ký tại Nga tính đến cuối năm 2023 - giảm hơn 1/3 so với mức đỉnh điểm là 185.000 pháp nhân có liên quan đến nước ngoài được ghi nhận vào năm 2017.

Mikhail Nikolayev, người đứng đầu cơ quan xếp hạng ACRA của Nga, nói với cơ quan truyền thông Nga rằng trong khi các lệnh trừng phạt của phương Tây ảnh hưởng đến số lượng các công ty liên kết nước ngoài ở Nga, thì việc tái tổ chức chuỗi cung ứng và thương mại của Nga về phía đông đã tăng cường đăng ký công ty mới từ các thị trường thay thế.

Trong khi đó, các doanh nghiệp Nga ở nước ngoài cũng đang chuyển tài sản của họ về nước trong bối cảnh áp lực của các lệnh trừng phạt của phương Tây và sự thúc đẩy của Tổng thống Vladimir Putin. 

Tuy nhiên, những quy định mới tại Nga đang khiến nhiều doanh nghiệp phương Tây khó rút lui khỏi thị trường này. Điện Kremlin đã tạo ra một loạt rào cản lớn cho quy trình này, chẳng hạn như yêu cầu các công ty đóng góp cho nhà nước và bán tài sản của họ với giá chiết khấu cao trước khi họ có thể rời khỏi đất nước.

Các công ty phương Tây hoạt động trong các lĩnh vực quan trọng mang tính chiến lược - chẳng hạn như năng lượng và tài nguyên - cũng cần có sự chấp thuận của chính quyền trước khi bán bất kỳ tài sản nào.

Chỉ có khoảng 350 công ty quốc tế đã hoàn tất việc rời khỏi Nga, một công cụ theo dõi từ Trường Kinh tế Kyiv cho thấy. Khoảng 1.606 công ty quốc tế khác đang tiếp tục hoạt động như bình thường, trong khi 1.741 công ty nước ngoài đang trong các giai đoạn tạm dừng đầu tư vào hoạt động khác nhau ở Nga.

Xem thêm >> Ông Putin: Châu Âu nên nghĩ ngày mai ăn gì, mặc gì thay vì đe doạ Nga

Theo BI
Cùng chuyên mục
Tin khác