Tài chính quốc tế

'Quá lố khi nói Trung Quốc bị tách khỏi nền kinh tế toàn cầu'

(VNF) - Ngân hàng ADB nhận định, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại hàng đầu của nhiều quốc gia và câu chuyện Trung Quốc bị tách khỏi nền kinh tế toàn cầu là “quá lố”.

'Quá lố khi nói Trung Quốc bị tách khỏi nền kinh tế toàn cầu'

Ảnh minh họa.

Tầm quan trọng của Trung Quốc

Theo nhà kinh tế trưởng Albert Park của ADB, mặc dù thương mại của Trung Quốc với một số nước đã suy giảm trong năm 2023 nhưng tầm quan trọng của quốc gia này trong chuỗi giá trị toàn cầu vẫn không hề suy giảm.

Cụ thể, trong năm 2023, xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc đã giảm lần đầu tiên sau 7 năm do nhu cầu giảm trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu chậm lại.

Dẫu vậy, theo tổ chức nghiên cứu Wilson Center của Mỹ, cường quốc kinh tế này vẫn là đối tác thương mại hàng đầu của hơn 120 quốc gia cũng như là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam.

Bên cạnh đó, theo một nghiên cứu năm 2023 của Atlantic Council, tỷ trọng thương mại hàng hóa của Trung Quốc với châu Phi ở vùng Saharan đã tăng từ chỉ 4% vào năm 2001 lên hơn 25% vào năm 2020, vượt qua cả Mỹ và EU. Kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Nga đã tăng hơn 30% trong năm 2022, lên mức kỷ lục 190 tỷ USD

Ông Albert Park cho hay, dù một số quốc gia đang “rất tích cực cố gắng hạn chế thương mại của Trung Quốc” nhưng xét trên quy mô toàn cầu, việc xóa bỏ liên kết giữa Trung Quốc với thương mại toàn cầu vẫn là một bài toàn khó.

“Ngay cả khi cuộc xung đột thương mại do cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump khơi mào vào năm 2018, tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong chuỗi giá trị toàn cầu vẫn không hề suy giảm”, ông nói.

Ý tưởng "tách rời kinh tế" khỏi Trung Quốc được Mỹ nêu ra dưới thời tổng thống Donald Trump, khi căng thẳng trong quan hệ song phương leo thang thành cạnh tranh chiến lược cường quốc, với nhiều bất đồng trên hàng loạt phương diện từ kinh tế, thương mại, địa chính trị đến công nghệ cao, an ninh y tế, tự do hàng hải trên các vùng biển khu vực.

Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn tiếp tục đóng vai trò to lớn trong nền kinh tế toàn cầu khi chiếm tới 18% GDP toàn cầu và vẫn được coi là nền kinh tế thương mại lớn nhất thế giới. “Nhận định Trung Quốc bị tách khỏi nền kinh tế toàn cầu theo tôi là quá lố và rất phiến diện”, nhà kinh tế trưởng của ADB khẳng định.

Châu Á giữa những "cơn gió ngược"

Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, khi sự hiện diện của Trung Quốc trong chuỗi liên kết thương mại toàn cầu vẫn còn rõ nét thì câu chuyện phục hồi nền kinh tế của nước này tiếp tục gây rủi ro cho môi trường thương mại châu Á.

Thương mại châu Á có nhiều tiềm năng bứt tốc trong năm 2024.

Ông Albert Park nhận định: “Vẫn còn rất nhiều câu hỏi về khả năng phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc. Nếu tăng trưởng của Trung Quốc chậm đi 1% thì nhu cầu xuất khẩu sẽ giảm đi khoảng 0,3%”.

Ngoài ra, hệ sinh thái thương mại châu Á cũng vướng phải một số yếu tố gây trở ngại khác. Theo ông Albert Park, tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức vừa phải sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của châu Á.

Trong năm 2023, thương mại châu Á đã rơi vào tình trạng đình trệ do ảnh hưởng từ chính sách tiền tệ toàn cầu, căng thẳng địa chính trị và sự phục hồi chậm chạp của nền kinh tế Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo nhà kinh tế trưởng tại ADB, ngành công nghiệp bán dẫn đang dần hồi phục có thể sẽ mang lại một số hy vọng cho các nhà xuất khẩu công nghệ cao ở châu Á như Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản.

Ngoài ra, việc nhu cầu từ Mỹ và EU được cải thiện cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ ở Ấn Độ cũng có khả năng mang lại lợi ích cho triển vọng thương mại của châu Á trong năm 2024.

Bà Hebe Chen, nhà phân tích thị trường tại IG International, cho hay các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, bất động sản cùng như các ngành liên quan đến AI sẽ có tiềm năng phát triển mạnh mẽ ở châu Á.

Trong đó, bà đánh giá Malaysia, Singapore và Việt Nam sẽ vượt trội hơn phần còn lại nhờ sự phát triển của các cơ sở sản xuất và trung tâm nghiên cứu R&D.

“Việt Nam, Singapore và Malaysia đang dần trở thành những trung tâm sản xuất được nhiều quốc gia lựa chọn để giảm thiểu sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Nhờ đó, các nước này có thể không còn dễ bị tổn thương trước sự suy thoái của Trung Quốc", bà nhận định.

Trước đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đưa ra dự đoán lạc quan về tốc độ tăng trưởng của khu vực châu Á. Theo đó, tốc độ tăng trưởng của châu Á sẽ ở mức 4,2% vào năm 2024, trong khi mức tăng trưởng toàn cầu là 2,9%.

Trong báo cáo “Triển vọng kinh tế vĩ mô năm 2024” do ngân hàng Deutsche Bank công bố, châu Á được dự báo sẽ dẫn đầu tăng trưởng toàn cầu trong năm 2024. Theo phân tích của báo cáo, áp lực lạm phát tương đối thấp đã cung cấp dư địa chính sách đầy đủ cho hầu hết các ngân hàng trung ương châu Á. Chưa kể, triển vọng thay đổi chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có ý nghĩa rất quan trọng để dỡ bỏ những trở ngại đối với việc nới lỏng chính sách tiền tệ tại châu Á.

Tin mới lên