Thị trường

Qua sông Hán, sông Chao, nghĩ về sông Hồng

(VNF) - Kinh thành Thăng Long bên bờ sông Hồng với hơn 1000 năm tuổi, trải qua nhiều thời kỳ vàng son, từng có những lúc ở vị thế phát triển rực rỡ vào hàng bậc nhất ở Đông Nam Á. Thế nhưng ngày nay, so với sông Hán ở Soeul và sông Chao Phraya ở Bangkok, thì có vẻ dường như sông Hồng đoạn qua Thủ đô Hà Nội vẫn còn đang ngái ngủ, đang chờ được “đánh thức”.

Qua sông Hán, sông Chao, nghĩ về sông Hồng

Sông Hán ở Hàn Quốc

Đến Seoul, “buốt mắt” trước vẻ đẹp của sông Hán

Năm 2023, chúng tôi có chuyến công tác đến Seoul và được chiêm ngưỡng sự phát triển, vẻ đẹp hiện đại của thành phố 26 triệu dân này. Nhưng ấn tượng nhất có lẽ là sông Hán chảy giữa thành phố Seoul với những con đường hiện đại và những “rừng cao ốc” hai bên sông, cùng hàng chục cây cầu nguy nga nối hai bờ.

Chúng tôi được chiêm ngưỡng sông Hán ở nhiều góc cạnh, ngay khi từ sân bay vào thành phố, đã được đi trên con đường cao tốc phía bờ Nam sông, choáng ngợp trước đô thị hiện đại, rồi đi qua cây cầu vòm tuyệt đẹp sang bên bờ Bắc để vào khu vực đô thị lõi. Khi đi tham quan hai nhà máy điện sinh học ở Hàn Quốc là nhà máy sản xuất điện từ rác thải tại ngoại ô Thủ đô Seoul và nhà máy đồng phát nhiệt - điện sử dụng sinh khối tại tỉnh Gyeonggi, chúng tôi theo con đường ven sông Hán để rời khỏi thành phố, đi về nông thôn.

Nhờ con đường cao tốc chạy song song rất gần sông, khoảng cách với sông không có nhà cửa mà là công viên cây xanh dài miên man tít tắp, được ngắm nhìn trực diện xuống sông và bờ bên kia. Chúng tôi đến Seoul vào mùa lạnh, hầu hết cây cối đều trụi lá trơ cành, nhưng không làm mất đi vẻ đẹp miên uẩn của thiên nhiên, công viên hòa giao hòa vào phố xá. Nhiều đoạn, đường cao tốc chạy thoát hẳn bờ, trở thành đường trên cao đi uốn lượn trên dòng sông, trong chiều hoàng hôn, cảnh đẹp càng trở nên “buốt mắt”. Nhìn sang bên kia sông, luôn thấy cảnh đô thị san sát, những rừng cao ốc, những tòa nhà chọc trời hiện lên giữa bầu trời xanh thẳm.

Lên đỉnh tòa nhà Lotte World Tower 123 tầng – tòa nhà cao nhất Hàn Quốc hiện tại với độ cao là 556m, chúng tôi được ngắm nhìn toàn cảnh Seoul, đặc biệt sông Hán như ở ngay bên dưới. Lướt mắt dọc theo sông, được chiêm ngưỡng hơn 30 cây cầu bắc ngang - những cây cầu tuy không dài như những cây cầu trên sông Hồng ở Hà Nội, nhưng mỗi cây cầu ở đây có hình dáng khác nhau như trình diễn những “thời trang” về kiến trúc cầu.

Cầu Banpo dài 1.140 mét khoe vẻ diễm lệ, như đắm chìm trong không gian ánh sáng đẹp mê hồn. Trên cầu, hệ thống đài phun nước được chiếu bằng đèn Led nhiều màu sắc tạo nên khung cảnh huyền ảo và thơ mộng. Trong khi đó, cầu Dongjak lạ mắt với giàn cầu màu xanh, có tàu điện ngầm số 4 đi qua, cùng với phần giao thông đường bộ bên cạnh. Cầu Dongho bắc qua sông Hán ở phường Apgujeong, quận Gangnam, có tuyến tàu điện ngầm số 3, bên phải là hai làn đường bộ. Cuối cầu Dongho ở phía bắc là trạm Oksu.

Cầu Banghwa nối quận Gangseo của Seoul với quận Goyang là cây cầu có 6 làn xe, chiều dài 2.559 mét. Cầu Grand là cây cầu dây văng dài nhất Hàn Quốc, trở thành huyền thoại đất nước Hàn Quốc, với chiều dài 7.420 m, riêng phần cầu treo dài 900 m, ban ngày đã đẹp ban đêm lại còn đẹp hơn nhờ vào những ánh đẹp tỏa sáng cho cấu trúc của cây cầu. Cầu Hangang kết nối các quận Yongsan-gu ở phía bắc và Dongjak-gu ở phía nam, băng qua đảo nhân tạo Nodeulseom có 8 làn xe lưu thông, cũng là một điểm ngắm cảnh tuyệt diệu. Rất nhiều cây cầu khác cần phải nhắc tên như: cầu Seongsan nối hai quận Mapo và Yeongdeungpo; cầu Jamsil nối hai quận Songpa-gu và Gwangjin-gu…

Sông Hán uốn lượn giữa Seoul như biểu tượng du lịch tại thành phố năng động. Cùng với những cung điện, đền đài tỏa ra nét hoài cổ xa xưa, sông Hán như lưu giữ những giá trị truyền thống về văn hóa của Hàn Quốc và kết nối với phồn hoa hiện đại. Người ta dùng từ “Kỳ tích sông Hán” hay “Hán giang kỳ tích” để nói về thời kỳ công nghiệp hóa thần tốc tại Hàn Quốc những năm giữa của thế kỷ 20 và kéo dài cho đến đầu thế kỷ 21. Sau chiến tranh Triều Tiên, cơ sở hạ tầng của Seoul bị phá hủy hoàn toàn và phần lớn người dân sống dưới mức nghèo khổ. Thế nhưng, chưa đầy 4 thập niên sau, “thành phố vô vọng” này đã hoàn toàn chuyển mình thành một thành phố toàn cầu, với thu nhập cao trên thế giới.

Sông Hồng còn đang ngái ngủ

Tôi cũng từng tham quan trên sông Chao Phraya ở Bangkok, Thái Lan trên du thuyền đi dọc sông vào buổi đêm, được đắm chìm trong vẻ đẹp huyền mặc lung linh. Không giống như Hà Nội (hai bên sông là những bãi bồi với những vườn rau, vườn hoa hoặc cỏ cây hoang dại), hai bên sông Chao Phraya đoạn qua Bangkok là con đường kề sát bên, những tòa nhà cao tầng hiện đại mọc san sát nối tiếp sát bờ sông. Nhờ vậy, từ trên thuyền trôi trên sông Chao Phraya, sẽ có cảm giác như được trôi giữa hai dải phông đèn sáng rực trời do các tòa nhà tạo nên.

Từ trên sông, ta được chiêm ngưỡng những khu phố thượng lưu và đẳng cấp nằm ở khu vực trung tâm Bangkok. Đặc biệt, các đền tháp, chùa nổi tiếng nhất tại Bangkok hiện lên vô cùng rực rỡ, lung linh giữa những tòa cao ốc. Nằm kề bên sông, Wath Pho là ngôi chùa lớn nhất và cổ nhất ở Bangkok, được người ta biết đến bởi thiết kế độc đáo mà điểm nhấn là những tháp chùa cao vút và hệ thống điện chiếu sáng lung linh về đêm. Đặc biệt ngọn tháp cao 76 m nằm bên bờ sông hiện lên vô cùng diễm lệ. Bangkok nhìn từ du thuyền trên sông Chao Phraya, như một tác phẩm nghệ thuật được dệt bởi ánh sáng.

Trở lại sông Hồng ở Thủ đô Hà Nội, ta sẽ trở về một khung cảnh khác, dường như rất hoang sơ, với những bãi bờ lau lách trong màn sương sớm, những đàn bò nhởn nhơ gặm cỏ dưới nắng chiều. Sông Hồng đoạn qua Thủ đô nước ta gắn với những chiến công hiển hách của cha ông xưa: những trận chiến đánh bại giặc Mông – Nguyên (đỉnh cao là chiến thắng Chương Dương –Hàm Tử); chiến trận Bồ Đề của Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh; Chiến thắng Xuân Kỷ Dậu (1789), vua Quang Trung đã đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược…

Kinh thành Thăng Long bên bờ sông Hồng với hơn 1000 năm tuổi, trải qua nhiều thời kỳ vàng son, từng có những lúc ở vị thế phát triển rực rỡ vào hàng bậc nhất ở Đông Nam Á. Thế nhưng ngày nay, so với sông Hán ở Soeul và sông Chao Phraya ở Bangkok, thì có vẻ dường như sông Hồng đoạn qua Thủ đô Hà Nội vẫn còn đang ngái ngủ, đang chờ được “đánh thức”.

Sông Hồng trong tôi là cảnh những nữ thương lái trên sông nước. Bãi cát hoang vắng bên sông Hồng thoắt trở nên nhộn nhịp. Tấm ván mỏng manh nối mé thuyền với bãi cát, chiếc cầu đong đưa theo sóng, không có bất cứ một thứ gì để làm tay vịn, khiến chúng tôi dù là thanh niên cũng khó bước lên được. Nhưng những người phụ nữ vai gánh đôi sọt, đầu đội thúng mủng, thoăn thoắt bước xuống.

Những sọt hàng được họ bày tràn ra bãi cát, kề ngay sát mép nước, biến địa điểm này thành một cái chợ đầu mối. Hàng hoá chủ yếu là nông sản: hoa quả, lương thực, gia súc, măng, mộc nhĩ, nấm hương... Họ từ những làng quê nằm ven mạn ngược sông Hồng, theo thuyền đem hàng về tập kết trên bãi cát dưới chân cầu Chương Dương, sau đó bán cho các thương nhân kinh doanh ở chợ Long Biên và các chợ khắp Hà Nội.

Sáng xuôi thuyền theo hàng xuống Hà Nội, đêm lại ngược sông Hồng để về nhà, cực nhọc vậy, thế mà những lái buôn đường sông chủ yếu là phụ nữ. Chị Hạnh – một thương lái tôi gặp ở đây, cho biết đã theo thuyền chuối từ huyện An Lạc (Vĩnh Phúc) xuống, tất thảy hơn 30 thương lái đều là người cùng làng, nửa đêm mới về đến nhà. Ngày nào cũng vậy, sinh hoạt, ăn ngủ đều trên thuyền.

Công việc thu gom chuối do những người đàn ông trong các gia đình đảm trách, hàng ngày họ lang thang khắp làng trong huyện để mua hàng. Còn những người phụ nữ chịu trách nhiệm đưa hàng xuống thủ đô để bán. Mỗi ngày một chuyến, xuất phát từ nhà lúc 10 giờ sáng, đến nơi là 2 giờ chiều. Bán hàng đến 6 giờ tối thì kết thúc, lại ngược sông. Thuyền buôn bao giờ cũng quay trở về vào buổi tối, những tấm ván được đặt trên sàn thuyền để thay giường. Sau một ngày buôn bán mệt mỏi, những người phụ nữ nằm la liệt trên thuyền. Từ lâu họ đã quen với cách ngủ lăn lóc như vậy. Về đến nhà đã nửa đêm, họ chỉ tranh thủ chợp mắt tiếp một lát, rồi lại trở dậy, bận bịu với việc chuẩn bị hàng cho chuyến đi mới.

Chị Hương, một nữ thương lái khác tâm sự, khi lên 15 tuổi đã đi buôn, rất nhiều con gái ở làng theo nghề này. Nghề “thương hồ” thấm vào máu thịt rồi, dẫu không thích cũng chẳng muốn đổi sang nghề khác. Sống trên sông nước mãi cùng thành quen, ăn cũng trên thuyền, ngủ cũng trên thuyền, suốt ngày lênh đênh.

Bên cạnh những người buôn chuyến, họ có nơi chốn để về dẫu là lúc nửa đêm, thì không ít người lấy sông nước làm nhà. Dưới gầm cầu Chương Dương có một xóm thuyền, còn được dân buôn gọi là xóm lênh đênh. Họ đến đây từ nhiều làng quê khác nhau, tự phát lập nghiệp và mưu sinh, làm những căn chòi tạm trên bãi sông để ở, làm đủ thứ nghề để mưu sinh, từ đánh bắt cá trên sông, buôn bán, nhặt rác, chở hàng, hoặc ai thuê gì thì làm nấy. Cuộc sống sông nước cực nhọc, khiến nhiều đứa trẻ được sinh ra trên những con thuyền không giấy khai sinh, không được học hành.

Mong muốn được ngắm nhìn sông Hồng đổi thay

Hiện ven sông Hồng vẫn chưa có dự án nào thực sự lớn để khai phá dòng sông đúng với tiềm năng, quỹ đất hiện có ngoài một số cây cầu được xây dựng. Qua sông Hán, sông Chao Phraya, và nhiều con sông ở những thành phố khác, khi nghĩ vê sông Hồng, chúng tôi luôn mong muốn được nhìn thấy sông Hồng với những đổi thay, muốn được nhìn thấy sông Hồng ở giữa Thủ đô nước mình thức dậy, khoác lên vẻ đẹp hiện đại và hài hòa với thiên nhiên, bồi đắp dòng chảy lịch sử trường tồn của dân tộc.

Ngày nay, trên sông Hồng đoạn qua nội thành Hà Nội, đã có những cây cầu như cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Tuy, cầu Chương Dương, cầu Thăng Long, cầu Thanh Trì… Nhưng có vẻ như các cây cầu vẫn còn thưa thớt và cách nhau quá xa. Hà Nội còn cần rất nhiều cây cầu nữa để tạo nên hình ảnh hiện đại cho sông Hồng.

Cũng cần có những khu đô thị với những tòa nhà đẹp được xây dựng gần sát ra sông để soi bóng xuống mặt sông và tạo nên sự lung linh của ánh sáng trình diễn từ các cao ốc, cùng hòa quyện với sông tạo nên vẻ đẹp hiện đại và miên mặc. Cùng với đó, cần phải có những con đường, gồm cả đường giao thông và đường dạo bộ sát ven sông để có thể ngắm cảnh trực tiếp dòng sông, thay vì phải lội bộ xuống các bờ bãi hay đi qua các cây cầu mới nhìn thấy sông như hiện nay.

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định sông Hồng là trục không gian cảnh quan chủ đạo của Thủ đô. Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng cũng đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt, đó là điều kiện thuận lợi để phát triển sông Hồng thành trục cảnh quan quan trọng. Hiện Sở Văn hóa Thể thao và du lịch đang phối hợp với Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo “Đề án xây dựng Công viên văn hóa cảnh quan Bãi Giữa sông Hồng”.

KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam nhận định: “Việc nghiên cứu, cải tạo Bãi Giữa, bãi bồi sông Hồng thành Công viên văn hóa du lịch của Thủ đô là giải pháp mang tính đột phá nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất và lợi thế tiềm năng, vẻ đẹp tự nhiên của Bãi Giữa sông Hồng, tạo không gian mở, xanh, đáp ứng nhu cầu vui chơi và thể thao, tham quan du lịch hấp dẫn du khách, giải quyết bài toán thiếu các không gian công cộng, tăng tỷ lệ không gian xanh cho khu vực nội đô lịch sử”.

Tôi nghĩ, xây dựng Công viên văn hóa cảnh quan Bãi Giữa sông Hồng không nên chỉ tạo ra không gian xanh như mọi công viên thường thấy. Là người dân, chúng ta mong muốn những quy hoạch này sẽ nhanh được triển khai, để sông Hồng – Hà Nội chuyển mình. Phát triển cảnh quan sông Hồng cũng cần tạo ra nét riêng, khác biệt với các thành phố khác trên thế giới. Ấy là, cần phát huy nét đặc sắc của các làng hoa, các vườn hoa ven sông hiện có.

TP. Hà Nội nên chú trọng phát triển những công viên hoa từ cơ sở mô hình các vườn hoa, làng hoa hiện nay. Có thể đó vẫn là những vườn hoa tư nhất phát triển thành công viên hoa tư nhân, hoặc các công viên hoa công cộng do nhà nước đầu tư, nhưng nên tạo thành các hệ sinh thái vườn hoa với đủ sắc màu. Để sau này, khi những du thuyền đưa du khách đi dọc sông Hồng, sẽ được chiêm ngưỡng những đô thị và đường sá hiện đại, những tòa cao ốc vươn lên từ hai bờ sông tràn ngập muôn sắc hoa rực rỡ.

Tin mới lên