Bất động sản

Quảng Nam cấp giấy chứng nhận đầu tư KCN Tam Thăng mở rộng quy mô gần 250ha

(VNF) - UBND tỉnh Quảng Nam vừa có quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Tam Thăng mở rộng.

Quảng Nam cấp giấy chứng nhận đầu tư KCN Tam Thăng mở rộng quy mô gần 250ha

Khu công nghiệp Tam Thăng.

Theo đó, quyết định này dựa vào đề nghị của Ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh, theo thống nhất của Chủ tịch, các phó chủ tịch UBND tỉnh, tỉnh Quảng Nam thống nhất quy mô diện tích đất của dự án là 242 ha; thời gian thực hiện phân thành 3 giai đoạn.

UBND tỉnh Quảng Nam giao Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh chủ trì hướng dẫn Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Chu Lai (Cizidco) hoàn chỉnh các thủ tục liên quan và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án theo quy định. 

Cùng với đó, Cizidco phải chịu trách nhiệm phối hợp, làm việc với Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh để cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu và triển khai dự án đúng quy định.

Trước đó, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Tam Thăng mở rộng, tỉnh Quảng Nam.

Theo đó, dự án khu công nghiệp Tam Thăng mở rộng có diện tích 248,9ha, được triển khai tại xã Bình Nam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 768 tỷ đồng.

Quyết định cũng nêu rõ UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương chuyển đổi mục đích rừng theo quy định của Luật Lâm nghiệp và các Nghị định hướng dẫn; đảm bảo tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo, các nội dung thẩm định theo quy định của pháp luật; triển khai thực hiện dự án phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đồng thời, kiểm tra, xác định nhà đầu tư đáp ứng điều kiện được Nhà nước cho thuê đất; bảo đảm điều kiện được Nhà nước cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đất đai.

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam phải có kế hoạch bổ sung diện tích đất hoặc tăng hiệu quả đất trồng lúa khác để bù lại phần đất trồng lúa bị chuyển đổi theo quy định tại Điều 134 Luật Đất đai; có phương án trồng rừng thay thế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc sau khi hoàn thành trách nhiệm nộp tiền trồng rừng thay thế theo quy định tại khoản 4 Điều 19 Luật Lâm nghiệp.

Tỉnh Quảng Nam có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan có liên quan cập nhật vị trí và quy mô diện tích sử dụng đất của khu công nghiệp Tam Thăng mở rộng vào quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh 05 năm 2021 - 2025, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021 - 2030, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về quy hoạch và pháp luật khác có liên quan.

Ngoài ra, Thủ tướng giao UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức thực hiện thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án phù hợp với các văn bản đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt về quy mô diện tích, địa điểm và tiến độ thực hiện dự án; đảm bảo không có tranh chấp, khiếu kiện về quyền sử dụng địa điểm thực hiện dự án.

Như vậy, so với đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 khu công nghiệp Tam Thăng mở rộng mà tỉnh Quảng Nam từng trình lên Bộ Xây dựng, diện tích đã giảm hơn 140ha.

Khu công nghiệp sẽ tập trung thu hút các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường nội địa và xuất khẩu.

Các ngành nghề dự kiến tập trung thu hút cụ thể là sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất thiết bị điện; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu; sản xuất giường tủ, bàn ghế; công nghiệp chế biến, chế tạo khác; sản xuất thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh; thoát và xử lý nước thải; các sản phẩm công nghiệp phụ trợ ngành cơ khí và công nghiệp phụ trợ ngành ô tô.

Khu công nghiệp Tam Thăng mở rộng sẽ không thu hút các ngành nghề như may, dệt may, nhựa plastic, sản xuất nông dược, thuốc thú y, cơ khí, động cơ... và hạn chế các ngành nghề ô nhiễm môi trường, ưu tiên các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, sử dụng đất thấp.

Tin mới lên