Bất động sản

Quảng Ninh: 7 năm nỗ lực để 'rộng đường' thu hút đầu tư

(VNF) - Trục cao tốc dọc tỉnh nối liền Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái là tuyến đường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc khơi thông kết nối liên kết vùng; rút ngắn về khoảng cách và thời gian, mở rộng không gian phát triển; khơi thông và thúc đẩy tiềm năng các khu vực động lực; tạo thế mạnh trong thu hút đầu tư.

Ngày 1/9/2022 là mốc thời gian quan trọng đánh dấu sự kiện Quảng Ninh hoàn thành trục cao tốc dọc tỉnh, nối địa đầu Tổ quốc TP. Móng Cái với Thủ đô Hà Nội sau 7 năm nỗ lực xây dựng và hoàn thiện. 7 năm là quãng thời gian đầy khó khăn, thử thách trong xây dựng tuyến cao tốc đầu tiên của Quảng Ninh. Trước đó, năm 2015 Quảng Ninh bắt tay vào làm cao tốc Hạ Long - Hải Phòng kết nối với tuyến cao tốc Hải Phòng - Hà Nội dài 25,2km.

Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng phân tích, tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng hết sức khác biệt, nó góp phần thúc đẩy liên kết vùng tam giác kinh tế phía Bắc, mở rộng không gian phát triển cho toàn khu vực; rút ngắn thời gian di chuyển - là tài nguyên quý giá của con người; cầu Bạch Đằng là cây cầu “made in Việt Nam”, khẳng định tự lực, tự cường, tự làm chủ công nghệ của người Việt Nam; minh chứng cụ thể nhất cho tư duy dám nghĩ, dám làm của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh.

Để xây dựng lên tuyến cao tốc này, Quảng Ninh đã vượt qua vô vàn khó khăn. Tỉnh đã mạnh dạn huy động nguồn lực theo phương thức PPP, tự cân đối ngân sách tỉnh để xây dựng đường cao tốc. Cách mà Quảng Ninh gỡ khó về nguồn lực để làm những công trình này, được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao và cho là bài học quý mà các địa phương khác cần học tập.

Với tư duy sáng tạo và đổi mới, Quảng Ninh đã sớm định vị được vị trí, vai trò của mình trong khu vực và liên vùng. Từ đó tiếp tục khẳng định đầu tư hoàn thiện hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, là một trong 3 đột phá chiến lược, nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt.

Từ hạ tầng giao thông đồng bộ, Quảng Ninh đã hình thành chuỗi mắt xích quan trọng để có thể khai thác được thế mạnh riêng của từng khu vực, hình thành mô hình liên kết kinh tế tiểu vùng, bù đắp những thiếu hụt mà mỗi địa phương đang tìm kiếm.

Chẳng hạn, các khu công nghiệp có thể kết nối nhanh nhất tới cảng biển, cửa khẩu, nguồn nhân lực, tạo ra chuỗi cung ứng sản xuất, đáp ứng nhiều sản phẩm kết hợp, chuỗi kinh tế hỗ trợ để cùng phát triển, hình thành cộng đồng doanh nghiệp mạnh, tạo không gian phát triển mới...

Đặc biệt, trục cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái không chỉ mang ý nghĩa về giao thông, còn được kỳ vọng trở thành biểu tượng về du lịch, phát triển của Quảng Ninh khi đây là tuyến cao tốc có ý nghĩa kết nối liên vùng, liên quốc gia. Cao tốc kết nối hàng loạt KCN, các đô thị... nối liền 3 sân bay quốc tế (Nội Bài, Cát Bi, Vân Đồn) và hệ thống các cảng biển quốc tế, tạo ra một vùng có tổng diện tích tự nhiên gấp 3 lần Thủ đô Hà Nội, 5 lần TP. HCM và 8 lần TP. Đà Nẵng.

Chuỗi liên kết này sẽ giúp các tỉnh phá được rào cản bất lợi trong phát triển, nâng cao vị thế trong khu vực và cả nước, tác động mạnh tới giao thương, vận tải hàng hoá, phát triển du lịch, thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm cho người dân... ; rút ngắn khoảng cách giao thông góp phần làm giảm cước phí vận tải, giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Quảng Ninh đang là một trong những địa phương dẫn đầu về tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại bảo đảm liên thông, tổng thể. Điều này góp phần thúc đẩy liên kết vùng, hợp tác hóa lãnh thổ, tạo những hành lang, không gian phát triển mới, được tính toán, cân nhắc với kiến tạo cảnh quan - kiến trúc công trình mang dấu ấn bản sắc địa phương.

Đây chính là điểm cộng, động lực quan trọng hấp dẫn các nhà đầu tư, để hình thành chuỗi sản phẩm kinh tế có chất lượng cao.

Tin mới lên