Tiêu điểm

Quy định phòng cháy chữa cháy: Khó vẫn phải làm nếu không muốn đóng cửa nhà máy

(VNF) - Nhiều doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp cho rằng, các quy định về phòng cháy chữa cháy đang khiến doanh nghiệp phát sinh thêm chi phí và mất thêm thời gian nhưng họ không thể không thực hiện nếu muốn tiếp tục làm dự án.

Quy định phòng cháy chữa cháy: Khó vẫn phải làm nếu không muốn đóng cửa nhà máy

Một vụ cháy nhà xưởng lớn ở Bình Dương.

Tăng chi phí và tốn thêm thời gian

Theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định về điều kiện đảm bảo PCCC chưa khoa học; chưa phân loại theo mức độ rủi ro của ngành nghề sản xuất, kinh doanh… Điều này làm tăng chi phí quá mức cho doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã và đang sản xuất, kinh doanh nhiều năm buộc phải tạm dừng hoạt động do không đáp ứng được các yêu cầu về PCCC. 

Ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Bình Định cho hay, toàn ngành gỗ nói chung và các doanh nghiệp gỗ nói riêng đang vướng mắc rất nhiều về PCCC, đặc biệt là Nghị định 136/2020/NĐ-CP và Quy chuẩn 06022 của Bộ Xây dựng.

Qua tổng kiểm tra của Bộ Công an, có rất nhiều doanh nghiệp bị phạt về PCCC. Ngoài mức xử phạt hành chính từ 80 - 90 triệu đồng/cơ sở, với những lỗi liên quan đến PCCC trong đầu tư xây dựng thì doanh nghiệp bị áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động nhà máy. Đặc biệt việc xuất hàng sang thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Úc cần phải có các chứng chỉ, trong đó ngoài tác động môi trường thì PCCC là một tiêu chí.

Ông Thiện đề nghị, rà soát các tiêu chuẩn PCCC đã ban hành từ lâu, không còn phù hợp, tiếp tục rà soát QCVN 0622 của Bộ Xây dựng và đề nghị Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung các quy định về PCCC theo hướng phù hợp với năng lực và điều kiện của đa số doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ trong điều kiện nền kinh tế đang phát triển, chuyển đổi sản xuất từ tiểu thủ công nghiệp sang hiện đại.

Ngoài ra, một số công trình đã xây dựng và đưa vào hoạt động theo diện thu hút đầu tư của nhà nước, hiện hầu hết các công trình này không thể đáp ứng quy định tiêu chuẩn hiện hành về khoảng cách an toàn chữa cháy, khoảng cách đường ranh giới khu đất. Như vậy, doanh nghiệp khó có thể đáp ứng theo tiêu chuẩn và quy chuẩn.

“Nếu yêu cầu chủ doanh nghiệp khắc phục các tồn tại theo kiến nghị của cơ quan công an để duy trì đảm bảo theo tiêu chuẩn, quy chuẩn tại thời điểm cơ sở được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC và đưa vào hoạt động, như thiếu hệ thống, phương tiện PCCC, hệ thống nhà xưởng, kiến trúc trước đây, giờ bắt chỉnh sửa lại theo yêu cầu mới là không thể làm được”, ông Thiện nói.

Tuy nhiên, nếu không muốn dừng nhà máy, tiếp tục được sản xuất thì phải đáp ứng các yêu cầu mới về phòng cháy, chữa cháy. Tình thế này khiến DN rối bời.

Theo phản ánh của Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, các doanh nghiệp thành viên của họ cũng gặp vướng mắc với việc thay đổi quy định về PCCC khi mở rộng nhà máy đang hoạt động. Giấy phép PCCC và giấy phép hoàn công đã được cấp khi xây dựng nhà máy ban đầu khác biệt với quy định hiện hành.

Theo đó, khi mở rộng nhà máy, doanh nghiệp phải thực hiện quy định hiện hành đối với cả nhà máy đã xây dựng trước đây (vẫn đang trong quá trình vận hành). Những vướng mắc này dẫn đến tăng chi phí và kéo dài thời gian cấp phép cho doanh nghiệp.

Khó hạ chuẩn về PCCC

Trước đó, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Dương Thanh Bình cho hay, gần đây cử tri quan tâm và phản ánh còn nhiều điều kiện kinh doanh quy định chung chung, thiếu minh bạch, bất hợp lý, trong đó có tình trạng công tác PCCC được siết chặt đối với hàng loạt ngành nghề sản xuất, kinh doanh.

Giải trình về nội dung này, trung tướng Lê Quốc Hùng - Thứ trưởng Bộ Công an nói hiện nay có rất nhiều thông tin, kiến nghị liên quan đến lĩnh vực này. Tuy nhiên áp dụng vào các quy định pháp luật hiện nay thì cần phải nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự phải chấp hành nghiêm quy định về PCCC.

"Nếu chúng ta hạ mức quy định về PCCC thì hậu quả liên quan đến an ninh trật tự rất lớn và liên quan đến tính mạng, tài sản của người dân", Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nói.

Thứ trưởng Bộ Công an nêu rõ trong trường hợp cụ thể, bộ xin tiếp thu và sẽ có nghiên cứu để đề xuất với các cấp có thẩm quyền có thể thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp.

"Vấn đề ở đây là phải tăng cường tính tự giác trong việc chấp hành, tuân thủ các quy định về PCCC. Người đứng đầu các cơ sở trọng điểm, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và các hộ kinh doanh cá thể phải thường xuyên có ý thức tổ chức, kiểm tra các điều kiện an toàn về PCCC", ông Hùng nói.

Tin mới lên