Thị trường

'Quy định xuất xứ hàng hóa xuất, nhập khẩu tạo gánh nặng về chi phí'

(VNF) - Góp ý về việc sửa đổi Dự thảo Thông tư quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, VCCI cho rằng các quy định của dự thảo này đang tạo ra gánh nặng về chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp và làm giảm ý nghĩa của hoạt động cấp C/O cũng như kiểm tra, xác minh của cơ quan, tổ chức cấp C/O.

'Quy định xuất xứ hàng hóa xuất, nhập khẩu tạo gánh nặng về chi phí'

VCCI cho rằng các quy định của dự thảo này đang tạo ra gánh nặng về chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp và làm giảm ý nghĩa của hoạt động cấp C/O cũng như kiểm tra, xác minh của cơ quan, tổ chức cấp C/O.

VCCI vừa có văn bản trả lời Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Nhiều quy định cần phải cân nhắc

Theo quy định tại Dự thảo, cơ quan hải quan sẽ thực hiện thủ tục để xác định trước xuất xứ hàng hóa đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu (theo đề nghị của tổ chức, cá nhân xuất khẩu, nhập khẩu); kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu (bao gồm cả hàng hóa đã được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa và hàng hóa chưa có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa).

Hiện nay, theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại thương, Bộ Công Thương hoặc Tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền sẽ là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) và thực hiện kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu.

Như vậy, sẽ có trường hợp, doanh nghiệp được cấp C/O sẽ phải chịu sự giám sát, kiểm tra, xác minh của nhiều cơ quan cùng một lúc (cơ quan cấp C/O và cơ quan hải quan) gây ra sự chồng chéo trong quản lý và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Để hạn chế tình trạng này, các quy định tại Dự thảo cần thiết kế theo hướng, cơ quan hải quan không tiến hành kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa đối với những hàng hóa mà cơ quan, tổ chức cấp C/O đã kiểm tra, xác minh.

Tuy nhiên, khi rà soát Dự thảo, VCCI nhận thấy có một số quy định chưa đảm bảo nguyên tắc trên, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét.

Doanh nghiệp được cấp C/O có thể phải tiếp 2 đoàn thanh kiểm tra

Theo quy định tại điểm c.5 khoản 1 Điều 6 Dự thảo, trường hợp người khai hải quan “xuất trình chứng từ chứng minh không đúng thời hạn quy định” (10 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của cơ quan hải quan), Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan báo cáo, đề xuất Cục Hải quan tỉnh, thành phố tiến hành kiểm tra, xác minh tại cơ sở sản xuất hàng hóa xuất khẩu.

Theo VCCI, quy định này được hiểu, trường hợp người khai hải quan có C/O nhưng không xuất trình trong thời hạn quy định, cơ quan hải quan sẽ tiến hành kiểm tra, xác minh tại cơ sở sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Tại Điều 8 Dự thảo về kiểm tra tại cơ sở sản xuất hàng hóa xuất khẩu, không thấy có quy định về sự phối hợp giữa cơ quan hải quan và cơ quan, tổ chức cấp C/O trong việc kiểm tra, xác minh tại cơ sở sản xuất hàng hóa xuất khẩu.

Cũng theo VCCI, quy định tại Thông tư 39/2018/TT-BCT, cơ quan, tổ chức cấp C/O sẽ tiến hành kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa tại cơ sở sẩn xuất theo xác suất, định kỳ hoặc có lý do nghi ngờ gian lận xuất xứ (khoản 2 Điều 13). “Cơ quan chức năng khác trong nước đề nghị phối hợp khi có lý do nghi ngờ hoặc phát hiện dấu hiệu gian lận xuất xứ hàng hóa” (khoản 3 Điều 11).

Từ lập luận trên, VCCI cho rằng quy định trên tại Dự thảo có thể sẽ dẫn tới trường hợp, doanh nghiệp đã được cấp C/O sẽ phải tiếp hai đoàn kiểm tra xuất xứ hàng hóa từ hai cơ quan, tổ chức khác nhau. Để hạn chế tình trạng này, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung quy định trên theo hướng, cơ quan hải quan sẽ thông báo tới cơ quan, tổ chức cấp C/O để phối hợp kiểm tra, xác minh cơ sở sản xuất. Trong trường hợp trước đó, cơ quan, tổ chức cấp C/O đã kiểm tra, xác minh cơ sở sản xuất thì sẽ thông báo cho cơ quan hải quan về kết quả xác minh, kiểm tra.

Lo ngại chồng chéo giữa các hoạt động

Khoản 2 Điều 9 Dự thảo quy định “căn cứ thông tin, hồ sơ, chứng từ, tài liệu, dữ liệu, kết quả xác minh tại cơ quan, tổ chức cấp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, kết quả kiểm tra tại cơ sở sản xuất, nội dung giải trình của người khai hải quan”, cơ quan hải quan xử lý như sau: “trường hợp không đủ cơ sở chứng minh nội dung khai xuất xứ hàng hóa là phù hợp, cơ quan hải quan căn cứ vào các hồ sơ hiện có xử lý vi phạm theo quy định và yêu cầu người khai hải quan khai bổ sung xuất xứ chính xác theo kết quả kiểm tra, xác minh, xác định xuất xứ hàng hóa của cơ quan hải quan, đồng thời thông báo kết quả kiểm tra xác minh xuất xứ cho cơ quan có thẩm quyền cấp C/O để biết”.

Theo VCCI, quy định này có thể đưa đến cách hiểu, cơ quan hải quan sẽ tiến hành kiểm tra, xác minh kể cả trong trường hợp cơ quan, tổ chức cấp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa đã cấp C/O, và hoặc đã kiểm tra, xác minh tại cơ sở sản xuất. Điều này sẽ tạo ra gánh nặng về chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp và làm giảm ý nghĩa của hoạt động cấp C/O cũng như kiểm tra, xác minh của cơ quan, tổ chức cấp C/O.

Mặt khác, VCCI cho rằng việc cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra, xác minh trong trường hợp hàng hóa của người khai hải quan đã được cấp C/O, đã được kiểm tra, xác minh bởi cơ quan, tổ chức cấp C/O có thể sẽ có trường hợp kết quả xác minh, kiểm tra của cơ quan hải quan và tổ chức cấp C/O khác nhau. Trường hợp này thì kết quả nào sẽ được công nhận và sử dụng? Và căn cứ vào đâu để xác định việc lựa chọn đó?

Để đảm bảo tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và tránh chồng chéo giữa hoạt động của các cơ quan, tổ chức, VCCI đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh quy định rõ ràng theo hướng, cơ quan hải quan chỉ kiểm tra, xác minh các trường hợp hàng hóa chưa được cấp C/O; trong trường hợp hàng hóa đã được cấp C/O thì sử dụng kết quả kiểm tra, xác minh của cơ quan, tổ chức cấp C/O.

Tin mới lên