Tài chính quốc tế

Quyết đấu với TT Putin, phương Tây mất 10.000 tỷ USD còn Nga âm thầm giàu lên

(VNF) - Khả năng trụ vững của kinh tế Nga một lần nữa khiến thế giới bất ngờ khi mới đây báo cáo của Ngân hàng Đầu tư Thụy Sĩ UBS cho thấy Nga là một trong số ít các quốc gia trở nên giàu có hơn vào năm 2022 bất chấp loạt lệnh trừng phạt khắc nghiệt của phương Tây.

Quyết đấu với TT Putin, phương Tây mất 10.000 tỷ USD còn Nga âm thầm giàu lên

Nga là một trong số ít các quốc gia trở nên giàu có hơn vào năm 2022 bất chấp loạt lệnh trừng phạt khắc nghiệt của phương Tây.

Nga giàu lên bất chấp hơn 11.000 lệnh cấm vận

"Báo cáo tài sản toàn cầu hàng năm" vừa được UBS công bố cho thấy số lượng triệu phú Nga tăng khoảng 56.000 lên 408.000 vào năm 2022, năm đầu tiên mà chiến sự Ukraine nổ ra.

Trong đó, số lượng cá nhân siêu giàu (những người có tài sản trên hơn 50 triệu USD) đã đạt mốc gần 4.500 người. Tổng tài sản của Nga có thể đã tăng lên 600 tỷ USD vào năm ngoái.

Cũng theo Ngân hàng UBS, mặc dù “rất khó xác định xu hướng giàu lên ở Nga tại thời điểm này”, nhưng phải thừa nhận thực tế rằng Nga là một trong số ít các nước trở nên giàu có hơn vào năm 2022 dù nước này phải vật lộn với những khó khăn về kinh tế do các lệnh trừng phạt, cấm vận của phương Tây.

Theo lý giải của một số chuyên gia, thu nhập từ giá dầu tăng là động lực kinh tế chính của Moscow. Theo Refinitiv, giá bán của một thùng dầu Urals đã tăng khoảng 7 USD vào năm ngoái.

Trong nửa đầu năm nay, kinh tế Nga tiếp tục khởi sắc khi dữ liệu của Cục Thống kê Liên bang Nga (Rosstat) mới đây cho thấy GDP của Nga trong quý II vừa qua đã tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức dự báo tăng 3,9%.

Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), dầu của Nga đã được bán trên mức giá trần 60 USD/thùng mà nhóm G7 đưa ra trong suốt tháng 7, giúp Nga đạt doanh thu từ dầu mỏ cao nhất trong 8 tháng. Đây được xem là một đòn giáng mạnh vào nỗ lực áp đặt các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Có thể thấy, bất chấp hơn 11.000 lệnh trừng phạt, Nga đã không rơi vào thảm họa kinh tế như Phương Tây dự tính mà còn đang phục hồi và tăng trưởng.

Phương Tây hao tổn tài sản

Báo cáo của UBS cho thấy trong năm 2022, tài sản trên toàn cầu lần đầu tiên suy giảm kể từ cuộc Đại suy thoái năm 2008. Trong đó, Mỹ là nước chứng kiến tổng tài sản “bốc hơi” nhiều nhất toàn cầu, ước tính khoảng 5,9 nghìn tỷ USD. Xếp sau Mỹ là Canada, Australia, Nhật Bản và Trung Quốc.

Cũng theo báo cáo, cả Bắc Mỹ và châu Âu cộng lại đã tổn thất 10,9 nghìn tỷ USD trong năm ngoái.

Mỹ cũng giảm đi hơn 1 triệu số người là triệu phú vào cuối năm 2022, mặc dù họ vẫn chiếm hơn 50% số người có giá trị tài sản ròng cao nhất trên thế giới.

Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine diễn ra, Liên minh châu Âu (EU) và các đồng minh như Mỹ, Anh và Nhật Bản đã giàng loạt đòn trừng phạt lên Nga, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng nhằm ngăn hạn chế nguồn thu của Nga để tài trợ cho chiến sự.

Tuy nhiên, cục diện chênh lệch cung - cầu năng lượng tăng do hao hụt nguồn cung từ Nga đã tác động toàn diện tới nền kinh tế của Lục địa già. Giá khí đốt, giá điện tăng mạnh làm suy yếu năng lực tiêu dùng tư nhân, hộ gia đình và giảm thiểu thu nhập khả dụng của người dân châu Âu.

Vừa mới chịu tác động của đại dịch Covid-19 lại thêm tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng, khiến cho chi phí doanh nghiệp tăng vọt, môi trường kinh doanh xấu đi nghiêm trọng, tình trạng doanh nghiệp cắt giảm quy mô sản xuất, ngừng sản xuất gia tăng  dẫn tới làn sóng phá sản tại châu Âu tăng mạnh.

Xem thêm >> Tính ‘xử đẹp’ Nga bằng đòn giáng kinh tế, phương Tây nhận về thất vọng

Tin mới lên