Rủi ro kế hoạch 'thay máu' nền kinh tế của Arab Saudi
Lê Anh -
04/10/2023 00:05 (GMT+7)
(VNF) - Đi được nửa chặng đường, “Tầm nhìn 2030” đã đạt được những bước tiến dài trong việc đa dạng hóa nền kinh tế Arab Saudi. Tuy nhiên, bên cạnh những diễn biến khả quan, nhiều nhà kinh tế vẫn tỏ ra nghi ngờ về sự thành công của dự án cải cách đầy tham vọng này. Một trong những vấn đề khiến họ quan ngại nhiều nhất chính là nguồn kinh phí cho các siêu công trình hàng trăm tỷ USD.
Nỗ lực “thoát ly” dầu mỏ
Việc phát hiện ra mỏ dầu lớn nhất thế giới ở Dhahran, tỉnh miền đông Arab Saudi, vào những năm 1930 là bước ngoặt biến đất nước này từ vùng đất sa mạc khô cằn với các bộ lạc du mục trở thành trung tâm quyền lực của Trung Đông và có tầm ảnh hưởng đối với cả thế giới.
Dù vậy, Hoàng gia Arab Saudi nhận thức sâu sắc rằng nguồn cung dầu mỏ không vô tận. Theo các nhà phân tích, với tốc độ khai thác hiện tại, trữ lượng dầu của nước này sẽ chỉ kéo dài thêm khoảng 60 năm nữa. Do đó, họ tìm cách gia tăng nguồn thu phi dầu mỏ, nhất là trong bối cảnh cuộc khủng hoảng khí hậu thúc đẩy các quốc gia dần từ bỏ nhiên liệu hóa thạch để hướng tới năng lượng sạch.
Thêm vào đó, Thái tử Mohammed bin Salman, cũng là thủ tướng của Arab Saudi, hiện đang nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế để tạo cơ hội cho lao động trẻ. Theo một cuộc điều tra dân số năm 2022, dân số Arab Saudi đã tăng 1/3 trong 13 năm và hơn một nửa số người Arab Saudi là dưới 30 tuổi. Tỷ lệ thanh niên muốn gia nhập lực lượng lao động tăng cao là một trong những thách thức lớn nhất của vị thái tử 38 tuổi này.
Sau gần một thế kỷ phụ thuộc vào nguồn tài nguyên dầu mỏ, Arab Saudi đang nỗ lực xây dựng một kế hoạch lớn nhằm “thay máu” cho nền kinh tế. Kế hoạch mang tên “Tầm nhìn 2030” do Thái tử Mohammed công bố năm 2016 đã mở ra một hướng đi mới cho nền kinh tế nước này.
Arab Saudi đặt mục tiêu thực hiện thành công ba mũi nhọn đầy tham vọng là tạo ra một nền kinh tế không còn phụ thuộc vào dầu mỏ, cải thiện cuộc sống của gần 40 triệu dân và giữ vững vị thế của mình trên trường quốc tế.
Giáo sư Simon Mabon, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Chính sách Đối ngoại ở London (Anh), cho biết: “Đây không chỉ là việc đa dạng hóa nền kinh tế mà còn là chuyển đổi xã hội với mục tiêu tạo ra một nền kinh tế linh hoạt có thể ứng phó với những thách thức của thế giới hiện đại”.
Arab Saudi muốn tăng tỷ trọng xuất khẩu phi dầu mỏ trong GDP từ 18,7% lên 50%. Quốc gia Trung Đông này đẩy mạnh đầu tư cả trong và ngoài nước. Các khoản đầu tư chủ yếu được thực hiện bởi Quỹ Đầu tư công (PIF), quỹ đầu tư quốc gia hùng mạnh do Thái tử Mohammed bin Salman và thống đốc quỹ Yasir Al-Rumayyan đứng đầu. Quỹ này quản lý khoảng 620 tỷ USD và đặt mục tiêu tăng trưởng số tài sản này lên hơn 1.000 tỷ USD vào năm 2025.
Quỹ PIF đã chi hàng tỷ USD cho các ngôi sao bóng đá, golf, các khu du lịch và giải trí hàng đầu thế giới cũng như các mặt hàng xe điện, với mục đích thúc đẩy kế hoạch phát triển kinh tế tới năm 2030.
Ngoài ra, nước này cũng hướng tới cải thiện điều kiện kinh doanh, phát triển các lĩnh vực dịch vụ như y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ công và tăng cường du lịch tôn giáo…
Loạt dự án trăm tỷ USD
Dự án được Arab Saudi xem là xương sống của “Tầm nhìn 2023” chính là siêu đô thị NEOM, một thành phố sinh thái khổng lồ có tổng diện tích hơn 26.500km2 trên bờ Biển Đỏ, tức lớn gấp 33 lần thành phố New York của Mỹ. Thái tử Mohammed đặt kỳ vọng đây sẽ là điểm thu hút du lịch, trung tâm công nghệ và đổi mới toàn cầu.
NEOM được hình thành nhờ khoản đầu tư khoảng 500 tỷ USD từ Chính phủ Arab Saudi, quỹ PIF, cùng các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Dự án NEOM là giải pháp đô thị mới mà theo công bố nhằm thực hiện các cam kết phát triển xanh và bền vững, không gây hại tới môi trường của nước này, hướng đến mục tiêu đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060.
Trong đó, khu dân cư được quy hoạch chính của NEOM là The Line, một thành phố hoàn toàn khép kín, cao 500m, rộng 200m và dài 170km. Các nhà thiết kế khẳng định The Line sẽ được vận hành hoàn toàn bằng năng lượng sạch, không có ô tô, không có đường phố và không có lượng khí thải carbon. Thiên đường công nghệ này sẽ có robot phục vụ, có taxi bay và mặt trăng nhân tạo khổng lồ.
Nói cách khác, The Line tượng trưng cho mọi thứ mà Arab Saudi đặt ra cho “Tầm nhìn 2030”, đó là cam kết hướng tới một tương lai hậu dầu mỏ, xây dựng những không gian đáng sống với cơ hội kinh tế cao và đặt ra tiêu chuẩn về một thành phố tương lai cho những nơi khác trên thế giới noi theo.
The Line hứa hẹn đủ sức cạnh tranh với các thành phố vùng Vịnh như Dubai và Abu Dhabi để trở thành một điểm nóng du lịch và định hình lại nền kinh tế Arab Saudi. Một quan chức Arab Saudi cho biết gần 20% cơ sở hạ tầng The Line đã được hoàn thành và các công việc đang tiến triển theo đúng tiến độ. Theo Thái tử Mohammed, dự án khổng lồ này có thể hoàn thiện vào năm 2030.
Ngoài The Line, thành phố cảng hình bát giác Oxagon, khu nghỉ dưỡng trượt tuyết trên sa mạc Trojena và hòn đảo nghỉ dưỡng trên Biển Đỏ Sindalah cũng là những dự án đã được công bố nằm trong siêu đô thị NEOM.
Một lĩnh vực trọng tâm chính khác của Arab Saudi là thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực công nghệ tài chính. Nước này tham vọng tăng số lượng công ty fintech hoạt động trong nước lên hơn 500 công ty vào năm 2030. Thái tử Mohammed mới đây cũng đã thành lập một quỹ trị giá 200 triệu USD để đầu tư vào các công ty công nghệ cao trong nước và quốc tế như một phần trong kế hoạch đa dạng hóa kinh tế của vương quốc.
Kết quả khả quan
Giống như nhiều quốc gia khác trên toàn cầu, nền kinh tế Arab Saudi gặp khó khăn khi đại dịch Covid-19 bùng nổ vào năm 2020. Tuy nhiên, đất nước này đã lập tức “lấy lại phong độ” sau khi đại dịch kết thúc. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, GDP của Arab Saudi lần đầu tiên đã vượt mốc 1.000 tỷ USD vào năm ngoái, trong khi thu nhập bình quân đầu người ở mức 30.436 USD, tăng khoảng 50% chỉ sau hai năm.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá cao triển vọng kinh tế và tài chính của Arab Saudi trong ngắn hạn nhờ kế hoạch chiến lược “Tầm nhìn 2030”. Trong một báo cáo gần đây về nền kinh tế Arab Saudi, IMF cho biết Arab Saudi là nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong nhóm G20 với mức tăng trưởng 8,7%. Trong đó, tăng trưởng GDP phi dầu mỏ là 4,8% do giá năng lượng toàn cầu cao cũng như sự bùng nổ trong các lĩnh vực như xây dựng và vận tải.
Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên đã giảm một nửa (16,8% vào năm 2022), trong khi tỷ lệ tham gia lực lượng lao động nữ đạt 36% vào năm 2022, vượt mục tiêu 30% do chính phủ Arab Saudi đặt ra trong “Tầm nhìn 2030”.
Theo IMF, thương mại bán buôn, bán lẻ, xây dựng và vận tải là những lĩnh vực chính thúc đẩy tăng trưởng GDP phi dầu mỏ của Arab Saudi. Trong quý II vừa qua, các hoạt động phi dầu mỏ tăng 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái, nêu bật sự thành công của các nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế của nước này.
IMF đặc biệt đánh giá cao quá trình chuyển đổi kinh tế do nước này thực hiện, trong khuôn khổ “Tầm nhìn 2030”, nhằm giảm sự phụ thuộc kinh tế vào xuất khẩu dầu mỏ. Các tổ chức quốc tế cũng ca ngợi 2 sáng kiến mang tên “Arab Saudi xanh” và “Trung Đông xanh” của Arab Saudi. Những sáng kiến này đi kèm với những dự án cụ thể, đầy tham vọng, trong đó đặc biệt là kế hoạch trồng rừng quy mô lớn nhất thế giới với mục tiêu biến “mảnh đất sa mạc Trung Đông cằn cỗi” trở nên tươi xanh hơn.
Rủi ro bủa vây
Có những tín hiệu trái ngược nhau về việc liệu những nỗ lực của Arab Saudi có được đền đáp hay không. Giáo sư Simon Mabon cho biết hầu hết người dân Arab Saudi đều ủng hộ Thái tử Mohammed bin Salman và tin tưởng vào những cam kết mà ông đặt ra trong “Tầm nhìn 2030”.
Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát tỏ ra hoài nghi về sự thành công của dự án. Đối với nhiều người trên thế giới, các siêu dự án ở Trung Đông có vẻ chẳng khác gì một “màn trình diễn phô trương sự giàu có”. Ông Farea Al-Muslimi, một nhà nghiên cứu của Chatham House, cho hay “không có gì đảm bảo siêu dự án này sẽ thành công, đó là một rủi ro lớn”.
Chia sẻ với Business Insider, nhiều chuyên gia cho rằng “Tầm nhìn 2030” có nguy cơ tạo ra căng thẳng sâu sắc hơn giữa Arab Saudi và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất khi họ tranh giành vị trí đứng đầu kinh tế của khu vực, trong khi dự án phải mất nhiều năm để mang lại thành quả.
Yếu tố then chốt có thể quyết định sự thành công của dự án này là sức hấp dẫn của Arab Saudi đối với phương Tây. Trong bối cảnh thời hạn cho “Tầm nhìn 2030” đang đến gần, Arab Saudi cần có nhiều kinh phí hơn bao giờ hết để hoàn thành các siêu dự án. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư nước ngoài vẫn rất hạn chế so với mức mà nước này kỳ vọng.
Quốc gia Trung Đông đặt mục tiêu thu hút 100 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hàng năm vào năm 2030. Dù vậy, trong năm ngoái, FDI chảy vào nước này giảm mạnh 60% so với năm 2021, xuống còn 7,9 tỷ USD.
Điều đó cho thấy các nhà đầu tư phương Tây còn nhiều quan ngại về môi trường đầu tư của Arab Saudi, cũng chưa thực sự đặt niềm tin vào Thái tử Mohammed bin Salman và chương trình cải cách đầy tham vọng của ông. Mặc dù doanh thu phi dầu mỏ tăng 9% trong quý đầu tiên của năm nay, nhưng gần 2/3 thu nhập của Arab Saudi vẫn đến từ việc bán nhiên liệu hóa thạch. Thêm vào đó, nền kinh tế Arab Saudi dự kiến sẽ chậm lại rõ rệt trong năm nay do Bộ Năng lượng Arab Saudi Arabia đầu tháng 9 cho biết nước này sẽ gia hạn mức cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện lên tới một triệu thùng mỗi ngày cho đến cuối năm 2023.
Theo Business Insider, Arab Saudi đang cố gắng giảm sự phụ thuộc vào doanh thu từ dầu mỏ nhưng rõ ràng đây vẫn là một thách thức đối với nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới. Mức tăng trưởng kinh tế 8,7% của nước này trong năm ngoái là do giá dầu tăng cao. Arab Saudi đang mở hầu bao để đầu tư hàng tỷ USD cho mọi thứ từ thể thao đến truyền thông và giải trí. Tuy nhiên do khoản lỗ kỷ lục của SoftBank Vision Fund, nhận đầu tư 45 tỷ USD từ Arab Saudi, cùng sự suy thoái thị trường trên diện rộng, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, PIF đã phải hứng chịu khoản lỗ 15,6 tỷ USD trong năm 2022.
Bảy năm sau khi công bố Tầm nhìn 2030, Arab Saudi đã đi được nửa chặng đường trong lộ trình của mình, chỉ còn bảy năm nữa là đến đích. Điều các nhà đầu tư Mỹ và phương Tây quan tâm lúc này là liệu Thái tử Mohammed bin Salman có thực sự đủ khả năng cải tổ nền kinh tế Arab Saudi theo hướng da dạng hóa, năng động và hiện đại hơn hay không. Ông Neil Quilliam, cộng tác viên tại Chatham House ở London (Anh), cho biết thực tế đã chỉ rõ rằng việc thay đổi sẽ cần nhiều thời gian. Hiện tại việc nền kinh tế Arab Saudi vẫn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch là điều khó tránh khỏi.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone