Ngân hàng

Rúp đuối sức, NDT thấp kỷ lục: USD tăng mạnh, Mỹ gây thêm 'nỗi đau' cho nhiều nước lớn

(VNF) - Hàng loạt đồng tiền liên tục mất giá trong khi giá trị đồng USD lại đang đạt đỉnh. Sự nghịch chiều trong chính sách tiền tệ giữa Mỹ và phần còn lại của thế giới, dấy lên những lo ngại về lạm phát cũng như sự chững lại của nền kinh tế toàn cầu.

Hai chiều tăng - giảm của đồng USD và phần còn lại

Sáng ngày 4/10, tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) tăng 0,17%, đạt mốc 107,08, kéo dài chuỗi tăng nhiều tháng liên tục.

Trong khi đồng bạc xanh tăng mạnh, nhiều đồng tiền khác đều rớt giá, thậm chí rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua.

Trong phiên giao dịch ngày 3/10, đồng rúp của Nga đã có thời điểm yếu đến mức 100,25 rúp mới đổi được 1 USD. Đây là mức thấp nhất của đồng rúp Nga trong hơn 7 tuần qua. Kết phiên giao dịch, đồng rúp đã phục hồi nhẹ 0,2%.

Chỉ số US Dollar Index (DXY) liên tục tăng trong thời gian qua.

Đồng NDT không khá khẩm hơn là bao. Kết phiên giao dịch ngày 4/10, đồng NDT ở mức 7,3005/USD. Vào đầu tháng 9, đồng NDT thậm chí còn rơi xuống mức 7,3623/USD, mức thấp nhất kể từ khi hình thành thị trường NDT ở nước ngoài vào năm 2010.

Chung tình trạng với đồng NDT, đồng yên cũng đang phải đối mặt với sự sụt giảm. Đồng tiền nội tệ của Nhật Bản liên tục giảm giá, chạm mức dưới 150 yên đổi được 1 USD vào đầu giờ sáng phiên giao dịch ngày 4/10.

Đồng euro hiện giao dịch ở mức thấp nhất trong năm 2023, gần 1,05 euro đổi được 1 USD. Giá trị của đồng euro đã giảm 3% so với đồng bạc xanh trong quý III năm nay và tiếp tục trên đà giảm năm thứ 3 liên tiếp.

Tính đến thời điểm hiện tại, đồng euro, NDT, rúp và yên Nhật đều rớt giá xuống mức thấp khó tin trong nhiều thập kỷ qua so với đồng USD.

Theo thống kê của Central Bank hồi tháng 7 năm nay, đã có tới 77 quốc gia chứng kiến đồng tiền nội tệ mất giá so với đồng USD kể từ năm 2020. Tình trạng tồi tệ hơn diễn ra ở nhiều quốc gia như Venezuela, Lebanon, Argentina hay Turkey khi giá trị đồng tiền nội tệ của họ giảm từ 75,1% - 99,6% so với đồng USD tính trong giai đoạn từ tháng 1/2020 đến tháng 6/2023.

Những đồng nội tệ giảm giá nhiều nhất so với USD trong hơn 1 năm qua.

Sự khác biệt trong chính sách tiền tệ của Mỹ và các quốc gia khác chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến cú sốc tỷ giá như hiện nay. Trong nhiều tháng qua, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) luôn kiên định với chính sách tiền tệ thắt chặt của mình nhằm chống lại lạm phát.

Chiến dịch tăng lãi suất của Fed bắt đầu từ tháng 3/2022. Tính đến nay, Fed đã có 11 đợt nâng lãi suất với tổng mức tăng 5,25%, đưa mức lãi suất lên 5,25 – 5,5%. Nhiều chuyên gia dự đoán Fed sẽ có lần tăng lãi suất cuối cùng trong năm nay vào tháng 11 tới.

Ông Jamie Dimon, CEO ngân hàng lớn nhất Mỹ JPMorgan Chase thậm chí còn dự đoán Fed sẽ có thể tăng lãi suất thêm 1,5 điểm phần trăm, lên 7% - mức cao nhất kể từ năm 1990.

Đi cùng với đó, triển vọng kinh tế có phần u ám của nhiều quốc gia cũng khiến giá trị của đồng bạc xanh bật tăng. Trong khi châu Âu ngấp nghé bờ vực suy thoái do cuộc khủng hoảng năng lượng thì kinh tế Nga lại đang bị tổn thương do hàng loạt lệnh trừng phạt từ châu Âu sau khi khởi động chiến sự Nga – Ukraine. Tại châu Á, nền kinh tế Trung Quốc lao dốc khi thị trường bất động sản chiếm ¼ GDP chìm sâu trong khủng hoảng.

Đồng USD tăng, nhiều quốc gia thêm những 'nỗi đau'

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định, các nền kinh tế mới nổi đã phải đối mặt với nhiều thách thức khi đồng USD tăng mạnh. Đối với nhiều quốc gia, sự tăng giá của đồng bạc xanh thực sự là “cơn ác mộng” vì nó tạo ra tình trạng “chảy máu vốn”, tín dụng tồi tệ hơn và thị trường chứng khoán sụt giảm.

Giá đồng USD tăng cao, nhiều nền kinh tế rơi vào khủng hoảng.

Phần lớn các thị trường mới nổi đều phụ thuộc nhiều vào dòng vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, việc giá đồng USD cao hơn giá tiền nội tệ sẽ làm đảo chiều dòng vốn, khiến dòng tiền chảy từ các thị trường mới nổi để tìm kiếm cơ hội sinh lời tại những thị trường có tỷ giá mạnh hơn.

Không riêng các nền kinh tế mới nổi, ngay cả những nền kinh tế lớn như Trung Quốc cũng điêu đứng khi đồng nội tệ mất giá trước đồng USD. Chỉ tính riêng trong 5 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc đã chứng kiến dòng vốn ngoại lên tới 170 tỷ NDT (tương đương 24 tỷ USD) rút ròng khỏi thị trường chứng khoán.

Thị trường chứng khoán châu Á cũng chìm trong sắc đỏ. Chỉ số chứng khoán châu Á phiên ngày 4/10 đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 11 tháng qua. Cụ thể, chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) đã giảm hơn 1% trong 2 ngày liên tiếp, chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) giảm 0,78% trong khi chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 2,28%.

Các quốc gia phụ thuộc vào lương thực, thực phẩm, xăng dầu nhập khẩu còn phải nhận đòn đòn kép khi đồng USD đắt hơn khiến những mặt hàng nhập khẩu này cũng tăng giá. Giá năng lượng và nguyên liệu nhập khẩu tăng cao kéo theo giá thành của nhiều sản phẩm khác cũng tăng lên, dẫn đến tình trạng lạm phát quy mô rộng.

Các quốc gia thêm gánh nặng nợ nần, lạm phát.

Đồng USD tăng giá cũng làm nhiều quốc gia thêm nặng gánh nợ nần khi các khoản vay bằng USD của chính phủ và các doanh nghiệp trở nên đắt đỏ hơn. Theo dữ liệu của Viện Tài chính Quốc tế (IIF), chính phủ của 32 quốc gia và thị trường mới nổi sẽ phải thanh toán số nợ bằng USD trị giá 83 tỷ USD vào cuối năm nay.

Số tiền trả nợ nhiều hơn có thể đẩy các quốc gia này vào cảnh suy thoái sâu, lạm phát phi mã, khủng hoảng nợ công hoặc rơi vào một kịch bản tồi tệ hơn – cả 3 viễn cảnh trên diễn ra cùng lúc.

Theo IMF, cứ mỗi 10% tăng giá của USD, các nền kinh tế thị trường mới nổi lại phải đối mặt với mức giảm 1,9% trong GDP sau một năm và lực cản tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ kéo dài trong 2,5 năm.

Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây đã đưa ra cảnh báo các nền kinh tế đang phát triển ở khu vực Đông Á – Thái Bình Dương sẽ có tốc độ tăng trưởng vào hàng thấp nhất trong 5 thập kỷ trở lại đây, trong đó chính sách tiền tệ thắt chặt và mức nợ tăng cao là hai trong những chướng ngại hạn chế hoạt động kinh tế.

Triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu ảm đạm.

WB đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực từ 5,1% xuống còn 5% trong năm nay và xuống 4,5% trong năm 2024. Nền kinh tế Trung Quốc cũng được dự báo tăng trưởng 4,4% trong năm 2024, thấp hơn mức dự báo 4,8% được đưa ra vào hồi tháng 4/2023.

Ủy ban châu Âu (EC) cũng dự báo rằng tăng trưởng kinh tế của EU sẽ ở mức 0,8% vào năm 2023 thay vì mức dự báo 1% trước đó và 1,4% trong năm 2024, giảm từ mức dự báo 1,7% trước đó. Tăng trưởng ở Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) năm 2023 cũng được điều chỉnh giảm từ 1,1% xuống 0,8% trong năm 2023 và 1,6% xuống 1,3% trong năm 2024.

Tin mới lên