Ngân hàng

Biến động tỷ giá: 'NHNN bắt đầu có động thái ngưng nới lỏng, hút tiền nơi dư thừa về'

(VNF) - TS Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP. HCM dự đoán, tỷ giá có thể tiếp tục tăng thêm 2 - 3% nữa. Từ giờ đến cuối năm ở những thời điểm nhu cầu cao, nếu chúng ta cho phép điều đó. Sau đó với nguồn tiền từ kiều hối và xuất khẩu chảy về thì tỷ giá sẽ bình ổn trở lại.

Biến động tỷ giá: 'NHNN bắt đầu có động thái ngưng nới lỏng, hút tiền nơi dư thừa về'

TS Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP. HCM.

Trao đổi với VietnamFinance về biến động tỷ giá gần đây,TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng, việc tỷ giá tăng là không nằm ngoài dự báo bởi vì chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ quá thấp, dẫn đến việc gây áp lực lên dòng vốn ngoại. Nếu là nhà đầu tư nước ngoài họ sẽ cân nhắc việc đầu tư vào Việt Nam hay là Mỹ, nếu đầu tư vào Việt Nam họ sẽ gặp phải rủi ro tỷ giá vì kỳ vọng mất giá VNĐ, nên họ sẽ kỳ vọng Việt Nam phải có mức lãi suất cao hơn so với Mỹ để bù vào rủi ro tỷ giá, người ta gọi nó là phần bù rủi ro tỷ giá trong lý thuyết về tài chính quốc tế.

Phần bù này chính là chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ, và khi phần bù quá thấp sẽ dẫn đến giảm động lực của các nhà đầu tư ngoại đầu tư vào Việt Nam và thậm chí có thể làm cho dòng vốn đảo chiều.

Việc khối ngoại bán ròng trên thị trường chứng khoán trong thời gian qua cũng là một tín hiệu cho thấy điều đó. Chính việc này gây áp lực lên cán cân tài khoản vốn và tỷ giá và dẫn đến tỷ giá tăng. Bên cạnh đó, chúng ta đang chịu áp lực kép bởi càng về giai đoạn cuối năm thì nhu cầu về USD lại càng tăng do nhu cầu nhập hàng để sản xuất hay kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước.

- Với tỉ giá tăng như vậy, ông đánh giá như thế nào về khả năng dòng vốn rút khỏi Việt Nam? Điều này này có đáng lo ngại?

Như phân tích ở trên, nếu không có động thái kịp thời từ Ngân hàng Nhà nước thì dòng vốn sẽ cú khuynh hướng rút khỏi Việt Nam theo nguyên tắc chảy từ nơi có lãi suất thấp đến nơi có lãi suất cao, từ nơi có rủi ro cao đến nơi có rủi ro thấp.

Đặc biệt là dòng vốn đầu tư gián tiếp. Ngoài ra, chúng ta cũng sẽ không đón được dòng vốn mới nhờ vào các triển vọng hợp tác và các hiệp định vừa được ký kết do lo ngại về sự ổn định tỷ giá và vĩ mô, cũng như lãi suất chưa hấp dẫn. Một điều có thể cân bằng lại yếu tố này chính là cán cân thương mại chúng ta vẫn dương, và đây là tín hiệu tích cực và là trụ cột để duy trì tỷ giá ổn định trong thời gian tới.

- Ông đánh giá như thế nào về chính sách điều tiết của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua? Liệu dư địa bán USD để bình ổn tỉ giá có còn nhiều?

Theo tôi không nên dùng dự trữ ngoại hối để can thiệp vào thời điểm này. Bởi lẽ mặc dù áp lực giảm giá tiền đồng đang hiện hữu nhưng nó sẽ mang yếu tố mùa vụ nhiều hơn, khi vượt qua giai đoạn áp lực kép kèm với cán cân thương mại thặng dư mạnh vào cuối năm thì chúng ta cũng sẽ không quá lo lắng về tổng cán cân thanh toán. Việc dùng dự trữ chỉ gây ra tâm lý hoang mang cũng như gây áp lực thêm về lạm phát, hay thừa tiền và vừa mất dự trữ ngoại hối.

Thay vào đó, chúng ta nên cho phép tỷ giá giao động trong biên độ lớn hơn, và chấp nhận giảm giá VND trong ngắn hạn, qua thời gian này tôi tin chắc tỷ giá sẽ ổn định trở lại như cuối năm 2022. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng nên giảm việc nới lỏng tiền tệ, ngưng giảm lãi suất điều hành. Việc Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu để hút tiền về thời gian qua là hợp lý để ngăn ngừa tình trạng đầu cơ tỷ giá cũng như hút bớt tiền về, tạm ngưng việc giảm lãi suất để duy trì sự chênh lệch lãi suất đủ hấp dẫn và giảm bớt áp lực lên tỷ giá.

- Ông dự đoán như thế nào về vấn đề tỷ giá từ nay đến cuối năm?

Theo tôi, tỷ giá có thể tiếp tục tăng thêm 2-3% nữa từ giờ đến cuối năm ở những thời điểm nhu cầu cao, nếu chúng ta cho phép điều đó, và sau đó với nguồn tiền từ kiều hối và xuất khẩu chảy về thì tỷ giá sẽ bình ổn trở lại.

- Với diễn biến tỷ giá hiện nay có làm đảo chiều chính sách giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước không, thưa ông?

Hiện nay, chúng ta thấy rằng Ngân hàng Nhà nước đã bắt đầu có những động thái ngưng nới lỏng và bắt đầu hút tiền ở những nơi dư thừa về.

Theo tôi điều này là hợp lý, tuy nhiên việc bơm hút cần nhịp nhàng và theo tín hiệu thị trường, tránh giật cục và bất ngờ sẽ gây cú sốc không tốt khi chuyển trạng thái quá nhanh cho nên kinh tế.

Và hơn hết, Ngân hàng Nhà nước cần phát đi thông điệp rõ ràng thông qua việc công bố công khai về kế hoạch và định hướng chính sách tiền tệ trong thời gian tới, để các bên tham gia có thể nắm rõ định hướng và có các kế hoạch cho phù hợp, tương tự như FED đang làm hiện nay với nền kinh tế Mỹ.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tin mới lên