Ngân hàng

Lãi suất tiền gửi hạ sâu, lãi vay vốn vẫn neo cao

(VNF) - Lãi suất huy động gần đây giảm nhanh và mạnh nhưng lãi suất cho vay vẫn neo cao. Một số ngân hàng áp dụng nhiều chiêu để giữ lãi suất cho vay cao. Lãi vay cao khiến các ngân hàng gặp khó, tăng trưởng tín dụng rất chậm.

Lãi suất tiền gửi hạ sâu, lãi vay vốn vẫn neo cao

Giảm ít, thậm chí tăng lên

Thời gian qua, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước liên tục đưa ra những chỉ đạo giảm lãi suất huy động nhằm hạ mặt bằng lãi suất cho vay.

Theo thống kê của Công ty chứng khoán VNDIRECT, trong tháng 8/2023, lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng còn 5,9%/năm, giảm hơn 0,5 điểm % trong cuối tháng 7 và giảm tới 2 điểm % so với cuối năm 2022.

Hiện lãi suất huy động đã giảm xuống ngang giai đoạn thấp kỷ lục vì Covid-19. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên được nhiều nhà băng niêm yết chỉ ở mức 5,5%/năm.

Dù lãi suất huy động đã giảm mạnh nhưng lãi suất cho vay chưa giảm tương ứng. Hiện lãi suất huy động cao nhất tại nhiều ngân hàng đã giảm xuống dưới 6%/năm nhưng lãi suất cho vay vẫn neo ở mức 11-13%, tức gấp đôi lãi suất huy động.

Một số ngân hàng áp dụng nhiều chiêu hấp dẫn để thu hút khách hàng. Các ngân hàng thường đưa ra lãi suất cực mềm trong thời gian ưu đãi, chỉ từ 6-8%/năm. Nhưng sau 3-6 tháng, lãi suất sẽ được thả nổi bằng lãi suất cơ sở cộng với biên độ 3,5%/năm.

Đáng nói là các ngân hàng đang áp biểu lãi suất cơ sở khá cao dù lãi suất huy động đã giảm mạnh. Lãi suất cơ sở tại nhiều ngân hàng đang neo ở mức 8,2-9%/năm. Do lãi suất cơ sở cao nên lãi vay hiện vẫn rất cao.

Đơn cử, một ngân hàng đang đưa ra mức lãi suất cho vay chỉ 5,9%/năm và 7,7%/năm đối với cho vay mua nhà. Song mức này chỉ được cố định trong thời gian ưu đãi. Sau đó, lãi suất sẽ được thả nổi bằng lãi suất cơ sở cộng với biên độ 3,5%/năm. Như vậy, lãi vay mà khách phải trả sẽ rơi vào khoảng 12,5%/năm.

Hầu hết ngân hàng đang áp dụng mức lãi suất cơ sở để thay thế lãi suất huy động kỳ hạn 12-13 tháng làm căn cứ để cộng thêm biên độ, từ đó định ra mức lãi vay mà khách phải trả.

Các ngân hàng cho rằng lãi suất cho vay phải tính theo lãi suất cơ sở vì lãi suất huy động chưa thể hiện đầy đủ chi phí vốn của ngân hàng. Lãi suất cơ sở được cộng thêm một số chi phí vốn thực.

Theo lãnh đạo một ngân hàng cổ phần, dù huy động 10 đồng nhưng ngân hàng chỉ có thể cho vay được 8 đồng, còn 2 đồng đưa vào dự trữ bắt buộc. Chẳng hạn, ngân hàng huy động tiền gửi với lãi suất 6%/năm, nhưng chi phí huy động vốn thực lên đến 6,2-6,5%/năm, chưa kể nhiều chi phí phát sinh khác.

Tuy nhiên, không loại trừ trường hợp ngân hàng lạm dụng điều này để giữ lãi suất cho vay ở mức cao.

Song đây cũng là con dao hai lưỡi vì Thông tư 06 cho phép khách hàng vay vốn để trả nợ ngân hàng khác. Nếu lãi suất cho vay quá cao, khách hàng hoàn toàn có thể chuyển đến ngân hàng khác để vay với lãi suất thấp hơn.



Tín dụng tăng chậm

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 15/9, tín dụng toàn nền kinh tế mới tăng 5,56% so với cuối năm 2022, chỉ bằng hơn 1/3 so với mục tiêu đặt ra từ đầu năm.
Giới chuyên gia nhận định, ngoài việc nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện hoặc không dám vay, thì lãi suất cho vay vẫn được neo ở mức cao cũng là nguyên nhân khiến cho tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế không như kỳ vọng.

Tại hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội được tổ chức vào chiều 21/9, nhiều doanh nghiệp cho biết lãi suất cho vay vẫn quá cao, vượt quá sức chịu đựng của họ, nhất là trong bối cảnh sức mua giảm, thị trường gặp khó.

Nhiều người vay thấy sốt ruột khi lãi suất huy động tuột dốc nhanh nhưng lãi vay chỉ giảm rất nhẹ, thậm chí còn tăng nếu hết thời hạn ưu đãi lãi suất, nhất là với các khoản vay mua nhà. Nhiều người vay mua nhà đang mắc kẹt với lãi suất cao, dao động từ 12,5-14%/năm.

Dù đã có cơ chế cho phép vay vốn ở ngân hàng này để trả ngân hàng khác nhưng nhiều người vẫn e ngại vì phí phạt trả nợ quá hạn rất cao, chưa kể còn tốn hàng loạt phí để vay ở ngân hàng mới như phí công chứng, thẩm định tài sản, phí giải ngân, phí sắp xếp vốn...

Lãnh đạo một ngân hàng cho biết bản thân các ngân hàng cũng phải tự điều chỉnh lãi suất nhằm đảm bảo cân bằng giữa hai mục tiêu là hiệu quả kinh doanh và hấp dẫn khách hàng. Trong bối cảnh 'đang phải chữa bệnh thừa tiền', các ngân hàng chịu áp lực phải điều chỉnh lãi suất cho vay về mức hợp lý.

Tuy nhiên, với lãi suất huy động cao nhất chỉ còn dưới 6%/năm, ngân hàng này sẽ tính toán cân đối để tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Hơn nữa, lãi suất cho vay chưa thể giảm nhanh do vẫn còn những khoản huy động với lãi suất 10%/năm từ cuối năm ngoái chưa tất toán xong.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế, chính các ngân hàng cũng là các doanh nghiệp. Vì thế, cần có những tính toán sao cho hợp lý. Ông Thịnh cho rằng, hiện lãi suất huy động đã giảm nhưng lãi suất cho vay sẽ giảm từ từ chứ không thể xuống nhanh như lãi suất huy động.

Còn ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển Sản phẩm, Công ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam, nhìn nhận, khi các ngân hàng thương mại muốn giảm lãi suất cho vay không khác gì việc phải cắt đi một phần lợi nhuận của mình.

Tin mới lên