Bất động sản

Saigontel của ông Đặng Thành Tâm tốn thêm 300 tỷ để làm CCN Tân Phú 1 và 2

(VNF) - Do giá chi phí nguyên vật liệu, san lắp cũng như các chi phí liên quan khác có sự biến động tăng nên dự án CCN Tân Phú 1 và Tân Phú 2 của CTCP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (Saigontel) điều chỉnh vốn đầu tư tăng hơn 300 tỷ đồng và kéo dài thời gian đầu tư thêm 2 năm thực hiện dự án .

Cụ thể, Saigontel đã điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Tân Phú 1, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên với tổng vốn đầu tư tăng từ 496 tỷ đồng lên 647,6 tỷ đồng (tăng 151,6 tỷ đồng) và kéo dài thời gian triển khai từ năm 2021 đến hết năm 2023 sang thời gian từ năm 2021 đến năm 2025, trễ hơn 2 năm so với kế hoạch ban đầu.

Đồng thời, Công ty cũng điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Tân Phú 2, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên với tổng vốn đầu tư tăng 403,4 tỷ đồng lên 563,4 tỷ đồng (tăng 160 tỷ đồng) và kéo dài thời gian triển khai từ năm 2021 đến năm 2023 sang thời gian mới từ năm 2021 đến năm 2025, tức trễ 2 năm so với kế hoạch ban đầu.

Cụm công nghiệp Tân Phú 1 và Tân Phú 2 có tổng mức đầu tư ban đầu là 800 tỷ đồng. Trong đó, Ngân hàng TMCP Công thương – Chi nhánh Bắc Ninh cấp hạn mức tín dụng 720 tỷ đồng để triển khai. Hai dự án toạ lạc tại xã Đông Cao và xã Tân Phú, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.

Tính tới cuối năm 2022, hai dự án này đã giải phóng được 80 ha trên tổng diện tích 131 ha mặt bằng. Theo kế hoạch năm 2023, Saigontel sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng thêm 28 ha còn lại của Tân Phú 1 và đạt 80% diện tích giải phóng mặt bằng dự án Tân Phú 2, tương đương 45,2 ha.

CTCP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (Saigontel), doanh nghiệp do ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Đô thị Kinh Bắc (KBC) sáng lập và làm Chủ tịch HĐQT, đặt kế hoạch doanh thu năm 2023 đạt 2.750 tỷ đồng, tăng 89% và lợi nhuận trước thuế đạt 412 tỷ đồng, gấp 4 lần so với thực hiện năm 2022.

Đây được đánh giá là một kế hoạch tăng trưởng đầy tham vọng bởi năm 2022, Saigontel đã không thể hoàn thành mục tiêu đề ra. Cụ thể, doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái của Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc Đặng Thành Tâm chỉ đạt 1.453,97 tỷ đồng doanh thu, tương đương 58,16% kế hoạch năm. Trong khi đó, lợi nhuận ghi nhận 107,65 tỷ đồng, chỉ hoàn thành được 35,88% kế hoạch năm.

Khởi động năm 2023, kết quả kinh doanh quý I của doanh nghiệp này lại khá “kém sắc” khi doanh thu và lợi nhuận sau thuế đồng loạt sụt giảm mạnh. Cụ thể, doanh thu chỉ đạt 93,38 tỷ đồng, giảm 77,3% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn 5,56 tỷ đồng, giảm 97,1% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 58,4% về còn 44,9%.

Nếu xét riêng hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp), trong quý I/2023, Saigontel lỗ 0,65 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 204,39 tỷ đồng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc lợi nhuận gộp quý đầu năm 2023 của Saigontel tạo ra không đủ để bù đắp trả chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp.

Không chỉ kết quả kinh doanh lao dốc, dòng tiền kinh doanh chính của Saigontel trong quý I/2023 cũng không mấy khả quan khi ghi nhận âm 97,6 tỷ đồng.

Dù vậy, tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, Saigontel sẽ thu xếp nguồn vốn khoảng từ 3.500 tỷ đồng đến 4.000 tỷ đồng thông qua việc tăng vốn cũng như huy động vốn từ các đối tác chiến lược, vay ngân hàng, các định chế tài chính hoặc hợp tác đầu tư để tiến hành triển khai các dự án và bổ sung vốn kinh doanh. Theo đó, Saigontel dự kiến chào bán 100 triệu cổ phiếu riêng lẻ (tương ứng 67,6% tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành), ủy quyền cho HĐQT quyết định giá chào bán và dự kiến triển khai trong năm 2023.

Tin mới lên