Sau Malaysia, Myanmar, tới Pakistan ‘dè chừng’ với các dự án Trung Quốc

Minh Đăng - 02/10/2018 11:38 (GMT+7)

(VNF) - Lo ngại có thể vỡ nợ vì những khoản vay từ Trung Quốc, chính phủ mới của tân Thủ tướng Pakistan Imran Khan đã quyết định giảm quy mô dự án đường sắt trong sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) với nước này.

VNF
“Vành đai và Con đường” là một trong những công cụ đang tạo nên chiếc bẫy nợ cho nhiều quốc gia bị thu hút bởi các khoản vay hạ tầng gắn liền với viện trợ của Trung Quốc.

"Pakistan là nước nghèo, không thể kham nổi gánh nặng từ những khoản nợ khổng lồ. Vì thế chúng tôi giảm số tiền vay Trung Quốc để xây dựng dự án đường sắt trong Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) từ 8,2 tỷ USD xuống 6,2 tỷ USD", Reuters ngày 1/10 dẫn lời Bộ trưởng Đường sắt Pakistan Sheikh Rasheed.

CPEC là một trong những phần dự án có quy mô lớn nhất thuộc sáng kiến BRI của Trung Quốc nhằm mục đích liên kết cảng Gwadar ở phía tây nam Pakistan với khu tự trị Tân Cương (Trung Quốc) thông qua mạng lưới đường cao tốc, đường sắt và đường ống vận chuyển dầu khí.

Theo lời Bộ trưởng Rasheed, chính phủ nước này vẫn cam kết thực hiện dự án Đường ray chính số 1 Karachi-Peshawar (M-1) nằm trong khuôn khổ dự án, nhưng sẽ giảm chi phí dự án từ 6,2 tỷ USD xuống 4,2 tỷ USD.

Với chiều dài 1.872 km, M-1 là dự án đường sắt lớn nhất ở Pakistan trong khuôn khổ BRI.

Pakistan cũng mời các nước thứ ba tham gia hoặc mời Trung Quốc đầu tư cho dự án bằng hình thức BOT, giúp giảm phụ thuộc vào nợ công.

Dự án M-1 này khôi phục hệ thống đường sắt có từ thời thuộc địa của Pakistan, nối từ Karachi đến tỉnh Peshawar ở tây bắc.

Với chiều dài 1.872 km, đây cũng là dự án đường sắt lớn nhất ở Pakistan trong khuôn khổ BRI, được mệnh danh là "Con đường tơ lụa" thế kỷ 21, của Trung Quốc.

Quan hệ giữa Trung Quốc và Pakistan vốn rất mật thiết từ trước tới nay, được ví vững chắc như sắt thép, bởi vậy người Trung Quốc gọi Pakistan là “Ba Thiết”.

Pakistan luôn được Trung Quốc coi là quốc gia mẫu mực trong việc thực hiện kế hoạch “Vành đai và Con đường”.

Tân Thủ tướng Pakistan Imran Khan.

Tuy nhiên, chính phủ mới của tân Thủ tướng Imran Khan dường như đang xem xét lại các dự án và điều khoản do quan ngại rằng các dự án này mang lại quá nhiều lợi ích cho các công ty Trung Quốc

Thủ tướng Khan đã thành lập một ủy ban gồm 9 người có nhiệm vụ đánh giá các dự án nằm trong CPEC. Ủy ban này có vai trò cân nhắc khía cạnh lợi ích cũng như các khoản nợ trọng việc triển khai CPEC

"CPEC giống như xương sống cho kinh tế Pakistan, nhưng chúng tôi phải luôn cảnh giác", ông Abdul Razak Dawood, quan chức nội các Pakistan phụ trách thương mại, dệt may, công nghiệp cho biết.

Được biết, trong cuộc hội đàm với các quan chức Trung Quốc trong chuyến thăm tới Islamabad của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hồi đầu tháng 9, phía Pakistan đã yêu cầu Trung Quốc thay đổi mục tiêu của “Vành đai, Con đường” ở Pakistan; đó là: xây dựng nhà máy và giúp xóa đói giảm nghèo thay vì chỉ đơn thuần xây dựng các công trình hạ tầng lớn.

Malaysia, Myanmar lo ngại “bẫy nợ” Trung Quốc

Mới đây. chính quyền Myanmar cũng đã thành công trong việc đàm phán với Trung Quốc để giảm 80% quy mô dự án cảng nước sâu Kyaukpyu nhằm tránh nguy cơ bị mắc nợ không có khả năng chi trả.

Dự án cảng nước sâu Kyaukpyu ở phía tây bang Rakhine thuộc đặc khu kinh tế Kyaukpyu, một cảng tự nhiên nhìn ra Ấn Độ Dương và phù hợp cho việc neo đậu của các tàu cỡ lớn. Tại đây cũng có các đường ống dẫn dầu nối với Trung Quốc và một cảng cho phép các tàu chở dầu nặng 300.000 tấn neo đậu.

Myanmar và Trung Quốc đã đàm phán thành công và nhất trí giảm quy mô dự án từ 7,2 tỷ USD theo giá ban đầu xuống còn 1,3 tỷ USD.

Một quan chức cấp cao của Myanmar cho biết quá trình thi công dự án Kyaukpyu vẫn được thực hiện theo 4 giai đoạn như kế hoạch ban đầu. Tuy nhiên giai đoạn tiếp theo sẽ chỉ được thực hiện khi các điều kiện cụ thể được đáp ứng.

Ngày càng có nhiều quốc gia giảm quy mô hoặc hủy bỏ các dự án với Trung Quốc trong khuôn “Vành đai và Con đường".

Chính quyền Myanmar đã giành được sự nhượng bộ từ phía Trung Quốc bằng cách đàm phán quyết liệt trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng lo ngại về tâm lý ngờ vực tại những nước nhận viện trợ theo Sáng kiến “Vành đai và Con đường”.

Trước đó, hồi đầu tháng 9, theo thông tin từ Financial Times, 3 dự án đường ống dẫn nhiên liệu trị giá gần 3 tỷ USD giữa Malaysia và Trung Quốc đã chính thức bị hủy sau một thời gian tạm dừng xem xét.

Trong 3 dự án này có 2 dự án xây đường ống dẫn dầu trị giá 1 tỷ USD mỗi dự án và 2 đường ống dẫn khí đốt trị giá 795 triệu USD.

Ban đầu, các dự án này dự kiến sẽ kết nối bang Malacca với một nhà máy lọc dầu và hóa dầu ở bang Johor.

Cũng theo Financial Times, ngoài 3 dự án nói trên, dự án xây dựng đường tàu Đường sắt Bờ biển phía Đông (ECRL) dài 620 km cũng đang được Malaysia xem xét liệu có hủy bỏ hay không.

Trong chuyến thăm 5 ngày tới Trung Quốc hồi tháng 8, Thủ tướng Malaysia Mahathir đã tuyên bố một vài dự án hợp tác với Trung Quốc được thông qua từ thời chính quyền của cựu Thủ tướng Najib Razak sẽ không tiếp tục. “Hiện tại, ưu tiên của chúng tôi là giảm nợ. Các dự án sẽ bị hoãn lại cho đến khi chúng tôi có đủ khả năng”, ông Mahathir khẳng định.

“Vành đai và Con đường” là một trong những công cụ đang tạo nên chiếc bẫy nợ cho nhiều quốc gia bị thu hút bởi các khoản vay hạ tầng gắn liền với viện trợ của Trung Quốc. Và khi các nền kinh tế nhỏ hơn không thể trả nổi nợ, Bắc Kinh đã chớp ngay lấy cơ hội để ép chính phủ những nước này nhượng bộ.

Cho đến nay, các khoản vay của Trung Quốc trong “Vành đai và Con đường” chủ yếu nhắm vào, và được đón nhận, ở những nước đang phát triển, nơi dễ dàng bị hấp dẫn bởi tính hoành tráng của những dự án mà Bắc Kinh cũng sẵn sàng cung cấp nguồn lực tài chính.

Hậu quả rõ ràng nhất có thể nhìn thấy tại Sri Lanka, nơi số nợ của chính phủ nước này với Trung Quốc, trước khi cho thuê cảng, là gần 8 tỷ USD, tiếp sau là Maldives và Lào, theo số liệu từ nghiên cứu của Nikkei Asian Review và The Banker. Trong khi đó, tại Indonesia, dự án đường sắt trị giá 6 tỷ USD đang trễ tiến độ và chi phí tiếp tục tăng. Vấn đề tương tự cũng xảy đến với các công trình tại Kazakhstan and Bangladesh.

Xem thêm >> Đài Loan ‘giải cứu’ đậu tương Mỹ, Trung Quốc lên tiếng dèm pha

Cùng chuyên mục
Tin khác