Ngân hàng

Sau nhiều tháng biến động mạnh, đồng USD vẫn vững 'ngôi vua'

(VNF) - Đồng USD đã lấy lại vị thế dẫn đầu của mình sau chuỗi thời gian tăng giá dài nhất gần trong 9 năm qua.

Theo YahooFinance, kết phiên 8/9, đồng USD hướng tới tuần tăng thứ 8 liên tiếp so với các loại tiền tệ khác, mức tăng cao nhất kể từ mùa đông 2014 – 2015.

Tính từ giữa tháng 7 đến nay, chỉ số đồng USD đã tăng 5%, vẫn vững vàng ở vị thế hàng đầu giữa những biến động mạnh mẽ của kinh tế thế giới.

Trước đợt tăng này, đồng USD đã trải qua nhiều tháng biến động mạnh khi nhiều nhà đầu tư lo ngại rằng đồng USD có thể đánh mất vị thế “đồng tiền dự trữ của thế giới”. Những lo ngại về xu hướng “phi USD hóa” cũng tiếp tục tăng cao khi nhóm các quốc gia BRICS được mở rộng trong tháng trước.

Ông James Athey, giám đốc đầu tư tại Abrdn, chia sẻ: “Những đồn đoán về sự sụp đổ của đồng USD đang bị phóng đại quá mức”.

Đồng USD đang được “hậu thuẫn” bởi hàng loạt dữ liệu kinh tế tích cực từ Mỹ trong những tuần gần đây. Trong khi đó, “mây đen” lại đang bao phủ nền kinh tế của Trung Quốc và châu Âu.“Nền kinh tế Mỹ tiếp tục thể hiện sức mạnh vượt trội, trong khi các quốc gia khác như Trung Quốc và châu Âu lại đang rơi vào tình trạng suy thoái”, ông Athey nói.

Đồng USD vẫn vững vàng ở vị thế hàng đầu.

Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đang ở gần mức thấp nhất trong 50 năm qua. Hoạt động tuyển dụng diễn ra mạnh mẽ với tăng trưởng việc làm kéo dài trong 32 tháng liên tiếp (tính đến tháng 8 vừa qua). Tiền lương sau khi khấu trừ lạm phát tiếp tục tăng cao. Đây là những minh chứng rõ ràng nhất về sự vững vàng của nền kinh tế Mỹ.

Trước những tin tức tốt, nhiều nhà kinh tế đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng của kinh tế Mỹ cao hơn so với dự đoán trước đó. Dự đoán Mỹ sẽ “hạ cánh mềm” dường như cũng sẽ trở thành hiện thực.

Ông Carsten Brzeski, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế vĩ mô toàn cầu tại Ngân hàng ING, chia sẻ với CNN: “Nền kinh tế Mỹ tiếp tục đi lên một cách bất ngờ. Nó có vẻ kiên cường hơn so với những gì mà mọi người lo ngại”.

Theo các chuyên gia, với một bức tranh tươi sáng như vậy, người tiêu dùng Mỹ sẽ có niềm tin để duy trì mức chi tiêu. Fed cũng sẽ có thêm lý do để duy trì lãi suất ở mức cao cho tới khi lạm phát giảm về mục tiêu 2% một cách bền vững. Ở thời điểm hiện tại, lãi suất quỹ liên bang, lãi suất điều hành của Fed hiện đang ở mức 5,25 – 5,5%, mức cao nhất trong vòng 22 năm qua.

Ở chiều ngược lại, nền kinh tế châu Âu và Trung Quốc lại đang mắc kẹt trong tình thế khó khăn. Đồng euro đã mất 4,4% giá trị, xuống mức 1,07 USD/euro kể từ giữa tháng 7. Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc cũng đã giảm 2,6%, kéo tỷ giá đồng NDT so với đồng USD xuống mức thấp nhất trong vòng 16 năm qua.

Trong khi Mỹ có thể “hạ cánh mềm” thì khu vực đồng euro lại đang tiến gần đến kịch bản “đình lạm”. Cơ quan thống kê chính thức của châu Âu mới đây đã điều chỉnh dự doán tăng trưởng GDP của 20 quốc gia sử dụng đồng tiền euro từ 0,3% xuống còn 0,1%.

Đồng euro yếu hơn có thể sẽ là yếu tố đẩy giá nhập khẩu lên cao, thúc đẩy lạm phát. Thêm vào đó là giá dầu thô cũng đang trên đà tăng trở lại khi Ả Rập Xê Út và Nga gia hạn hạn chế nguồn cung.

Một quốc gia tại châu Âu là Đức cũng đang phải chứng kiến tháng giảm thứ 3 liên tiếp trong sản xuất công nghiệp. Cùng với nhiều yếu tố khác, Đức đang dần trở thành “người bệnh” của nền kinh tế châu Âu.

Nền kinh tế Trung Quốc cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. Tiêu dùng và xuất khẩu giảm mạnh trong khi khủng hoảng bất động sản ngày càng sâu sắc hơn khiến chính quyền Bắc Kinh lo ngại.

“Sự yếu kém của kinh tế Trung Quốc không chỉ đè nặng lên đồng Nhân dân tệ mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến các đối tác thương mại lớn và nhiều loại tiền tệ khác, bao gồm cả đồng euro”, ông Alex Cohen, chiến lược gia ngoại hối cấp cao tại Bank of America Global Research. Ông Cohen nhấn mạnh rằng: "Rõ ràng, đồng USD vẫn là vua, ít nhất là trong thời điểm hiện tại".

Tin mới lên