'Sau nhiều vụ lùm xùm, rất khó phát hành trái phiếu DN kỳ hạn dài như trước'

Khánh Tú - 14/04/2024 05:50 (GMT+7)

(VNF) - Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Tổng Giám đốc, Công ty Chứng khoán Techcombank (TCBS), những cú sốc trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong hai năm vừa rồi đã mang lại sự thay đổi cho thị trường này nhiều bằng mười mấy năm cộng lại.

Theo số liệu của FiinRatings, trong tháng 3/2024, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) ghi nhận 6 giao dịch phát hành với tổng giá trị 7,25 nghìn tỷ đồng, giảm 71% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động mua lại cũng tương đối trầm lắng, đạt mức 8,03 nghìn tỷ đồng.

Cộng dồn 3 tháng đầu năm 2024, thị trường TPDN có tổng cộng 18 lô trái phiếu phát hành mới bởi 15 doanh nghiệp cùng tổng giá trị đạt 18,75 nghìn tỷ đồng. Giá trị phát hành TPDN trong quý I/2024 giảm tới 36% so với cùng kỳ năm trước đó.

Các nhà phát hành TPDN trong quý I/2024 chủ yếu là nhà phát triển bất động sản (chiếm hơn 55% tổng giá trị phát hành), doanh nghiệp xây dựng và vật liệu (24%) và dịch vụ tài chính (8%).

Tại hội nghị Thị trường vốn nợ Việt Nam 2024, ông Lê Hồng Khang, Giám đốc Khối phân tích của FiinRatings, nhận định tỷ lệ TPDN riêng lẻ có vấn đề tiếp tục gia tăng trong thời gian này.

“Tâm điểm của thị trường vẫn là trái phiếu bất động sản. Mặc dù có dấu hiệu tích cực từ các thay đổi pháp lý quan trọng liên quan đến luật Đất đai sửa đổi nhưng tỷ lệ các trái phiếu bất động sản có vấn đề được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2024.

Ngoài ra, mức độ liên quan của các tổ chức phát hành gặp khó thanh khoản tương đối lớn, gần 47% là các doanh nghiệp có quan hệ đối tác, cùng tập đoàn hoặc cổ đông”, ông Lê Hồng Khang chia sẻ.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc, FiinRatings cũng thừa nhận thị trường TPDN đang gặp nhiều khó khăn dù Chính phủ đã ban hành những chuẩn mực mới nhằm tạo điều kiện cho thị trường phát triển. Quy mô kênh TPDN mới chỉ đạt 11% GDP vào cuối năm 2023, vẫn còn cách khá xa so với quy mô mục tiêu 20% GDP vào năm 2025 mà Chính phủ đề ra.

Hội nghị Thị trường vốn nợ Việt Nam 2024.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Tổng Giám đốc, Công ty Chứng khoán Techcombank (TCBS), cho hay việc các nhà đầu tư mất niềm tin vào thị trường TPDN đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động phát hành của các doanh nghiệp.

“Niềm tin của nhà đầu tư bị ảnh hưởng sau nhiều vụ lùm xùm khiến các doanh nghiệp rất khó để phát hành TPDN với kỳ hạn dài như trước. Đơn cử như TCBS đã phải phát hành trái phiếu có kỳ hạn ngắn chỉ khoảng 13 tháng, đi kèm với bảo lãnh TPDN để tiếp cận các nhà đầu tư. Tuy vậy, niềm tin của họ vẫn chưa đủ”, bà Hiền cho hay.

Thế nhưng theo bà Hiền, cũng nhờ những "cú sốc" nên trong hai năm vừa rồi đã giúp cơ sở hạ tầng của thị trường TPDN thay đổi nhiều bằng mười mấy năm trước cộng lại.

Để phá băng thị trường TPDN, ông Nguyễn Nhật Hoàng, Trưởng bộ phận xếp hạng doanh nghiệp của Fiingroups, cho rằng cần tập trung thực hiện một số giải pháp như khai phá những nguồn vốn lớn tiềm năng như công ty bảo hiểm hay quỹ đầu tư trái phiếu; phát triển các dịch vụ bảo lãnh trái phiếu; phát triển hệ thống chuẩn hóa về thông tin cung cấp cho các nhà đầu tư.

Về bảo lãnh trái phiếu, ông Hoàng Đình Gia, chuyên gia của Quỹ Đầu tư và bảo lãnh tín dụng (CGIF), đơn vị từng thực hiện bảo lãnh phát hành trái phiếu cho một số doanh nghiệp lớn như Vingroup, Masan, Gelex, cho biết hoạt động bảo lãnh từ các quỹ bảo lãnh tín dụng sẽ giúp các tổ chức phát hành mở rộng và đa dạng hóa các nguồn vốn vay ngoài các khoản vay ngân hàng thông thường và dễ dàng tiếp cận thị trường vốn.

Đồng thời, các tổ chức phát hành cũng được kéo dài kỳ hạn trái phiếu phù hợp với dòng thu nhập và mục tiêu đầu tư của bên vay, thanh toán bằng đồng nội tệ. Nhờ đó, các doanh nghiệp có thể tránh phụ thuộc vào các khoản vay ngắn hạn có thể dẫn đến rủi ro tái cấp vốn và giảm rủi ro liên quan đến biến động tỷ giá.

Cùng chuyên mục
Tin khác