Sau thỏa thuận lịch sử với Mỹ, kinh tế Triều Tiên có thể 'đột phá' được như Việt Nam?

Minh Khuê - 13/06/2018 13:47 (GMT+7)

(VNF) - Liệu Triều Tiên – nền kinh tế bị cô lập nhất thế giới – có thể tiến theo bước chân của Việt Nam sau thỏa thuận lịch sử với Hoa Kỳ ngày 12/6? Ngay cả khi mối quan hệ ngoại giao giữa Bình Nhưỡng và các quốc gia khác đã ấm dần lên, một số nhà phân tích vẫn nghi ngờ khả năng đó.

VNF
Ông Kim Jong Un muốn kinh tế Triều Tiên có thể "đột phá" được như Việt Nam

Chuyên trang Maeil Business Newspaper tại Seoul cho biết ông Kim Jong Un đã phát biểu trong hội nghị thượng đỉnh với Hàn Quốc rằng ông đã nhìn thấy một tương lai “giống Việt Nam” cho đất nước ông. Dường như ông Kim muốn nhắc đến thời kỳ “mở cửa” của nền kinh tế Việt hồi năm 1986. Ở thời điểm đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa ra một quyết định mang tính bước ngoặt, đó là kết thúc chế độ bao cấp để tiến tới nền kinh tế theo định hướng thị trường. Tăng trưởng GDP của Việt Nam đã tăng trung bình 3% mỗi năm trong suốt một thập kỷ.

Có một số yếu tố mà Bình Nhưỡng có thể tận dụng thông qua việc mở cửa biên giới của mình, bao gồm vị trí địa lý của nó nằm ngay cạnh các nền kinh tế lớn như Trung Quốc và Nhật Bản, cùng với các nguồn tài nguyên thiên nhiên khá dồi dào. Đất nước này sở hữu một trữ lượng lớn kẽm, sắt và một số kim loại đất hiếm, chưa được khai thác. Những kim loại này thường được sử dụng trong sản xuất các thiết bị điện tử.

Tuy nhiên, theo một nhóm các nhà kinh tế tại Capital Economics, khả năng Triều Tiên có thể mô phỏng thành công mô hình của Việt Nam là "rất thấp". Nhóm nghiên cứu đứng đầu bởi Gareth Leather cho rằng ngay cả khi nền kinh tế được mở cửa, nhà đầu tư nước ngoài vẫn sẽ rất thận trọng khi những dự án trước đó ở Triều Tiên đã không gặt hái nhiều thành tựu.

Một vài ví dụ điển hình cho nỗi lo của doanh nghiệp nước ngoài đó là trường hợp các công ty Hàn Quốc đầu tư vào khu du lịch Núi Kumgang và khu công nghiệp Kaesong. Tài sản của những công ty này tại Triều Tiên bị “đóng băng” sau khi mối quan hệ song phương trở nên xấu đi. Ngoài ra, còn phải kể đến trường hợp một liên doanh với công ty khai thác mỏ Trung Quốc Xiyang đã phải chấm dứt sau chưa đầy một năm kể từ khi bắt đầu sản xuất.

Triều Tiên hy vọng mở cửa nền kinh tế sẽ được như hình mẫu Việt Nam năm 1986

Hiện tại, ngay cả sau khi thỏa thuận Mỹ - Triều đã được ký kết, vẫn chưa thể chắc chắn rằng liệu các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Triều Tiên sẽ được dỡ bỏ. Các hình phạt kinh tế mà Mỹ áp đặt lên Bình Nhưỡng liên quan đến việc chính phủ nước này theo đuổi các chương trình hạt nhân, vi phạm nhân quyền, và sự vi phạm các thỏa thuận trước đó với Hoa Kỳ.

Thỏa thuận chung giữa hai quốc gia có chữ ký của Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong Un hôm thứ Ba vừa rồi tuyên bố Bắc Triều Tiên sẽ "tiếp tục hướng tới việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn", nhưng không cung cấp chi tiết về thời gian và cách thức thực hiện điều đó.

Ông Trump sau đó tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ tạm dừng các cuộc tập trận quân sự chung với Hàn Quốc, gây bất ngờ cho cả Seoul lẫn Washington. Tuy nhiên, hãng tin AP cho biết quân đội Mỹ tại Hàn Quốc “chưa nhận thêm hướng dẫn mới nhất về việc thực hiện hay chấm dứt các bài tập huấn luyện".

Ông Trump cho biết hai nhà lãnh đạo cũng đã đề cập đến vào một số vụ lạm dụng nhân quyền nhất định, nhưng không cung cấp thêm bất kỳ chi tiết nào, và chủ đề này không xuất hiện trong tuyên bố và bài phát biểu khai mạc. Người phát ngôn của Nhà Trắng đã không trả lời yêu cầu bình luận về vấn đề này.

"Như dự đoán, cuộc gặp mặt lịch sử giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong Un đầy những hình ảnh và tuyên bố thiện chí, nhưng đây mới chỉ là bước đầu tiên trong một cuộc đàm phán dài", chuyên gia Chris Zaccarelli của hãng Independent Advisor Alliance, tại Charlotte, cho biết. "Việc chi tiết cụ thể từ cuộc họp không được công bố khiến cho thị trường có rất ít thông tin để giao dịch. Do đó, tác động đến thị trường từ hội nghị thượng đỉnh là không đáng kể".

Xem thêm >> Mỹ thích ‘gây sự’ trước những ngày lễ lớn của Nga

Theo Business Insider
Cùng chuyên mục
Tin khác