SCIC muốn bán nốt ‘số lẻ’ cổ phiếu BMP đang nắm giữ với giá rẻ
Hải Đường -
05/05/2023 09:25 (GMT+7)
(VNF) - Sau khi tiết lộ danh sách 73 doanh nghiệp thoái vốn đợt 1 năm 2023, SCIC liền công bố phương án thoái vốn số cổ phần còn lại ở Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (HoSE: BMP).
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) vừa phê duyệt phương án bán cổ phần sở hữu tại Nhựa Bình Minh. Theo đó, số lượng cổ phiếu BMP mà SCIC nắm giữ là 19.983 đơn vị.
Đây là số lượng cổ phiếu BMP còn lại sau khi SCIC thoái vốn Nhựa Bình Minh vào năm 2018. Ở thời điểm đó, SCIC đã bán thành công hơn 24 triệu cổ phiếu BMP, thu về hơn trăm triệu USD với mức giá khởi điểm là 96.500 đồng/cổ phiếu.
Bên mua lại khi đó là Nawaplastic – công ty trực thuộc Tập đoàn SCG của Thái Lan và 1 nhà đầu tư cá nhân khác.
Trong lần thoái vốn này, SCIC dự kiến bán gần 20.000 cổ phiếu BMP với giá tối thiểu là 72.300 đồng/cổ phiếu, thấp hơn khoảng 12% so với thị giá của BMP trên thị trường chứng khoán.
Giao dịch dự kiến được thực hiện theo phương thức khớp lệnh trong vòng 1 tháng, đơn vị thực hiện giao dịch là Công ty Chứng khoán SSI. Như vậy, SCIC ít nhất có thể thu về hơn 1,4 tỷ đồng sau khi bán nốt cổ phần tại Nhựa Bình Minh.
Được biết, Nhựa Bình Minh mới đây đã quyết định chi trả cổ tức còn lại bằng tiền mặt của năm 2022 với tỷ lệ 53%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 5.300 đồng.
Ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông là ngày 20/5, thời gian thanh toán cổ tức dự kiến ngày 10/6/2023. Ước tính, Nhựa Bình Minh sẽ phải chi tương ứng hơn 433,86 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu.
Trước đó, vào đầu tháng 12/2022, BMP đã tạm ứng cổ tức lần 1/2022 với tỷ lệ 31% bằng tiền mặt. Qua đó, tổng mức chia cổ tức năm 2022 của Nhựa Bình Minh là 84% bằng tiền mặt, đúng như kế hoạch đã được công ty thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên mới đây.
Năm 2023, Nhựa Bình Minh lên kế hoạch doanh thu mục tiêu năm 2023 đạt 6.357 tỷ đồng, tăng 9,1% so với mức thực hiện năm trước. Lợi nhuận sau thuế mục tiêu lại giảm về mức 651 tỷ đồng, giảm 6,2% so với năm trước.
Doanh thu kế hoạch của BMP trong năm 2023 dù chỉ dự kiến tăng trưởng 1 chữ số, tuy nhiên lại là mức doanh thu cao kỷ lục của công ty trong lịch sử hoạt động.
Theo ông Nguyễn Hoàng Ngân, Phó chủ tịch BMP, trong bối cảnh đầu ra là thị trường bất động sản và xây dựng gặp khó, đầu vào là giá nguyên vật liệu lên xuống không kiểm soát được, việc xây dựng kế hoạch tăng trưởng doanh thu và sản lượng của BMP có phần “hơi tự tin quá”, nhưng có thể cố gắng đạt được.
Về kế hoạch lợi nhuận giảm 6%, ông Ngân cho rằng điều này thể hiện sự thận trọng của ban điều hành. Theo đó, nếu so với nhà sản xuất nhựa khác tương đồng với BMP là Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (HNX: NTP) thì kế hoạch lợi nhuận năm 2023 của BMP vẫn cao hơn xấp xỉ 230 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hoàng Ngân cho rằng nếu điều kiện thuận lợi, lợi nhuận năm 2023 của BMP có thể chỉ giảm nhẹ, hoặc có thể đạt được tăng trưởng dương.
Riêng trong quý I, doanh thu thuần của Nhựa Bình Minh đạt gần 1.440 tỷ đồng, tăng 6,7% so với mức thực hiện cùng kỳ năm 2022. Biên lãi gộp tăng từ 23,64% (quý I/2022) lên mức 38,52% (quý I/2023). Lợi nhuận gộp đạt hơn 554 tỷ đồng, tăng trưởng ở mức 73,8%.
Trừ đi các loại chi phí, Nhựa Bình Minh báo lãi sau thuế hơn 280 tỷ đồng, tương đương gấp 2,2 lần mức thực hiện cùng kỳ năm 2022. Đây là mức lợi nhuận cao nhất (theo quý) mà công ty từng ghi nhận trong lịch sử hoạt động.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.