Bất động sản

Seaprodex Saigon 'rời tổ kén', đổi tên thành Địa ốc SSN

(VNF) – Việc đổi tên thành "Công ty Cổ phần Địa ốc SSN" được xem là động thái cuối cùng để hoàn tất quá trình chuyển đổi hoạt động kinh doanh từ thủy sản sang bất động sản của Seaprodex Saigon. Nói một cách hình ảnh, nó cũng như việc con bướm phá bỏ tổ kén để khẳng định rằng mình không còn là sâu.

Seaprodex Saigon 'rời tổ kén', đổi tên thành Địa ốc SSN

Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Sài Gòn sẽ đổi tên thành Công ty Cổ phần Địa ốc SSN

Từ Nhà nước đến tư nhân

Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Sài Gòn (Seaprodex Saigon, UPCoM: SSN) có tiền thân là Công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản TP. HCM được thành lập năm 1993, kinh doanh chính trong lĩnh vực chế biến và buôn bán thủy hải sản.

Năm 2006, Công ty được cổ phần hóa với vốn điều lệ 96 tỷ đồng. Theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 4103005673 ngày 07/12/2006 do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM cấp, danh sách cổ đông sáng lập của Seaprodex Sai Gon gồm: Seaprodex, Trần Văn Hạnh (Chủ tịch HĐQT), Cao Thị Quế Anh và 466 cổ đông khác.

Trong đó, quy mô sở hữu của Nhà nước (thông qua Seaprodex) là 5,8 triệu cổ phần, tương ứng tỷ lệ 61,03%. Tỷ lệ này được giữ nguyên đến cuối năm 2013.

Năm 2013 được xem là năm có nhiều biến chuyển quan trọng trong cơ cấu nhân sự của Seaprodex Saigon. Tại Đại hội thường niên tổ chức hồi tháng 5/2013, SSN đã miễn nhiệm 4/5 thành viên HĐQT, trong đó ông Trần Văn Hạnh nhường ghế Chủ tịch HĐQT cho bà Bùi Thị Phương Thảo.

Kỳ Đại hội này cũng đánh dấu sự xuất hiện lần đầu của ông Nguyễn Văn Liêm – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thanh Niên (ThanhNien Corp) – trong vai trò thành viên HĐQT SSN. Và chỉ sau 7 tháng tính từ ngày Đại hội thường niên, ông Liêm đã chính thức thay bà Thảo để đảm nhiệm chức Chủ tịch HĐQT SSN ((tháng 12/2013).

Sự ảnh hưởng của ThanhNien Corp tại SSN càng gia tăng khi tại Đại hội cổ đông bất thường tổ chức tháng 1/2014, hai ông Nguyễn Ngọc Toàn, Nguyễn Xuân Toàn – các cộng sự của ông Liêm – được bầu vào HĐQT. Tại thời điểm đó, ThanhNien Corp nắm 7,36% vốn SSN – là cổ đông lớn thứ 2, sau cổ đông Nhà nước (Seaprodex).

Tuy nhiên, bước ngoặt lớn nhất là Nghị quyết phiên họp thứ 10 ngày 10/12/2013 của HĐQT SSN. Theo đó, từ ngày 30/11/2013, Nhà nước không còn giữ vốn tại SSN, đồng nghĩa SSN được tư nhân hóa hoàn toàn. Mức giá chuyển nhượng cho thương vụ thoái vốn này được xác định ở mức 10.500 đồng/cổ phần.

Từ năm 2013 đến nay, cơ cấu nhân sự của SSN liên tục biến đổi. Đáng kể nhất là việc ông Nguyễn Nhân Kiệt (đại diện sở hữu cho Công ty Cổ phần Đầu tư Thanh Niên – do ThanhNien Corp nắm 30% vốn) trở thành cổ đông lớn nhất của SSN với tỷ lệ nắm giữ 51,01% vào năm 2015. Hoặc việc ông Nguyễn Văn Liêm thôi chức Chủ tịch HĐQT vào tháng 6/2016, thay thế là ông Đặng Văn Diện; rồi ông Đặng Văn Diện lại thôi chức để nhường vị trí cho ông Vũ Cao Trung…

Từ thủy sản sang bất động sản

Việc Nhà nước thoái vốn và sự gia tăng ảnh hưởng của ThanhNien Corp đã làm thay đổi sâu sắc hoạt động kinh doanh của SSN. Từ doanh nghiệp thua lỗ (năm 2012 lỗ 44 tỷ đồng, năm 2013 lỗ 13 tỷ đồng), SSN vươn lên báo lãi 1,4 tỷ đồng (năm 2014), 11 tỷ đồng (năm 2015), 83 tỷ đồng (năm 2016) và 38 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2017.

Năm 2015, cơ cấu vốn của SSN có bước chuyển biến quan trọng khi HĐQT quyết nghị thông qua việc phát hành riêng lẻ 30 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 96 tỷ đồng lên 396 tỷ đồng.

300 tỷ đồng thu về được, SSN dự định sẽ dùng phần lớn (270 tỷ đồng) đầu tư vào các doanh nghiệp cùng ngành nghề để mở rộng sản xuất kinh doanh, tập trung giữ vững cơ cấu xuất khẩu vào 2 thị trường chính là Hàn Quốc và EU với các mặt hàng chủ lực cá tra, bạch tuộc.

Tuy nhiên, tiền thu được từ tăng vốn đã không chảy vào các doanh nghiệp thủy sản. Đầu năm 2016, SSN đã nhanh chóng chuyển hướng sang lĩnh vực bất động sản khi bỏ ra 303 tỷ đồng mua lại 99,99% Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Sài Gòn (Sp.CO) – chủ sở hữu của hơn 8.000 m2 tại đường Nguyễn Văn Hưởng, Thảo Điền, quận 2, TP. HCM.

Cũng trong năm 2015, SSN ký hợp đồng hợp tác với CTCP - Tổng công ty Dâu Tằm Tơ Việt Nam. Theo đó, Công ty góp vốn bằng quyền sở hữu đối với công trình xây dựng trên đất và quyền sử dụng đất tại 1534 Võ Văn Kiệt (phường 6, quận 7, TP. HCM). Còn Dâu Tằm Tơ Việt Nam góp vốn bằng chi phí đầu tư.

Sang năm 2016, SSN tiếp tục ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ xây dựng (Traseco) về việc hợp tác đầu tư dự án Centa Park (tại khu đất 678 Âu Cơ, phường 14, quận Tân Bình, TP. HCM). Theo đó, Công ty sẽ góp bằng quyền đầu tư dự án và các hạng mục công trình với giá tạm tính là 500 tỷ đồng, Traseco góp tiền 500 tỷ đồng.

Dự án Centa Park của SSN

Mặc dù vậy, phải đến Đại hội cổ đông thường niên năm 2017 (tổ chức vào tháng 6 vừa qua), SSN mới chính thức đoạn tuyệt với kinh doanh thủy sản để chuyển hẳn qua bất động sản.

Ông Vũ Đức Tâm, Tổng giám đốc SSN, khẳng định năm 2017 Công ty sẽ tạm dừng mảng thủy sản để tập trung vào việc cho thuê mặt bằng, kho bãi, kinh doanh bất động sản, đầu tư tài chính…

Theo đó, Công ty sẽ ký kết hợp tác đầu tư phát triển dự án số 4 Phạm Phú Thứ, quận Tân Bình (tổng mức đầu tư dự kiến 2.400 tỷ đồng); mua nhà và diện tích đất tương ứng của tầng trệt, lửng, lầu 5, 6, 8 tại số 49 Pasteur và số 87 Hàm Nghi, quận 1…

Được biết, ở thời điểm hiện tại, SSN đang thực hiện dự án Centa Park. Dự án có tổng mức đầu tư 2.200 tỷ đồng, quy mô 4 block cao 33 tầng (tầng 1- 4 là trung tâm thương mại, tầng 6-28 là căn hộ điển hình, tầng 29-30 là duplex và penhouse).

Ngoài ra, Công ty cũng có ý định tiếp tục mở rộng quỹ đất để dành cho những năm sau. Mục tiêu trong năm 2017, quỹ đất của SSN sẽ tăng hơn 6ha trong nội thành và tổng vốn hóa đạt 2.000 tỷ đồng. Đến năm 2020, SSN dự kiến sẽ có 10 ha đất sạch trong nội thành TP. HCM.

Dồn tiền vào bất động sản

Việc chuyển qua hoạt động kinh doanh bất động sản từ năm 2015 đã làm thay đổi về "chất" SSN. Thế nên chuyện Công ty lấy ý kiến cổ đông để đổi tên thành Công ty Cổ phần Địa ốc SSN không phải là chuyện "ve sầu lột xác" (ve vẫn hoàn ve) mà là chuyện con bướm chui ra khỏi kén tằm. Chất đã đổi từ lâu thì tên cũng nên đổi cho tương xứng, tựa như việc thay áo mới cho "chính danh".

Căn cứ vào báo cáo tài chính giữa niên độ đã soát xét năm 2017, có thể nhìn thấy các hoạt động đầu tư bất động sản đang được SSN đẩy mạnh như thế nào.

Cụ thể, tính đến ngày 30/6/2017, SSN có tài sản ngắn hạn là 1.096 tỷ đồng, tập trung hầu hết vào các khoản phải thu (1.092 tỷ đồng).

Chiếm phần lớn trong số đó là tiền hợp tác đầu tư (747 tỷ đồng) gồm: Công ty Cổ phần Vật tư Xuất nhập khẩu Tân Bình 200 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Bưu chính Viễn thông 226 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Nam Tiến 305 tỷ đồng.

Đây là các khoản đầu tư mà SSN chuyển cho các bên nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho Công ty Cổ phần PPT Land thực hiện dự án Chung cư và Thương mại dịch vụ cao tầng tại số 4 Phạm Phú Thứ. Thời hạn của khoản ứng tiền này 12 tháng (kể từ tháng 1 và 3/2017) với lãi suất 15%.

Bên cạnh đó SSN còn cho vay ngắn hạn 242 tỷ đồng gồm: cho Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Bưu chính Viễn thông vay 200 tỷ đồng (hạn thu hồi cuối năm 2017, lãi suất 11,5%), cho Công ty Cổ phần Vật tư Xuất nhập khẩu Tân Bình vay 41 tỷ đồng (hạn thu hồi cuối năm 2017, lãi suất 18%)…

Nói một cách ngắn gọn, điều này có nghĩa là SSN đã đem gần như toàn bộ tài sản ngắn hạn của mình đi đầu tư bất động sản.

Tại ngày 30/6/2017, tổng nợ phải trả của SSN là 664 tỷ đồng. 99% là nợ ngắn hạn (663 tỷ đồng). Chiếm nhiều nhất là khoản "phải trả ngắn hạn khác" (536 tỷ đồng), gồm: Traseco (500 tỷ đồng), CTCP - Tổng công ty Dâu Tằm Tơ Việt Nam (14,7 tỷ đồng)…

Đây là các khoản mà SSN phải góp theo hợp đồng hợp tác đầu tư đã ký với các đơn vị này trước đó nhằm đầu tư dự án Centa Park và khu đất 1534 Võ Văn Kiệt.

Tin mới lên