Tài chính

Sếp UBCKNN: 'Chứng khoán Việt Nam còn nhiều dư địa tăng trưởng'

Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường (UBNCKNN) đánh giá, trong thời gian tới, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố tích cực từ trong và ngoài nước.

Sếp UBCKNN: 'Chứng khoán Việt Nam còn nhiều dư địa tăng trưởng'

Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường (UBNCKNN).

- Bà đánh giá thế nào về thị trường chứng khoán Việt Nam từ đầu năm đến nay?

Bà Tạ Thanh Bình: Dưới tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, thị trường chứng khoán Việt Nam đã phải chịu những ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, sau khi Chính phủ ban hành các biện pháp thực hiện giãn cách xã hội cùng với các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, từ mức thấp nhất 659,21 điểm của chỉ số VN-Index vào ngày 23/3/2020, TTCK Việt Nam đã nhanh chóng tăng trưởng trở lại vào Quý II/2020.

Bước sang Quý III/2020, mặc dù làn sóng COVID-19 lần 2 khiến kế hoạch mở cửa kinh tế chậm lại nhưng nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Tài chính, TTCK Việt Nam đã duy trì được xu thế tăng điểm trong những tháng cuối năm 2020 và được đánh giá là một trong những thị trường có sức chống chịu với đại dịch và phục hồi tốt nhất trên thế giới.

Kết thúc năm 2020, chỉ số VN-Index đạt 1.103,87 điểm, tăng 14,9% và chỉ số HNX-Index tăng 98,1% so với cuối năm 2019. Bước sang năm 2021, chỉ số VN-Index bứt phá mạnh mẽ, liên tục lập đỉnh mới với thanh khoản gia tăng đáng kể.

Nếu như giá trị giao dịch bình quân năm 2020 đạt trên 7.420 tỷ đồng/phiên, tăng 59,3% so với bình quân năm 2019, thì trong Quý I/2021, giá trị giao dịch bình quân đạt 19.319 tỷ đồng/phiên, tăng 160% so với bình quân năm trước, những ngày cuối tháng 5 vừa qua, thanh khoản toàn thị trường thường xuyên trên mức 25.000 tỷ đồng, thậm chí đạt mức 37 - 38.000 tỷ đồng trong các phiên đầu tháng 6.

- Đâu là yếu tố giúp thị trường tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa đầu năm, thưa bà?

Sự tăng điểm của TTCK Việt Nam bắt nguồn từ nhiều yếu tố trong và ngoài nước.

Cụ thể, Việt Nam đang thực hiện rất tốt mục tiêu kép: tăng trưởng kinh tế và kiểm soát tốt dịch bệnh. Kinh tế Việt Nam năm 2021 được đánh giá là có cơ hội phục hồi cao hơn so với nhiều nước. Cùng với đó, lãi suất tiết kiệm thấp dẫn đến dòng tiền nhàn rỗi đã được đầu tư vào TTCK nhiều hơn, góp phần tăng sức mua trên thị trường.

Ngoài ra, yếu tố nội tại của các doanh nghiệp cũng được củng cố. Theo đó, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý I/2021 có dấu hiệu cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm 2020 - giai đoạn dịch bệnh bắt đầu ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên sàn. Trong đó, chỉ tiêu lợi nhuận tăng mạnh hơn so với doanh thu thuần.

Thêm vào đó, hầu hết TTCK thế giới đã tăng điểm và hồi phục tích cực kể từ những tháng cuối năm 2020 như TTCK Mỹ tăng 11,7%, Pháp 13,6%, Đức 12,5%, Nhật 8,2%, Hàn Quốc 11,3%, Singapore 11,7%, Thái Lan 8,7%...

Trong Quý I/2021, các nền kinh tế lớn nhất thế giới (Mỹ, Trung Quốc) có dấu hiệu khởi sắc và tăng trưởng trở lại. Như vậy, sự tăng trưởng của TTCK thời gian qua được đánh giá là tích cực, phù hợp với diễn biến chung của nền kinh tế trong nước và quốc tế.

- Theo bà, đâu sẽ là động lực cho thị trường chứng khoán trong thời gian tới?

Trong thời gian tới, TTCK Việt Nam tiếp tục được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố tích cực từ trong và ngoài nước.

Về quốc tế, chương trình tiêm vacccine ngừa COVID-19 đã được triển khai trên diện rộng tại nhiều quốc gia. Trong quý I/2021, kinh tế thế giới có dấu hiệu khởi sắc, trong đó, nền kinh tế Mỹ được phục hồi đáng kể khi chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) trong tháng 2 đã tăng lên 60,8 điểm, đây là điểm số cao nhất kể từ khi kinh tế nước này chịu ảnh hưởng tiêu cực do đại dịch COVID-19 gây ra; kinh tế các nước châu Á như Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc tăng trưởng trở lại.

Ở trong nước, tình hình kinh tế vĩ mô duy trì xu hướng phục hồi ổn định; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện rõ rệt, tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt mức cao nhất kể từ năm 2011; chỉ số PMI liên tiếp đạt trên mức 50 điểm trong những tháng gần đây đang thể hiện sự phục hồi rõ nét của sản xuất.

Bên cạnh đó, kinh tế Việt Nam năm 2021 được đánh giá là có cơ hội phục hồi cao hơn so với nhiều nước. Theo dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục trong năm 2021 với tốc độ tăng trưởng GDP đạt từ 6,5% đến 6,6%. Dịch bệnh đã và đang được kiểm soát cũng giúp nhà đầu tư có tâm lý an tâm khi Việt Nam bắt đầu triển khai việc tiêm vacccine trên toàn quốc.

Theo tôi, một yếu tố tích cực khác đối với thị trường chứng chứng khoán là chính sách lãi suất tiếp tục duy trì ở mức thấp để hỗ trợ cho phát triển kinh tế trong và sau dịch COVID-19. Do vậy, chứng khoán vẫn tiếp tục thu hút mạnh nhà đầu tư thời gian tới, đặc biệt là các nhà đầu tư mới.

- Bên cạnh những thuận lợi thì chắc hẳn sẽ kèm theo những thách thức, thưa bà?

Đúng vậy. Triển vọng tăng trưởng của TTCK Việt Nam trong thời gian tới vẫn phải đối mặt với những nguy cơ lớn, trong đó, việc đại dịch COVID-19 kéo dài trên toàn cầu sẽ là nguy cơ lớn nhất. Từ đầu tháng 3/2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo châu Âu về làn sóng lây nhiễm thứ 3 khi số ca mắc mới tăng cao kỷ lục ở nhiều quốc gia tại châu Âu cho thấy tính chất phức tạp và khó lường của đại dịch.

Trong thời gian gần đây, các nước Đông Nam Á láng giềng như Campuchia, Lào và Thái Lan phải kích hoạt báo động đỏ trước làn sóng bùng phát dịch COVID-19 sau thời gian tạm lắng.

Vì vậy, diễn biến của TTCK phụ thuộc vào khả năng kiểm soát dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam cũng như mức độ hồi phục của nền kinh tế trong nước và quốc tế. Ngoài ra, nhu cầu của thị trường, đặc biệt là sức mua của nhà đầu tư trong nước cần đủ lớn để giữ đà cho nhịp tăng trưởng của TTCK trong bối cảnh nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng mạnh trên TTCK thời gian qua.

- Vậy UBCKNN có những kế hoạch gì để điều hành TTCK Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp?

Với vai trò là cơ quan quản lý, Bộ Tài chính đã chỉ đạo UBCKNN kiên định với chính sách hạn chế can thiệp hành chính thị trường, thực hiện các giải pháp trung và dài hạn giúp thị trường phát triển cân bằng, minh bạch và ổn định.

Theo đó, UBCKNN đã và đang tích cực triển khai các giải pháp sau: Thứ nhất, triển khai 3 đề án lớn (Đề án Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam đến năm 2030, Đề án thành lập sàn giao dịch vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, Đề án nghiên cứu khuôn khổ pháp lý cho hoạt động chứng khoán hóa các khoản nợ) và hoàn thiện khung pháp lý cho TTCK.

Hai là, tập trung triển khai các giải pháp xử lý triệt để vấn đề nghẽn lệnh giao dịch tại SGDCK TP.HCM và đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Gói thầu Công nghệ thông tin TTCK (KRX), đảm bảo hoạt động thông suốt, hiệu quả.

Ba là, tích cực triển khai công tác tái cấu trúc TTCK, theo hướng giảm số lượng, tăng chất lượng của các CTCK và công ty quản lý quỹ.

Thứ tư, tăng cường công tác giám sát, phối hợp giám sát thường xuyên và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trên TTCK, hướng tới một thị trường phát triển ổn định.

Thứ năm, UBCKNN đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới về nâng hạng thị trường trong khuôn khổ chương trình phát triển thị trường vốn. Thứ sáu, UBCKNN đã và đang phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX), hình thành cơ cấu tổ chức, bộ máy, điều lệ và các quy chế quan trọng.

- Bà có thể làm rõ hơn quyền hạn và trách nhiệm của VNX, HNX và HOSE, cũng như vai trò của cơ quan quản lý là UBCKNN khi VNX đi vào hoạt động?

Việc phân công chức năng quản lý, giám sát giữa công ty mẹ (VNX) và công ty con (HNX và HOSE) vừa đảm bảo tính tổng thể, vừa mang tính chất chuyên sâu đối với từng khu vực thị trường, khắc phục được những hạn chế tồn tại hiện nay.

Mô hình tổ chức này cũng phù hợp với thông lệ và kinh nghiệm quốc tế về tổ chức SGDCK theo mô hình công ty mẹ - con.

- Xin cảm ơn bà!

Tin mới lên