Nhân vật

Shark Thuỷ: Thương vụ triệu USD thất bại, khất nợ học phí tiếng Anh

(VNF) - Thời gian qua, 'shark Thủy' là một trong những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất vì liên quan đến hàng loạt lùm xùm như: nhà đầu tư tố quỵt nợ, công ty không trả lương nhân viên, trung tâm tiếng anh thu tiền học phí rồi đóng cửa,...

Shark Thủy hay còn được gọi là ông Nguyễn Ngọc Thủy - Chủ tịch HĐQT Egroup, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Apax Holdings - đơn vị sở hữu hệ thống Trung tâm tiếng anh Apax English. Sau khi tham gia Shark Tank Việt Nam 3 mùa đầu tiên, ông trở nên nổi tiếng hơn và tên gọi shark Thủy gắn liền với vị chủ tịch này kể từ đó. 

Điểm chung của các startup do shark Thủy rót vốn là hầu hết đều bị các nhà đầu tư khác từ chối, và quan điểm của ông là: 'Anh thích lao vào khi người khác bỏ đi'.

Những thương vụ triệu USD của Shark Thủy

Theo thông tin từ Shark Tank Việt Nam, trong hai mùa tham gia Shark Tank, ông Nguyễn Ngọc Thủy đang giữ tỷ lệ vàng của Shark Tank với lời đề nghị đầu tư vào 9 công ty trên truyền hình. Tuy nhiên, không phải lần đầu tư nào của shark Thủy cũng thành công. Soya Garden, We Escape là 2 startup nguy cơ thất bại hoặc thất bại vì phải đóng cửa gần như toàn bộ hệ thống.  

Thương vụ đình đám nhất là đầu tư vào Chuỗi cửa hàng đậu nành được sáng lập bởi hai chị em Hoàng Thu Thủy và Hoàng Anh Tuấn.

Xuất hiện tại mùa 1, trong khi các shark khác không ai 'xuống tiền' đầu tư, shark Thủy lại cam kết đầu tư 15 tỷ đồng để đổi lấy 45% cổ phần của đơn vị này với lộ trình hoàn vốn 3 năm. Sau khi nhận được đầu tư từ shark Thủy, Soya Garden nhanh chóng tăng vốn điều lệ từ 30 triệu đồng lên 20 tỷ đồng vào tháng 3/2018 và một năm sau lên mức 100 tỷ đồng. Nguồn vốn này phần lớn đến từ tập đoàn Egroup của shark Thủy.

Tuy nhiên, theo thông tin trên website Soya Garden, sau gần 3 năm, từ một chuỗi có 50 cửa hàng tại nhiều tỉnh thành chỉ còn vỏn vẹn 4 cửa hàng tại Hà Nội. 

Nhà đồng sáng lập Hoàng Anh Tuấn cũng rời Soya Garden. Ông Tuấn cũng không còn là người đại diện theo pháp luật của công ty từ tháng 8/2020. Người đại diện theo pháp luật của Soya Garden hiện nay là bà Nguyễn Thị Dung. Bà cũng chính là người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần Tập đoàn Ozen, Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ Cogo, Công ty cổ phần Edu Invest, Công ty cổ phần Tập đoàn Ozen, Công ty cổ phần Ecapital Holdings.

Đây được xem như là một thương vụ thất bại nặng nề của Shark Thủy.

Shark Thủy và CEO Soya Hoàng Anh Tuấn tại buổi lễ công bố gói đầu tư 55 tỷ đồng.

Một thương vụ đầu tư vào ngành nghề khá lạ là Volunteer For Education. Đây là mô hình du lịch tình nguyện V.E.O xuất hiện tại Shark Tank Việt Nam ở mùa 1 đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư. Với định hướng của trở thành mạng lưới lớn nhất kết nối người trẻ cống hiến vì cộng đồng trên toàn thế giới. 3 nhà đầu tư gồm shark Nguyễn Xuân Phú, shark Trần Anh Vương cùng đưa ra đề nghị 2,7 tỷ đồng cho 36% cổ phần. Hiện startup này vẫn hoạt động.

Một thương vụ đình đám khác là We Escape. Startup chuyên về trò chơi nhập vai thực tế 5D này cho Vương Chí Nhân sáng lập. Shark Thủy thỏa thuận đầu tư 5 tỷ đồng cho 36% cổ phần. Thực tế sau đó ông rót tới 30 tỷ đồng vào startup này. Năm 2018, We Escape chính thức trở thành một dự án giải trí đầy hứa hẹn trong hệ thống Egroup.

Tuy nhiên, sau 2 năm chống chọi với đại dịch Covid-19, đầu năm nay, startup này thông báo đóng cửa toàn bộ hệ thống.

Ngoài ra, có thể kể đến các thương vụ khác của Shark Thuỷ như:

Xe lăn đa năng - VH: Được sáng lập bởi Lê Văn Hóa với mô hình sản xuất xe lăn đa năng cho người khuyết tật. Tại thương vụ này,  3 nhà đầu tư gồm: shark Hưng, shark Vương và shark Thủy đồng ý đầu tư 1 tỷ đồng cho 36% vốn cổ phần công ty.

Umbala: Được sáng lập bởi Nguyễn Minh Thảo, Umbala là một ứng dụng tiên phong cho trào lưu quay và chia sẻ video của giới trẻ do chính người Việt tạo ra sớm hơn cả mạng xã hội TikTok. Tuy nhiên, do thiếu hụt về nguồn vốn so với các đối thủ nước ngoài nên startup này không thể tiến xa được trên thị trường. Thậm chí, trên chính sân nhà, ứng dụng này cũng đuối sức khi cạnh tranh với TikTok. Sau này, Umbala tái định vị thương hiệu thành Umbala Network theo hướng áp dụng công nghệ blockchain vào thương mại điện tử.

Thương vụ này được shark Thủy và shark Vương thỏa thuận đầu tư 260.000 USD (gần 6 tỷ đồng theo tỷ giá thời điểm đó) cho 15% cổ phần.

Magic Book:Với thương vụ này, shark Thủy thỏa thuận đầu tư 550.000 USD (khoảng 12,5 tỷ đồng) cho 30% cổ phần. Startup trong lĩnh vực giáo dục được sáng lập bởi Bùi Quang Huy. 

Chè bưởi Bống nấu: Startup do bé Nguyễn Hoàng Bảo Ngọc (bé Bống) lập ra. Thương vụ này shark Hưng và shark Thủy cùng thỏa thuận đầu tư 300 triệu đồng cho 30% vốn cổ phần.

Talks Café 100% English: Shark Thủy đồng ý đầu tư 5 tỷ đồng đổi lấy 45% cổ phần của startup giáo dục. Startup này là mô hình quán cà phê kết hợp dạy tiếng Anh do Đinh Minh Quyền sáng lập.

Pema - Nhà hàng Chay: Thương vụ này shark Thủy thỏa thuận đầu tư 3 tỷ đồng đổi lấy 80% cổ phần của startup chuyên về nhà hàng chay do Lâm Thị Hoài sáng lập.

Những 'ồn ào' nợ tiền của Shark Thủy 

Apax English và EnglishNow vốn là 'gà đẻ trứng vàng' của Apax Holdings, là thành viên trực thuộc Tập đoàn Egroup của Shark Thủy. Trước đó, hàng chục phụ huynh cùng với những nhân viên bị nợ lương đã 'rồng rắn' kéo đến trụ sở của Egroup tại Hà Nội, để yêu cầu ban lãnh đạo xử lý triệt để việc nơi này đã nhận tiền nhưng không tổ chức dạy học theo kế hoạch cho học viên. Trung tâm này cũng không thông báo để nói rõ vấn đề với phụ huynh và các học viên.

Những lùm xùm xảy ra tại Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders thời gian dài. Tại TP. HCM, ông Nguyễn Ngọc Thủy, Tổng giám đốc đã có nhiều buổi làm việc với phụ huynh với mục đích xin lỗi, thông báo tái cấu trúc trung tâm và hoàn trả học phí. Nhưng đến nay, vụ việc vẫn chưa đi đến hồi kết.

Ông Thủy thông tin, sau khi trở lại hoạt động trong bối cảnh còn rất nhiều khó khăn, trung tâm Apax Leaders đã cố gắng ưu tiên mọi nguồn lực để ổn định việc học tập cho học sinh cũng như quyền lợi của người có nhu cầu hoàn phí. Tuy nhiên, hiện tại có nhiều khó khăn phát sinh ngoài dự kiến dẫn đến kế hoạch hoàn phí cho phụ huynh bị chậm so với cam kết. Apax Leaders mong được hoạt động trở lại và mong phụ huynh thông cảm, tạo điều kiện.

Trong thư, ông Nguyễn Ngọc Thuỷ tiếp tục xin lỗi, không đề cập đến việc khi nào sẽ trả nợ như cam kết trước đó.

Dù viết tay cam kết với phụ huynh sẽ hoàn trả học phí chắc như 'đinh đóng cột' nhưng ông Thuỷ vẫn tiếp tục thất hứa.

Liên quan đến vụ việc, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP. HCM cho biết, Sở đã làm việc với các cơ quan chức năng và Công an TP. HCM để yêu cầu Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders có trách nhiệm với phụ huynh.

Ngoài ra, Sở cũng đã gửi công văn đề nghị Apax Leaders thực hiện đúng lộ trình hoàn tiền học phí cho phụ huynh như đã cam kết. Đồng thời, yêu cầu phía trung tâm này báo cáo về tình hình hoàn trả phí cho phụ huynh tại TPHCM.

Phụ huynh Apax đến Sở GD-ĐT TP.HCM khi ông Nguyễn Ngọc Thuỷ thất hứa.

Hồi đầu tháng 11, Thanh tra Sở đã tiếp nhận đơn tố cáo của phụ huynh và sẽ thực hiện theo luật tố cáo. 

Được biết, Sở đã có nhiều buổi làm việc với phía Apax Leaders và yêu cầu đơn vị này gặp mặt trực tiếp với phụ huynh để trao đổi, chia sẻ cùng phụ huynh để thấu hiểu hơn. Sở GD&ĐT TPHCM chỉ quản lý Apax Leaders về mặt hành chính, do đó, những trung tâm nào không đủ điều kiện sẽ tạm đình chỉ hoạt động.

Tin mới lên