Skypec và VALC: Cặp đôi 'gà đẻ trứng vàng' của Vietnam Airlines

Chí Bình - 15/12/2023 15:59 (GMT+7)

(VNF) - Công ty TNHH MTV Nhiên liệu hàng không Việt Nam (Skypec) hiện có vốn điều lệ 800 tỷ đồng do Vietnam Airlines nắm 100%. Trong khi đó, Công ty cổ phần cho thuê máy bay Việt Nam (VALC) có vốn điều lệ 1.520 tỷ đồng, trong đó Vietnam Airlines nắm giữ 32,48%.

Ngày mai (16/12), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HoSE: HVN) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 và dự kiến sẽ thông qua hàng loạt nội dung quan trọng nhằm tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh, tái cơ cấu tài sản, tái cơ cấu các khoản đầu tư ra ngoài doanh nghiệp, tái cơ cấu nguồn vốn để dần khắc phục lỗ lũy kế và khôi phục trạng thái tài chính lành mạnh.

Skypec thu 90 tỷ mỗi ngày

Skypec có vốn điều lệ 800 tỷ đồng, do Vietnam Airlines sở hữu toàn bộ. Với sức chứa hơn 220.000m3, Skypec sở hữu hệ thống kho cảng đầu nguồn tại các cảng biển lớn và kho sân bay tại 18 sân bay dân dụng trên toàn quốc, có khả năng phục vụ trên 214.000 chuyến bay với tổng sản lượng hằng năm đạt trên 2 triệu tấn mỗi năm.

Skypec có vốn điều lệ 800 tỷ đồng và do Vietnam Airlines sở hữu toàn bộ.

Theo báo cáo thường niên năm 2022 mà Vietnam Airlines vừa công bố, cho biết năm ngoái, Skypec bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khó khăn trong đó có biến động giá nhiên liệu, nhiều thời điểm nguồn cung căng thẳng gây khó cân đối nguồn hàng. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất kinh doanh của Skypec vẫn tăng trưởng mạnh so với năm trước đó.

Theo đó, Skypec đạt tổng sản lượng 1,25 triệu tấn nhiên liệu trong năm 2022, gấp đôi năm 2021. Kết quả này giúp doanh nghiệp ghi nhận tổng doanh thu gần 33.000 tỷ đồng, tương đương với mức thu bình quân hơn 90 tỷ đồng/ngày. Mức doanh thu này cũng vượt đỉnh 2 năm trước dịch 2018-2019.

Skypec ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 281 tỷ đồng. Đây cũng là mức lãi cao nhất của doanh nghiệp này kể từ khi ngành hàng không bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.

Hồi cuối tháng 6, Chính phủ yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xử lý phương án chuyển nhượng Skypec từ Vietnam Airlines về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Trước đó, Vietnam Airlines thông tin muốn bán vốn tại công ty nhiên liệu hàng không này như một trong các nỗ lực tự thân để khắc phục các khó khăn tài chính.

VALC thu 3 đồng lãi 1 đồng

VALC có vốn điều lệ 1.520 tỷ đồng, trong đó Vietnam Airlines nắm giữ 32,48%, BIDV và PVComBank nắm gần 31%. Đây là công ty duy nhất cho thuê máy bay tại Việt Nam. Bên cạnh việc cho thuê, công ty này còn bảo dưỡng và cung cấp phụ tùng cho máy bay.

Vietnam Airlines nắm giữ 32,48% cổ phần tại VALC.

Báo cáo của Vietnam Airlines cũng cho biết, năm 2022, VALC đã ghi nhận tổng cộng 72 triệu USD (hơn 1.700 tỷ đồng) doanh thu và 21,8 triệu USD (gần 530 tỷ đồng) lợi nhuận trước thuế. Tính ra, VALC cứ thu vào 3 đồng là lại có lãi 1 đồng.

Trước khi đại dịch xảy ra, doanh thu và lợi nhuận của VALC tăng trưởng đều đặn qua từng năm. Năm 2017, công ty lãi kỷ lục 604 tỷ đồng, sau đó giảm dần do ảnh hưởng của Covid-19.

Hồi đầu năm, VALC nhận được sự chú ý khi bán đấu giá một tàu bay ATR 72-500 số hiệu sản xuất 925 (MSN 925) với giá khởi điểm 136,6 tỷ đồng.

Vào năm 2016 trước đó, công ty này cũng thông báo đấu giá 5 máy bay ATR 72-500, trong đó chiếc ATR 72-500 MSN 925 được bán đấu giá khởi điểm 215 tỷ đồng.

Đến năm 2018, chiếc tàu bay trên cùng 2 chiếc ATR 72-500 khác tiếp tục được mang ra đấu giá với mức khởi điểm 189 tỷ đồng (tương đương 8,3 triệu USD). Tuy nhiên đến nay, sau 8 lần đấu giá, VALC vẫn chưa bán được chiếc tàu bay ATR 72-500 MSN 925.

Xem thêm >>> Vietnam Airlines thu hơn 71.700 tỷ đồng trong năm 2022 

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.