Công nghệ

Sở hữu lợi thế hiếm có khó tìm: Cơ hội 'xưng vương' của công nghiệp bán dẫn ASEAN

(VNF) - Cuộc đua bán dẫn từng là sân chơi riêng của những 'ông lớn' như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản. Nhưng giờ đây, ASEAN được xem như một 'ngôi sao đang lên' với những lợi thế rất riêng.

Sở hữu lợi thế hiếm có khó tìm: Cơ hội 'xưng vương' của công nghiệp bán dẫn ASEAN

Ảnh minh họa

Cuộc đua gay cấn

Không quá lời khi nói rằng cuộc đua bán dẫn trên toàn cầu đang là một trong những cuộc đua căng thẳng và gay cấn nhất ở thời điểm hiện tại. Đại dịch Covid-19, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cùng xung đột Nga – Ukraine đã ảnh hưởng không nhỏ tới chuỗi cung ứng mặt hàng thiết yếu này,

Mỹ, Hàn Quốc, châu Âu và Trung Quốc đều đang nhanh chóng phát triển các nhà máy bán dẫn của mình nhằm tự chủ nguồn cung và giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài. Chưa kể, Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan cũng thực hiện các biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ bán dẫn sang Trung Quốc với lý do an ninh. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc cũng đặt ra các lệnh hạn chế xuất khẩu đối với các nguyên liệu thô bán dẫn quan trọng, cụ thể là gali và gecmani được sử dụng trong sản xuất chip, tấm pin mặt trời và pin xe điện.

Không riêng các quốc gia có nền kinh tế phát triển, nhiều quốc gia khác cũng đang nỗ lực điều chỉnh và tăng sức cạnh tranh để trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Cuộc đua về chất bán dẫn cũng đang nóng lên tại một số quốc gia Đông Nam Á như Malaysia, Philippines, Việt Nam và Singapore.

Theo tổ chức toàn cầu EY, khối kinh tế gồm 10 quốc gia Đông Nam Á là nhà xuất khẩu chất bán dẫn lớn thứ hai thế giới. Singapore thậm chí còn xây dựng được một ngành công nghiệp bán dẫn ấn tượng khi chiếm 5% công suất sản xuất tấm bán dẫn toàn cầu. Malaysia hiện là trung tâm lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói của thị trường bán dẫn. Cả Singapore và Malaysia đều đóng vai trò quan trọng trên thị trường bán dẫn toàn cầu, chiếm lần lượt 11% và 7% thị phần.

Các nhà sản xuất chip đang để mắt đến Đông Nam Á khi muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình. Nhiều công ty hàng đầu như Samsung, Intel, Applied Materials, Lam Research, KLA… đã chuyển một phần hoạt động sang Đông Nam Á và tăng cường năng lực sản xuất tại khu vực này.

Singapore và Malaysia là cứ điểm sản xuất thu hút nhiều 'ông lớn' trong ngành công nghiệp bán dẫn. 6 trên 12 tập đoàn sản xuất bán dẫn lớn nhất thế giới đều có nhà máy đặt tại Malaysia trong khi các nhà sản xuất chip đang đầu tư gần 200 tỷ USD vào ngành bán dẫn của Singapore.

Theo Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Đông Nam Á, ước tính đến năm 2026, Malaysia và Singapore sẽ có thêm 6 nhà máy chế tạo chip mới với trị giá 3 – 5 tỷ USD, góp phần đưa ASEAN trở thành khu vực có tăng trưởng công suất lắp đặt lớn nhất so với các khu vực khác trên thế giới.

Những 'thế lực mới nổi' trong ngành công nghiệp bán dẫn của Đông Nam Á còn có Thái Lan, Philippines, Indonesia và Việt Nam. Indonesia đang nổi lên như một cơ sở sản xuất thiết bị bán dẫn với chiến lược 'Chế tạo Indonesia 4.0'. Tại Philippines, thiết bị bán dẫn đang chiếm tới 70% lượng hàng điện tử xuất khẩu.

Việt Nam cũng đang trở thành quốc gia đóng vai trò then chốt trong kịch bản tái cấu trúc chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Samsung đã đầu tư gần 1 tỷ USD vào cơ sở linh kiện bán dẫn ở Việt Nam vào hồi năm 2022 trong khi Tập đoàn Intel của Mỹ đang chuẩn bị mở rộng hoạt động tại nước ta. Mới đây nhất, tập đoàn Amkor của Hàn Quốc đã khai trương cơ sở đóng gói chip trị giá 1,6 tỷ USD tại Bắc Ninh.

Dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào khu vực Đông Nam Á ngày càng tăng, đặc biệt là trong lĩnh vực bán dẫn. Trong năm 2022, tổng số vốn FDI vào ASEAN đạt hơn 224,2 tỷ USD, tăng từ 174 tỷ USD của năm 2021. FDI vào lĩnh vực điện tử, bán dẫn ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ trong cùng năm. Dòng tiền đầu tư này đã giúp mở rộng hơn nữa các hoạt động liên quan đến bán dẫn của khu vực Đông Nam Á trong những năm qua.

Xuất khẩu chất bán dẫn của khu vực ASEAN cũng đạt mức cao mới. Trong năm 2022, xuất khẩu của ASEAN sang Mỹ tăng gần gấp 4 lần, từ 87,9 tỷ USD lên 356,7 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu chất bán dẫn tăng tới 80%, đạt 9 tỷ USD. Xuất khẩu từ ASEAN sang Trung Quốc tăng gấp 18 lần so với năm 2000, từ 22,2 tỷ USD lên 408,1 tỷ USD. Đặc biệt, xuất khẩu chất bán dẫn đã tăng lên 26,6 tỷ USD trong năm 2022, tăng 176% so với năm 2017. Trong khi xuất khẩu chất bán dẫn của Mỹ và Trung Quốc lần lượt đạt 28,4 tỷ USD và 220 tỷ USD vào năm 2022 thì xuất khẩu chất bán dẫn của khu vực ASEAN cũng đạt hơn 165,3 tỷ USD, tăng gấp 3 lần con số 52,3 tỷ USD trong năm 2017. Doanh thu dự kiến của lĩnh vực bán dẫn của khu vực ASEAN đạt 101,8 tỷ USD trong năm 2023. Tất cả những con số này đều cho thấy tiềm năng to lớn của ASEAN trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

Loạt lợi thế có thể giúp ASEAN 'xưng vương'

Theo Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Đông Nam Á, thị trường bán dẫn toàn cầu sẽ có doanh thu 1.000 tỷ USD vào năm 2030 với tốc độ tăng trưởng 2 chữ số. Ông John Neuffer, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn của Mỹ (SIA), từng nhận định: 'Nhìn vào tương lai của công nghiệp bán dẫn, chúng ta có thể thấy được tiềm năng vô cùng to lớn của nó. Có rất nhiều ngành càng ngày càng phụ thuộc vào chip và khi miếng bánh trở nên to hơn thì mỗi phần của chiếc bánh cũng trở nên lớn hơn'. Rõ ràng, dư địa phát triển và tiềm năng của Đông Nam Á trong cuộc đua bán dẫn vẫn còn rất lớn.

Ở thời điểm hiện tại, Đông Nam Á đang sở hữu nhiều lợi thế 'hiếm có khó tìm'. Đầu tiên phải kể đến đó là lực lượng lao động dồi dào với trình độ kĩ thuật ngày càng cao. Indonesia sở hữu lực lượng lao động lớn nhất ASEAN với hơn 18 triệu lao động (tính đến năm 2019), trong đó có hơn 170.000 lao động trong lĩnh vực điện tử, bán dẫn. Lực lượng lao động trong lĩnh vực điện, điện tử (E&E) tại Malaysia lên tới hơn 600.000 người. Trong khi đó, Phillipines lại sở hữu lực lượng lao động có độ tuổi trung bình là 24 và thông thạo tiếng Anh khi đây là quốc gia nói tiếng Anh lớn thứ 5 trên thế giới.

Thế nhưng, ưu thế của ASEAN trong cuộc đua bán dẫn không chỉ dừng lại ở lực lượng lao động. Mỗi quốc gia trong khu vực lại có một thế mạnh riêng, góp phần tạo nên một hệ sinh thái bán dẫn đa dạng và có sức cạnh tranh không thua kém bất kỳ cường quốc bán dẫn nào trên thế giới. Theo tổ chức toàn cầu EY, Singapore, Việt Nam, Malaysia, Phillipines và Thái Lan đều là những quốc gia đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển và thiết kế vi mạch. Malaysia và Singapore còn có thêm lợi thế về sản xuất tấm wafer và phần mềm kĩ thuật trong khi Philippines, Thái Lan và Việt Nam dẫn đầu về sản xuất phụ trợ. Chưa kể, Việt Nam còn sở hữu trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai toàn cầu, chỉ sau Trung Quốc.

Nhìn lại lịch sử phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, dễ dàng nhận thấy thị trường này đã thay đổi không ngừng và liên tục chuyển giao, từ châu Âu và Mỹ sang Nhật Bản, Hàn Quốc và sau đó là Trung Quốc. Cục diện của thị trường bán dẫn toàn cầu liên tục thay đổi và khó có thể đoán trước được nhưng nhiều nhà kinh tế khẳng định chắc chắn rằng ASEAN sẽ sớm có được vị trí phù hợp trong chuỗi sản xuất bán dẫn toàn cầu.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu thế, ASEAN cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc đua bán dẫn khi ngày càng có nhiều quốc gia gia nhập sân chơi bán dẫn, từ Ấn Độ, Đông Âu sang Nam Mỹ. Các chuyên gia cho rằng cùng với những lợi thế sẵn có, ASEAN cần ưu tiên đầu tư hơn nữa vào nghiên cứu và phát triển, năng lực sản xuất và kỹ năng để nâng cao tiềm năng đổi mới và sản xuất chất bán dẫn. Nếu không làm tốt, ASEAN hoàn toàn có thể bị tụt hạng trước những 'người chơi' này và giấc mơ trung tâm bán dẫn toàn cầu có thể sẽ rời ra tầm với.

Từ khoá: ASEAN, bán dẫn, John Neuffer,
Tin mới lên