Soi tiềm lực ACIT, cổ đông mới tại nhà máy điện mặt trời 5.000 tỷ của Trung Nam Group

Anh Hùng - 22/06/2021 08:37 (GMT+7)

(VNF) - Ngoài việc sở hữu nhà máy điện mặt trời Bầu Zôn, mới đây, Công ty Cổ phần Kỹ thuật Công nghiệp Á Châu đã hoàn tất việc mua lại 49% cổ phần tại nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc từ Trung Nam Group.

VNF
Soi tiềm lực ACIT, cổ đông mới tại nhà máy điện mặt trời 5.000 tỷ của Trung Nam Group

ACIT chuyển mình, lấn sân vào lĩnh vực năng lượng tái tạo

Như VietnamFinance đã thông tin, mới đây, Công ty Cổ phần Kỹ thuật Công nghiệp Á Châu (ACIT) và Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) đã hoàn tất thương vụ chuyển nhượng cổ phần nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc 204MWac.

Theo đó, ACIT chính thức sở hữu 49% cổ phần của nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc từ Trung Nam Group.

Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc do Trung Nam Group làm chủ đầu tư được khởi công vào tháng 7/2018 với vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng. Nhà máy có diện tích khoảng 264ha, nằm trên địa bàn xã Lợi Hải và xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận.

Với thế mạnh sản xuất, kinh doanh và lắp đặt các thiết bị điện, ACIT đã và đang cung cấp các loại sản phẩm về điện cho các dự án lớn như chung cư An Bình City, chung cư Xuân Mai, chung cư Hà Nội Aqua Center, Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF, khu đô thị sinh thái Tuần Châu Ecopark...

Đáng chú ý, trong những năm gần đây, ACIT còn đẩy mạnh đầu tư vào mảng năng lượng tái tạo. Cụ thể, ACIT đã đánh dấu việc tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo khi làm chủ đầu tư dự án nhà máy điện mặt trời Bầu Zôn. Đây là dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 500 tỷ đồng, được xây dựng trên khu đất có tổng diện tích 29ha tại xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận và được đi vào vận hành ngày 5/8/2020.

Hay mới đây nhất chính là thương vụ cổ phần nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc.

Chi tiết của thương vụ này không được công bố nhưng với dự án có vốn đầu tư lên gần 5.000 tỷ đồng, chắc chắn ACIT phải chi một số tiền không hề nhỏ. Dư luận đang băn khoăn về tiềm lực thực sự của công ty này.

Bức tranh tài sản của ACIT: Nợ vay tăng rất mạnh, cao gấp đôi vốn chủ sở hữu

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, ACIT được thành lập ngày 21/11/2006, với ngành nghề chính là sản xuất tủ điện cao, hạ thế, xà điện, cột điện cao thế. Ông Phạm Đình Thắng là chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc. Ghi nhận tại thời điểm 25/1/2021, vốn điều lệ của ACIT là hơn 2.025 tỷ đồng.

Trong 3 năm gần nhất, (2018-2020), quy mô tài sản của ACIT tăng đều qua các năm. Cụ thể, năm 2018 đạt 1.465 tỷ đồng, năm 2019 tăng lên 1.998 tỷ đồng (tăng thêm 533 tỷ đồng), năm 2020 tăng tiếp lên 2.640 tỷ đồng (tăng thêm 642 tỷ đồng). Như vậy, chỉ từ năm 2018 đến năm 2020, tổng tài sản đã tăng thêm tới 80%.

Phần lớn sự biến động của tổng tài sản chủ yếu nằm ở phần tài sản ngắn hạn, từ 1.096 tỷ đồng (2018) lên 2.238 tỷ đồng (2020), tức tăng tới 104%. Phần tài sản dài hạn chỉ duy trì ở mức từ 369-410 tỷ đồng.

Cơ cấu tài sản có điểm đáng chú ý là các khoản phải thu ngắn hạn tăng rất mạnh và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản. Cụ thể, nếu như năm 2018 và 2019, các khoản phải thu chỉ ở mức 503 tỷ đồng (chiếm 34% tổng tài sản) và 861 tỷ đồng (chiếm 43% tổng tài sản) thì đến năm 2020, con số này đã tăng lên mức 1.597 tỷ đồng, chiếm 60% tổng tài sản.

Trong khi đó, giá trị của hàng tồn kho dao động trong khoảng 441 – 604 tỷ đồng. Chiếm tỷ trọng 30% tổng tài sản ở 2 năm 2018, 2019 và giảm xuống còn 18% vào năm 2020.

Như vậy, các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho đã chiếm tới 78% tổng tài sản năm 2020, tăng đáng kể so với 2 năm trước đó (lần lượt là 64% và 73%).

Về nguồn vốn nợ phải trả giai đoạn từ 2018-2020 tăng mạnh lần lượt từ 1.198 tỷ đồng lên 1.730 tỷ đồng rồi 2.052 tỷ đồng, tức tăng 71% trong vòng 3 năm. Có thể thấy, nợ phải trả là nguồn tài trợ chính cho sự tăng trưởng của tổng tài sản.

Diễn biến đáng chú ý của nợ phải trả là sự tăng trưởng rất mạnh của nợ vay ngắn hạn. Trong cùng giai đoạn nêu trên, vay ngắn hạn đã tăng từ 426 tỷ đồng lên 1.291 tỷ đồng, tức tăng gấp 3 lần.

Trong khi đó, vốn chủ sở hữu chỉ tăng từ 266 tỷ đồng (2018) lên 268 tỷ đồng (2019) rồi 588 tỷ đồng (2020). Điều này khiến cho hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu luôn ở mức rất cao, lần lượt là 4,5 lần, 6,4 lần và 3,4 lần. Riêng nợ vay cũng đã gấp đôi vốn chủ sở hữu.

Hệ số này không chỉ cho thấy mức độ sử dụng đòn bẩy tài chính rất cao của ACIT mà còn phản ánh rủi ro thanh toán không nhỏ. Rủi ro này đã ở mức nghiêm trọng trong các năm 2018 - 2019 khi nợ ngắn hạn vượt cả tài sản ngắn hạn! Mãi đến năm đến 2020, tình trạng này mới được cải thiện phần nào.

Bức tranh kinh doanh: Quản lý chi phí không tốt, dòng tiền kinh doanh âm liên tiếp

Bức tranh kinh doanh của ACIT có thể nói là khá sáng, nếu chỉ xét về doanh thu. Cụ thể, doanh thu thuần năm 2018 đạt 2.054 tỷ đồng, năm 2019 tăng lên 2.600 tỷ đồng còn năm 2020 tăng vọt tới 5.206 tỷ đồng.

Tuy vậy, diễn biến lợi nhuận gộp đã không "đồng pha" với doanh thu. Trong cùng giai đoạn, lợi nhuận gộp trồi sụt liên tục: năm 2019 chỉ đạt 84,5 tỷ đồng, giảm 14% so với năm 2018 (98,6 tỷ đồng), năm 2020 mới hồi phục lên 122,7 tỷ đồng.

Điều đáng nói hơn nữa là việc quản lý chi phí của ACIT thực sự chưa tốt khiến lợi nhuận bị ăn mòn dữ dội. Rõ nhất là năm 2019, lợi nhuận gộp là 84,5 tỷ đồng, nhưng việc các chi phí lãi vay, bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng mạnh đã khiến cho lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ còn vỏn vẹn 3,3 tỷ đồng (giảm tới 91% so với năm 2018, dù cho doanh thu lớn hơn).

Tình trạng này cũng tiếp diễn ở năm 2020, khi lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 28,4 tỷ đồng. Với doanh thu tăng gấp đôi so với 2018 mà lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh lại không bằng thì vấn đề nằm ở chi phí. Chi phí lãi vay năm 2020 của ACIT là 32 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp là 56,6 tỷ đồng, lần lượt tăng hơn gấp 2 lần và gấp 1,8 lần so với năm 2018.

Vì quản lý chi phí không tốt, lợi nhuận ròng của ACIT trong giai đoạn từ năm 2018-2020 không thực sự cao so với doanh thu, lần lượt đạt 30,5 tỷ đồng, 3,1 tỷ đồng và 28,2 tỷ đồng.

Với kết quả  này, các chỉ số ROE (lợi nhuận ròng/vốn chủ sở hữu), ROA (lợi nhuận ròng/tổng tài sản) của công ty đều ở mức tương đối thấp.

Một điều đáng chú ý khác khi xem xét tình hình kinh doanh của ACIT là dòng tiền. Dòng tiền kinh doanh của công ty này đã âm liên tục trong 3 năm qua với xu hướng ngày càng nặng hơn, lần lượt là: -141 tỷ đồng (2018), -274 tỷ đồng (2019) và -617 tỷ đồng (2020).

Dòng tiền âm cho thấy hoạt động kinh doanh không mang được tiền về. Bởi vậy, nguồn tạo tiền của công ty phụ thuộc vào hoạt động tài chính. Điều này lý giải vì sao giá trị nợ phải trả nói chung, nợ vay nói riêng lại tăng rất mạnh trong các năm qua.

Một lần nữa, những diễn biến của dòng tiền đã minh họa rõ nét hơn cho những rủi ro tài chính mà ACIT đang mang trong mình. Trong tương lai, những rủi ro này có thể mang lại hậu quả khó lường cho công ty, nhất là khi tình hình kinh doanh gặp trục trặc...

Cùng chuyên mục
Tin khác