'Soi' tiềm lực Nông sản Thực phẩm An Giang (AFX) trước thềm thoái vốn của SCIC
Việt Anh -
03/12/2020 07:41 (GMT+7)
(VNF) - Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thông báo đã có nhà đầu tư đăng ký tham gia phiên đấu giá cạnh tranh cả lô 17,8 triệu cổ phiếu AFX, tương đương 51% vốn Công ty Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang.
Không còn "ế ẩm"
Khác với lần triệt thoái vốn nhà nước "ế ẩm" hồi tháng 9, tại phiên đấu giá cổ phiếu AFX diễn ra hôm nay (3/12) đã có 2 nhà đầu tư là Quỹ đầu tư hạ tầng PVI (quản lý bởi Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ PVI) và cá nhân ông Hứa Minh Trí tham gia. Được biết, cả 2 nhà đầu tư này đều đang không sở hữu cổ phiếu AFX.
Với giá khởi điểm được SCIC đưa ra là 18.900 đồng/cổ phiếu, cao hơn 55% so với thị giá (kết phiên ngày 2/12) thì Quỹ đầu tư hạ tầng PVI và ông Trí sẽ phải "móc hầu bao" tối thiểu 330 tỷ đồng để nắm quyền chi phối AFX.
Theo tìm hiểu, AFX tiền thân là Công ty Xuất nhập khẩu Nông thủy sản An Giang, là doanh nghiệp nhà nước thuộc UBND tỉnh An Giang, được sáp nhập từ 3 công ty là Chăn nuôi, Xuất nhập khẩu thủy sản và Xí nghiệp khai thác chế biến thủy sản.
Sau đó 3 năm, UBND tỉnh An Giang tách công ty thành 2 pháp nhân hoạt động độc lập, đó là Công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (nay là Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang - AGIFISH) và Công ty Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang - An Giang Afiex.
Năm 2010, công ty được UBND tỉnh phê duyệt phương án chuyển thành Công ty Cổ phần. Đến tháng 4/2011, công ty tiến hành tổ chức đại hội đồng cổ đông và chính thức hoạt động theo mô hình Công ty Cổ phần với vốn điều lệ 350 tỷ đồng, sau không lâu trở thành công ty đại chúng theo công văn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Cuối năm 2015, AFX được điều chuyển về SCIC nhằm tái cơ cấu trong bối cảnh tình hình kinh doanh công ty đì đẹt, lỗ lũy kế nhiều tỷ đồng, nợ phải trả vượt vốn chủ sở hữu.
Đầu tháng 12/2016, cổ phiếu AFX chính thức niêm yết trên sàn giao dịch UPCoM với giá tham chiếu 10.000 đồng/cổ phiếu.
AFX có gì hấp dẫn?
Hiện nay, mảng kinh doanh chính của AFX là gạo và chế biến thức ăn chăn nuôi, thủy sản. Bên cạnh đó công ty có mở rộng thêm mảng nuôi lợn, thủy sản và dịch vụ giao nhận hàng hóa.
Trải qua 5 năm tái cơ cấu, AFX đã giảm nợ phải trả từ 388 tỷ đồng xuống còn 36,5 tỷ đồng, trong khi đó vốn chủ sở hữu tăng nhẹ lên 366 tỷ đồng (tính tại ngày 30/9/2020).
Có thể thấy tiềm lực tài chính của AFX rất lành mạnh, khả năng thanh toán các khoản chiếm dụng bên ngoài khá tốt, đồng thời dư địa để huy động vốn trong tương lai còn nhiều.
Thêm vào đó, một điều đáng lưu tâm là công ty chế biến thức ăn chăn nuôi này đang nắm giữ quỹ đất "khủng", nằm rải rác khắp tỉnh An Giang với tổng diện tích hàng trăm nghìn m2.
Theo thống kê của VietnamFinance, hiện AFX đang sử dụng và quản lý một số lô đất có diện tích và giá trị lớn, như số 34-36 Hai Bà Trưng, phường Mỹ Long (309 m2), phường Bình Khánh (1.030 m2), xã Mỹ Khánh (5.900 m2), xã An Hòa (2.730 m2), thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn (2.341 m2), phường Mỹ Thạnh (761 m2), ấp Long Hòa, xã Long Giang (37.888 m2), ấp Bình Tây 1, Phú Bình (24.959 m2), xã Hòa An (455 m2) và 2 khu đất ấp Vĩnh Mỹ, TP. Cần Thơ (tổng diện tích 26.332 m2).
Ngoài ra, công ty cũng sở hữu hơn 10 khu đất thuê với tổng diện tích gần 500.000 m2 trên địa bàn tỉnh An Giang.
Trái với ưu điểm kể trên, tình hình kinh doanh của AFX những năm gần đây lại rất tiêu cực và kém hấp dẫn. Năm 2016, doanh thu của công ty đạt đỉnh ở mức 1.191 tỷ đồng, nhưng với giá vốn sản phẩm cao ngất ngưởng, lợi nhuận gộp chỉ vỏn vẹn 68 tỷ đồng.
Khấu trừ đi chi phí vận hành, trả lãi thì lợi nhuận trước thuế giảm còn 7,5 tỷ đồng.
Năm 2017, nhờ khoản thu nhập bổ sung từ thanh lý tài sản, công ty có lãi tăng gấp 3 lần so với năm trước, lên 24,4 tỷ đồng trong khi doanh thu giảm gần 25% xuống còn 897 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2018, thực hiện kế hoạch thoái vốn của SCIC, công ty đã tạm dừng hoạt động thanh lý tài sản. Không còn nguồn thu nhập bổ sung, lợi nhuận trước thuế giảm mạnh còn 7,2 tỷ đồng, thấp hơn thực đạt 2016.
Doanh thu thuần trong năm tiếp tục giảm nhẹ còn 870 tỷ đồng, do biến động bất lợi của thị trường và chính nhập khẩu của đối tác, khiến mảng xuất khẩu lương thực gặp khó.
Năm 2019, trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát, mảng thức ăn chăn nuôi của AFX gặp khó và nhu cầu tiêu thụ lương thực nội địa giảm, hàng xuất khẩu không cạnh tranh được về giá nên doanh thu của công ty giảm còn 773 tỷ đồng.
Trong năm công ty cũng phải tiêu hủy số lượng lợn bị bệnh khá lớn, tương đương 9,5 tỷ đồng khiến lợi nhuận còn nhỏ giọt 200 triệu đồng - mức lãi thấp chưa từng có trong lịch sử hoạt động.
Bước sang năm 2020, tình hình kinh doanh có vẻ khá khẩm hơn trước thềm thoái vốn của SCIC, khi lũy kế 9 tháng, AFX báo lãi trước thuế gần 8 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với con số 100 triệu đồng cùng giai đoạn năm trước.
Kết quả này có được nhờ nửa đầu năm công ty dự trữ nguyên liệu thức ăn với giá thấp, trong khi quý III doanh nghiệp lỗ 4 tỷ đồng do tình hình thị trường tiêu thụ xuất khẩu cũng như nội địa cá tra thịt gặp nhiều khó khăn, giá ca tra nguyên liệu ở mức thấp kéo dài.
So với kế hoạch đặt ra cho năm 2020, AFX đã hoàn thành 65% mục tiêu doanh thu và 80% mục tiêu lợi nhuận.
Trên thị trường, cổ phiếu AFX đứng ở mức 12.200 đồng/cổ phiếu, tăng 270% so thời điểm với đầu năm.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone