Sơn Hải muốn Thanh Hóa cho 'cơ chế đặc thù' tại mỏ vật liệu làm cao tốc hơn 7.200 tỷ

Chí Bình - 09/07/2021 17:26 (GMT+7)

(VNF) - Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải đề xuất mỏ vật liệu được áp dựng cơ chế đặc thù theo nghị quyết của Chính phủ đối với dự án thành phần đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

VNF
Sơn Hải trúng gói thầu hơn 1.150 tỷ làm cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu.

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc giao xem xét, giải quyết đề nghị của Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải liên quan đến dự án thành phần đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Theo đó, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải đề xuất mỏ vật liệu áp dựng cơ chế đặc thù theo nghị quyết của Chính phủ đối với dự án thành phần đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Liên quan đến việc này, lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng, Ban quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, UBND thị xã Nghi Sơn và các ngành, đơn vị có liên quan nghiên cứu nội dung đề nghị của Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải; báo cáo, đề xuất nội dung vượt thẩm quyền với chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 15/7.

Trước đó, như VietnamFinance đã thông tin, Bộ Giao thông Vận tải mới đây đã ban hành quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu XL1 - thi công (bao gồm xây lắp và khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công) đoạn Km380+000 - Km389+900 tại dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu.

Theo quyết định của Bộ Giao thông Vận tải, đơn vị trúng thầu là liên danh Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải - Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả - Công ty Cổ phần Xây dựng Đèo Cả.

Giá trị trúng thầu của gói thầu XL1 là hơn 1.158 tỷ đồng (bao gồm dự phòng và 10% thuế VAT). Gói thầu này sử dụng vốn ngân sách nhà nước, thời gian thực hiện hợp đồng 24 tháng.

Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu có tổng mức đầu tư 7.293,2 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng và thiết bị 4.305,9 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư 1.778,1 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác 553 tỷ đồng; chi phí dự phòng 656 tỷ đồng. Thời gian xây dựng dự án khoảng 2 năm, hoàn thành năm 2023.

Với Tập đoàn Sơn Hải, hồi cuối năm 2020, doanh nghiệp này đã được đề nghị là nhà đầu tư trúng thầu dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Nha Trang - Cam Lâm với giá trị đề nghị trúng thầu (vốn góp của nhà nước) là 1.788,28 tỷ đồng/1.800,28 tỷ đồng.

Trở lại với đề xuất của Tập đoàn Sơn Hải, giữa tháng 6 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 60 về việc áp dụng "cơ chế đặc thù" trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020 (đã khởi công và sắp khởi công).

Sau khi nghe tờ trình của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ý kiến của các thành viên, Chính phủ quyết nghị cho UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi dự án đường cao tốc đi qua được thực hiện một số “cơ chế đặc thù”.

Cụ thể, các địa phương này sẽ được phê duyệt các khu vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đã có trong quy hoạch khoáng sản liên quan, đủ tiêu chuẩn và chỉ phục vụ thi công dự án đường cao tốc là khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Đối với khu vực khoáng sản mới (chưa cấp phép thăm dò, khai thác), các địa phương chỉ cấp cho nhà đầu tư (đối với dự án theo hình thức PPP và BOT), nhà thầu (đối với dự án đầu tư công) thi công dự án đường cao tốc khi có đề nghị và đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về khoáng sản.

Đối với các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (trừ cát, sỏi lòng sông, cửa biển) đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác, các địa phương được phép quyết định nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác (không tăng trữ lượng đã cấp phép) mà không phải lập dự án đầu tư điều chỉnh, đánh giá tác động môi trường (báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường) hoặc giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường nhưng phải đáp ứng yêu cầu về an toàn, bảo vệ môi trường trong khai thác.

Khi thực hiện “cơ chế đặc thù” nêu trên, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi dự án đường cao tốc đi qua có trách nhiệm chỉ cho phép nâng công suất các mỏ đang khai thác sau khi tổ chức, cá nhân khai thác đã ký văn bản cam kết cung cấp vật liệu cho nhà đầu tư, nhà thầu của dự án đường cao tốc Bắc - Nam; nghiêm cấm việc nâng giá, ép giá, nếu vi phạm phải xử lý theo quy định của pháp luật.

Đối với khu vực khai thác mới, yêu cầu tổ chức, cá nhân sau khi đã khai thác đủ khối lượng cung cấp cho dự án đường cao tốc phải thực hiện cải tạo phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ, trả lại mỏ và đất đai cho địa phương quản lý theo quy định.

Xem thêm >>> Áp dụng 'cơ chế đặc thù' để gỡ vướng cho nguồn vật liệu làm cao tốc Bắc - Nam

Cùng chuyên mục
Tin khác